21/02/2012 20:07 GMT+7

Để ra trường không... thất nghiệp

HẢI HÒA(ĐH KHXH&NV TP.HCM)
HẢI HÒA(ĐH KHXH&NV TP.HCM)

AT - Có được việc làm sau khi ra trường luôn là điều mà bất kỳ sinh viên nào cũng mong muốn. Nhưng để điều đó trở thành hiện thực thì tự mỗi người phải tích lũy cho mình nhiều thứ ngay từ khi mới bước chân vào giảng đường đại học.

C0kXBrHj.jpgPhóng to
Sinh viên trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM tham gia cuộc thi “Nhịp sống sinh viên”

Thực tế ngày nay, vấn đề kỹ năng mềm tưởng chừng đã cũ nhưng vẫn luôn là đề tài được nhiều người, bao gồm cả nhà tuyển dụng lẫn sinh viên mới ra trường, quan tâm.

Thạc sĩ Trần Đình Lý, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp (ĐH Nông lâm TP.HCM), cho biết: “Nhiều sinh viên hiện nay tốt nghiệp có thể rất giỏi về chuyên môn, lý thuyết. Tuy nhiên trên thực tế hầu hết các doanh nghiệp cần ở họ là khả năng thực hành, việc học hỏi và các kỹ năng cá nhân khác. Kiến thức uyên thâm là cần thiết nhưng không có kỹ năng thực hành thì rất dễ bị doanh nghiệp chê. Và khi bị chê như vậy, nếu bạn trẻ không có thái độ đúng mực thì mối quan hệ giữa nhà tuyển dụng và sinh viên rất dễ... xa nhau”.

Ông Lý cũng cho biết doanh nghiệp ngày nay thường có chính sách đào tạo, huấn luyện để phát triển, nâng cấp nguồn nhân lực của mình. Do đó, ngoài yêu cầu về những kiến thức, kỹ năng chuyên môn cơ bản của sinh viên vừa tốt nghiệp, doanh nghiệp cũng mong đợi ở họ có “kỹ năng học” để phù hợp với môi trường làm việc mới. Trong đó, các kỹ năng như biết cách đặt câu hỏi sẽ làm cho khách hàng nhận ra bạn là người am hiểu công việc và đang tư vấn cho họ, thay vì nghĩ rằng bạn đang học việc. Biết cách đặt câu hỏi cũng kích thích khách hàng trả lời nhiều hơn và thông tin họ đưa ra cũng xác thực hơn, khách quan hơn.

Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết: “Kỹ năng là tự tích lũy trong mỗi người. Điều quan trọng nhất là người lao động hiểu được chính mình, tự tin và tin tưởng vào bản thân, năng lực của mình. Hiểu được công việc mình sẽ làm và có sự say mê, yêu thích với công việc đó mà học hỏi, rèn luyện nhiều hơn nữa”.

Bên cạnh vai trò quan trọng của kỹ năng mềm thì điều không thể thiếu chính là “kỹ năng cứng”: là kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ của mỗi người. Mỗi sinh viên ngay từ những học kỳ đầu tiên nên tự tích lũy cho mình một bảng điểm “đẹp” và kèm theo đó là tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, đội nhóm tốt... sẽ tạo thiện cảm nơi nhà tuyển dụng. Ngoài ra, hai kỹ năng nữa mà bất kỳ sinh viên nào cũng không được bỏ qua: tiếng Anh và tin học, đã trở thành những yêu cầu cơ bản nhất trong một hồ sơ xin việc từ nhà tuyển dụng. Biết thêm một ngôn ngữ khác cũng sẽ giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng.

Sinh viên có thể theo học các khóa nghiệp vụ nhằm trang bị thêm cho mình những kiến thức cơ bản cũng như những thao tác chuyên môn. Làm thêm cũng là một cách hiệu quả để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Ở mỗi công việc, dù có hay không liên quan đến ngành nghề bạn đang theo học thì cũng mang lại cho bạn một số lợi ích đáng kể: khả năng giao tiếp, xử lý tình huống hay những “mánh khóe” thu hút khách hàng, đồng nghiệp... là những điều ít được dạy ở nhà trường. Chính trải nghiệm thực tế đó cho bạn kỹ năng và thêm trân quý công việc mà mình được tuyển dụng.

FTTUKK5e.jpgPhóng to

Áo Trắng số 3 ra ngày 15/02/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

HẢI HÒA(ĐH KHXH&NV TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên