Phóng to |
Cuộc phỏng vấn ủy viên Ủy ban thường vụ QH, trưởng Ban dân nguyện Lê Quang Bình cũng bắt nguồn từ chính văn bản mang tính đột phá trong công tác dân nguyện này. Ông Bình nói:
- Đúng như tên gọi nghị quyết 715 qui định rất cụ thể việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư gửi đến QH. Các cơ quan thành viên của QH sẽ xử lý đơn thư thuộc lĩnh vực mình phụ trách; nếu không thuộc lĩnh vực mình phụ trách thì chuyển đến Ban công tác đại biểu hoặc Ban dân nguyện để xử lý theo thẩm quyền.
* Như vậy đơn thư sẽ được “chia luồng” theo nội dung để xử lý?
- Đúng vậy. Nghị quyết 715 dành tới 10 điều qui định chi tiết, cụ thể thẩm quyền xử lý đơn thư dân nguyện để tránh sự chồng chéo, trùng lắp, đùn đẩy trách nhiệm, bỏ sót, bỏ lọt đơn thư. Có thể khẳng định: từ nay, mọi đơn thư của công dân gửi tới lãnh đạo QH, các cơ quan của QH đều sẽ được xem xét, xử lý theo qui định của pháp luật.
* Cán bộ công chức là đầy tớ của dân nhưng người dân lâu nay lại phải đi “xin” thay vì “yêu cầu” đầy tớ. Liệu tới đây chúng ta có thể xử lý được vấn đề này?
- Nhà nước ta là của dân, do dân, vì dân. Cán bộ công chức là đầy tớ, là công bộc của dân nhưng hiện nay bộ máy nhà nước chưa thể hiện đầy đủ bản chất ưu việt đó. Người dân luôn bị yếu thế trước cơ quan nhà nước, trước cán bộ, công chức nhà nước. Người dân thường xuyên cảm thấy “quyền thì của nhà nước, dân chỉ có nghĩa vụ”. Cho nên “chủ” cứ phải đi xin, còn cho hay không do ông “đầy tớ” quyết định.
“Có một số ý kiến xác đáng mà buổi tiếp xúc cử tri nào tôi cũng được nghe phản ánh đầy day dứt, bức xúc. Đó là nạn tham nhũng và hiệu quả công tác chống tham nhũng chưa cao; là vấn đề cải cách hành chính còn chậm, bộ máy cơ quan công quyền cồng kềnh, nhiều thủ tục hành chính rườm rà… Tôi cho rằng thời gian tới QH nên tiếp tục bàn chuyên đề về những vấn đề bức xúc, như cải cách hành chính và chống tham nhũng. Cử tri đã nhiều lần đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng và nâng pháp lệnh chống tham nhũng hiện nay lên thành Luật chống tham nhũng. Tôi cũng từng phát biểu đề xuất thành lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng. Theo tôi, việc này nên đưa ra QH thảo luận, quyết định trong thời gian thích hợp”. |
* Tại cuộc họp báo lần đầu tiên công bố bản tập hợp dân nguyện (kỳ họp QH thứ 5), Ban dân nguyện đã cho biết: nếu lãnh đạo QH cho phép, sẽ tổ chức họp báo truyền hình trực tiếp…
- Đó là cách làm tốt nếu chúng ta công khai việc trả lời trực tiếp của các cơ quan nhà nước đối với ý kiến, kiến nghị của cử tri. Điều đó thể hiện sự tôn trọng người dân. Vì thế Ban dân nguyện muốn mở rộng hình thức này. Vấn đề là lãnh đạo các bộ, ngành cũng phải cởi mở vì tôi biết một số đồng chí vẫn e ngại hình thức truyền hình trực tiếp.
* Theo ông, nên học tập kinh nghiệm gì từ công tác dân nguyện trên thế giới?
- Nước ta có một lực lượng “trùng trùng điệp điệp”, hàng trăm tổ chức, hàng vạn cá nhân làm công việc xử lý đơn thư khiếu kiện, ai cũng làm song hiệu quả lại chưa cao.
Có thể nói nước nào cũng có chuyện đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo gửi đến các cơ quan nhà nước. Song hầu hết nghị viện trên thế giới đều thành lập cơ quan chuyên trách để xử lý vấn đề này. Theo ý kiến của Chủ tịch QH Nguyễn Văn An, Ban dân nguyện đã nghiên cứu việc thành lập cơ quan chuyên trách như vậy. Chúng tôi đã đưa ra hai phương án: Ủy Ban dân nguyện của QH hoặc Thanh tra QH.
* Cá nhân ông chọn phương án nào?
- Nên thành lập Ủy ban dân nguyện.
* Nghĩa là nâng cấp Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ QH hiện nay thành Ủy ban dân nguyện của QH?
- Đúng thế. Ở một số nước, cơ quan này hết sức quan trọng. Thành viên của nó bao gồm các đại biểu QH am hiểu pháp luật với cả một bộ máy giúp việc hội tụ nhiều luật sư giỏi.
* Nhưng mô hình thanh tra QH hiện cũng rất phổ biến trên thế giới với trên 130 nước áp dụng?
- Đúng là thẩm quyền của Ủy ban dân nguyện hẹp hơn Thanh tra QH vì không có thẩm quyền thanh tra, điều tra. QH các nước quan niệm Thanh tra QH chính là người thay mặt mình “trông nom hoạt động của các cơ quan công quyền” và cũng là người bảo vệ quyền lợi của công chúng.
* Pháp luật VN cũng qui định QH có thể thành lập Ủy ban lâm thời điều tra một vấn đề hoặc thẩm tra một dự án luật nào đó. Tại sao chúng ta không xây dựng hẳn một cơ quan hoạt động thường xuyên, thay vì mang tính “lâm thời”?
- Cho đến nay QH mới một lần thành lập Ủy ban lâm thời để thẩm tra Luật hoạt động giám sát của QH, song thực tế cho thấy: nhiều vấn đề trong cuộc sống đòi hỏi QH cũng cần xem xét thành lập Ủy ban lâm thời điều tra một vấn đề nhất định. Chẳng hạn dư luận phản ánh nhiều về chuyện thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản. Hiện nay Ủy ban thường vụ QH đang tổ chức đoàn giám sát vấn đề này.
Nhưng nếu QH của ta có cơ quan Thanh tra QH thì Thanh tra QH có thể vào cuộc mà không cần Ủy ban thường vụ QH phải thành lập đoàn giám sát. Thậm chí cả những vấn đề Thanh tra Chính phủ đã kết luận nhưng nếu Thanh tra QH thấy chưa thỏa đáng thì Thanh tra QH có thể làm rồi báo cáo với QH. Các nước đều làm như vậy.
* Vậy tại sao Ban dân nguyện không đề xuất mô hình này?
- Đây chính là vấn đề mà chúng tôi đang cân nhắc rất kỹ. Tuy nhiên quyền quyết định vẫn thuộc về Ủy ban thường vụ QH và QH, nếu quyết mô hình nào, chúng tôi sẽ xây dựng đề án cụ thể mô hình đó. Và dù với phương án nào thì chúng ta cũng phải sửa các luật liên quan (nhất là Luật tổ chức QH).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận