24/12/2010 05:54 GMT+7

Để "phép vua" không thua "lệ làng"

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - 6.888 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh thành, huyện có dấu hiệu vi phạm pháp luật được ghi nhận trong một năm 2010. Đó là chưa kể 410 văn bản loại này ở cấp trung ương như công bố tại hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2011. Thực tế những văn bản quy phạm pháp luật này nhiều lúc đứng trên cả luật và như vậy chẳng khác nào “phép vua” thua “lệ làng”.

Từ việc thực hiện những quyết định sai trái của người được trao phận sự công, chắc chắn đã có những người bị thiệt hại oan uổng và một số người khác được lợi không chính đáng; có những phận đời ngậm ngùi trôi dạt sau khi sự nghiệp cá nhân đổ vỡ và gia đình ly tán...

Có thể do không đọc kỹ, thậm chí không đọc các quy định của luật, người có trách nhiệm đã đưa ra quyết định theo ý mình mà không hề biết việc mình làm là sai. Cũng có thể có đọc và hiểu thấu đáo luật pháp, nhưng người ta cố tình làm lơ, để luật qua một bên và cứ bước đi theo những lề thói đã quen.

Dù theo kiểu nào, cách nào, những quyết định như thế phải được coi là biểu hiện thái độ tùy hứng và thiếu tôn trọng của một số người nắm quyền lực công đối với luật pháp, chuẩn mực khách quan. Chắc chắn cuộc sống xã hội không thể diễn ra một cách có trật tự, bình yên và văn minh nếu hiện tượng này phổ biến tràn lan. Đơn giản, một khi chính người đảm nhận chức năng quản lý, điều hành trong các lĩnh vực của đời sống xã hội không coi luật pháp ra gì thì việc người dân không tuân thủ luật cũng là điều bình thường: đó chỉ là sự làm theo, sự bắt chước tự động, đúng với logic của mối quan hệ giữa người quản lý và người được quản lý.

Dẫu sao, ý thức tôn trọng pháp luật không phải là một phần bản năng tự nhiên của con người, dù đó là người làm quan. Muốn pháp luật được người ta quan tâm tìm hiểu với thái độ nghiêm túc và lựa chọn như là khuôn mẫu ứng xử thì phải làm thế nào để người ta thấy lợi ích từ việc đó.

Có thể từ đó hình dung phác đồ điều trị căn bệnh này: nếu ra văn bản đúng luật thì sẽ được khen thưởng xứng đáng cả về vật chất và tinh thần, còn nếu làm ngược lại thì phải bị xử lý kỷ luật, buộc bồi thường, thậm chí bị cách chức, bỏ tù... Để thực hiện giải pháp này, mà thật ra đã được người làm luật khẳng định từ lâu, phát huy được tác dụng trong thực tiễn, điều cần thiết là phải đặt hệ thống quản lý, điều hành dưới một cơ chế kiểm tra khách quan. Người dân cần được biết những cơ quan, tập thể, cá nhân nào đã bị xử lý và chế tài khi ban hành những văn bản sai luật đó.

Rõ hơn, cần tạo điều kiện thuận lợi có thể được cho việc thực hiện các quyền giám sát, kiểm soát của người dân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước và công chức: tổ chức đối thoại với dân để nghe phản biện chính sách; cải cách hệ thống thanh tra, tài phán, tư pháp để người dân có thể tiếp cận dễ dàng trong trường hợp cần thiết... Đặc biệt, cần đơn giản hóa thủ tục, quy trình để người dân có thể thực hiện các quyền kiện cáo với chi phí và trong thời gian hợp lý, nhất là không phải mang tâm trạng “châu chấu đá xe” khi dấn thân vào một tranh chấp pháp lý đối với một thiết chế công.

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên