23/03/2019 17:18 GMT+7

'Đệ nhất danh cầm đàn đáy' Nguyễn Phú Đẹ đã ra đi

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Một tin buồn với giới nghiên cứu và thực hành ca trù: Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Phú Đẹ, người được coi là ‘đệ nhất danh cầm đàn đáy' trong nghệ thuật ca trù, vừa qua đời ở tuổi 97.

Đệ nhất danh cầm đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ đã ra đi - Ảnh 1.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Phú Đẹ - Ảnh: Đoàn Văn Hựu

Cụ đi, tiếng đàn tắt, nhưng di sản tình yêu ca trù của cụ thì vẫn tiếp tục chảy trong những thế hệ kế tiếp mà cụ đã có công dìu dắt, truyền lửa.

Chuyến đi sáng mùng 1 tết

Nghệ nhân ca trù Bạch Vân - con nuôi của Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Phú Đẹ - nghẹn ngào kể trong nước mắt những kỷ niệm giữa hai cha con trong những tháng năm miệt mài truyền dạy và gây dựng câu lạc bộ ca trù ở Hà Nội.

Trong suốt hai năm từ 2004 - 2006, để tiện cho việc nuôi cấy lại một thế hệ ca trù mới sau bao năm đứt đoạn, cụ Đẹ đã chuyển lên sống ở nhà của nghệ nhân Bạch Vân, dù lúc đó cụ đã cao tuổi, nhớ quê nhớ nhà và thèm khát được sớm tối quây quần bên con cháu.

Để chiều lòng cụ, hầu như tuần nào nghệ nhân Bạch Vân cũng đưa cụ về thăm nhà bằng xe máy. Hai thầy trò - cha con rong ruổi trên chiếc xe máy cà tàng quãng đường 70 cây số không biết bao lần.

Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ trình diễn điệu Hát Giai trước nhang án

Nhưng chuyến đi nhớ nhất có lẽ là chuyến đi của hai thầy trò vào sáng sớm mùng 1 Tết Nguyên đán 2005.

Năm đó, cụ Đẹ và con nuôi Bạch Vân được thành phố Hà Nội mời biểu diễn trong chương trình văn nghệ đón giao thừa tại đền Ngọc Sơn. Cụ Đẹ dù muốn được đón giao thừa với con cháu nhưng lòng đam mê cống hiến tiếng đàn cho công chúng đã khiến cụ nhận lời.

Nhưng diễn xong thì cụ Đẹ không kìm nổi cơn xúc động bởi nỗi nhớ nhung sum họp gia đình ngày tết. Vậy là ngay sáng mùng 1 tết, bà Bạch Vân lại lôi "chiến mã" là chiếc xe máy của mình vượt đường dài để đưa cụ Đẹ về quê.

Với nghệ nhân Bạch Vân, không ai có được tiếng đàn tài hoa, phong nhã và hoạt ngón được như cha nuôi của mình - Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Phú Đẹ.

Đệ nhất danh cầm đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ đã ra đi - Ảnh 3.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Phú Đẹ (bìa phải) cùng các nghệ dân biểu diễn trong lễ ra mắt nhà hát ca trù thuộc Trung tâm văn hóa ca trù Thăng Long năm 2009 - Ảnh: Hà Hương

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, còn hơn cả khúc nhạc, tiếng đàn để lại cho đời, di sản quý giá nhất mà Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Phú Đẹ để lại chính là tấm lòng trung trinh, say đắm với ca trù, với di sản quý báu của cha ông.

Để ngay trong những năm tháng trầm luân, gian khó của nghệ thuật truyền thống thì người nghệ sĩ vẫn giấu kín tận tim mình một ngọn lửa tình yêu với tiếng đàn của tiên tổ, kiên tâm đợi đến một ngày đẹp trời lại mang đốm lửa nhỏ ấy mà thổi bùng lên giữa đời…

Tuổi 90 say đắm

Từng may mắn có nhiều dịp được làm việc cùng Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Phú Đẹ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long đánh giá cụ Đẹ cùng với cụ Đinh Khắc Ban chính là những danh cầm đàn đáy cuối cùng sinh hoạt trong các giáo phường xưa.

Cụ Đẹ chính là di sản nghệ thuật của đất nước không chỉ ở tiếng đàn mà còn ở văn hóa âm nhạc xưa khi ông truyền giữ những thẻ cách, lề lối sinh hoạt cho các câu lạc bộ ca trù ở các tỉnh, thành phía Bắc: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng.

Những ngày này, khi tin buồn đến với những người làm âm nhạc truyền thống phía Bắc, những hình ảnh về nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ hơn 90 tuổi vẫn miệt mài trong những chuyến đi xuyên tỉnh để cùng những người trẻ làm dự án DVD Ca trù Thăng Long mấy năm trước khiến anh Long nghẹn ngào xúc động.

Anh kể, năm 2013, anh và các nghệ sĩ dồn sức cho dự án là DVD Ca trù Thăng Long của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch. Cụ Nguyễn Phú Đẹ đương nhiên là gương mặt quan trọng trong dự án này. Nhưng lúc ấy cụ Đẹ vừa tròn 90 tuổi.

Những người thực hiện dự án không khỏi lo lắng bởi dự án cần di chuyển giữa vài tỉnh, thành - một việc tưởng không thể với một cụ già 90 tuổi. Và rồi, tất cả đã phải kinh ngạc khi chứng kiến sự nhiệt tâm, hào hứng với những chuyến đi như con thoi của cụ Đẹ. Sống ở Hải Dương, cụ đã thực hiện nhiều chuyến đi giữa Hải Dương - Hà Nội để thu âm cho DVD.

Mỗi chuyến đi ấy thường mất cả ngày căng thẳng mà ngay một người trẻ cũng mệt, nhưng lão nghệ nhân 90 tuổi lại đầy hứng khởi. Ông vui. Bởi hơn ai hết, ông hiểu những di sản âm nhạc dân gian ông đã ôm ấp cả đời cần phải tiếp tục mạch chảy trong đời sống dân tộc ngay cả khi ông dừng bước cõi tạm.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc & Nguyễn Phú Đẹ biểu diễn ca trù tại phố cổ Hà Nội 2011

Đệ nhất danh cầm cuối cùng

GS Đặng Hoành Loan - nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống - bày tỏ tiếc nuối lớn lao khi người nghệ nhân tài danh cuối cùng của lớp nghệ sĩ sinh hoạt trong các giá phường xưa là cụ Nguyễn Phú Đẹ đã ra đi.

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc này, cụ Đẹ có phong cách chơi đàn riêng, sâu sắc, mềm mại, thong thả, đĩnh đạc. Cụ đạt được tất cả các phẩm chất cao quý của ca trù. Đầu thế kỷ 21 không còn nghệ nhân nào đàn được như cụ nữa.

Cụ đã truyền lại ngón nghề gia truyền cho nhiều môn đệ. Chính cụ đã giúp cho ca trù Hải Dương quê hương cụ có những tay đàn, giọng hát nổi bật. Và đặc biệt, cụ đã truyền lại tất cả lối hát Cửa đình cho nhóm ca trù Đình Làng Việt ở Hải Phòng.

"Nếu không có cụ thì lối hát Cửa đình này sẽ mất dần", GS Đặng Hoành Loan nói.

Riêng với mình, GS Đặng Hoành Loan biết ơn cụ Đẹ khi đã chỉ giáo cho ông đi tới con đường nghiên cứu âm nhạc ca trù ngắn nhất, bằng những tổng kết mà trước kia chưa ai tổng kết được, đó là ca trù chỉ có hai giọng Nam, Bắc chứ không phải 5 giọng Nam, Bắc, Huỳnh, Pha, Nao.

Một câu chuyện cuộc đời cụ Đẹ mà GS Loan rất thích đó là chuyện cái tên đặc biệt của cụ và người anh trai tên Nguyễn Phú Đọ. Theo cụ Đẹ kể lại, sở dĩ hai anh em cụ có tên đó bởi vì ngay từ ấu thơ hai cụ đã quá mê mẩn với tiếng đàn nên cha của hai cụ đã gọi yêu các con mình bằng những tên đó.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Phú Đẹ qua đời vào 12h50 ngày 22-3, hưởng thọ 97 tuổi. Cụ Nguyễn Phú Đẹ vừa được Nhà nước có quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân ít ngày trước.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Phú Đẹ sinh năm 1923 tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, trong một gia đình có truyền thống đàn hát nhiều đời. Cha của cụ là một tay đàn có tiếng, còn mẹ cụ là một ca nương.

Trong nhiều năm kể từ 2004, cụ Nguyễn Phú Đẹ đã tham gia vào nhiều hoạt động truyền dạy đàn cho các nghệ nhân ca trù.

Gần đây, dù tuổi đã cao nhưng cụ vẫn giúp đỡ nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia) phục dựng hình thức hát Cửa đình bằng cách giúp thẩm định lại những bản ký âm do ông Hiền phục dựng.

Việc phục dựng này được kỳ vọng sẽ giúp ca trù thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.

Chông chênh nhịp phách ca trù Chông chênh nhịp phách ca trù

TTO - Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội khép lại sau ba ngày rộn ràng tiếng ca nơi nhà thái học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (từ ngày 11 đến 13-11). Ấy thế mà sao vẫn thấy nhịp phách chông chênh…

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên