12/03/2009 08:31 GMT+7

Đề nghị giám định chất lượng dầm cầu gãy

 Phải kiểm tra lại cả trụ và dầm cầu
 Phải kiểm tra lại cả trụ và dầm cầu

TT - Ngày 11-3, lãnh đạo Công an TP.HCM đã bàn giao vụ gãy dầm cầu Chợ Đệm cho Công an huyện Bình Chánh thụ lý điều tra làm rõ vụ việc và xử lý. Cùng ngày, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh cũng đã vào cuộc.

* Lập đoàn công tác làm rõ nguyên nhân tai nạn

Ad2OrsVi.jpgPhóng to

Công nhân gia cố để giữ chiếc dầm cầu còn lại đã bị nghiêng sau sự cố (ảnh chụp chiều 11-3) Ảnh: MINH ĐỨC

Gãy dầm cầu đường cao tốc TP.HCM - Trung LươngMột nạn nhân trong vụ sập dầm cầu Chợ Đệm đã tử vongDầm cầu chứ phải đâu cành liễu?!TP.HCM: Rơi dầm cầu vượt qua sông Chợ Đệm

Tháo dỡ dầm cầu hỏng

Sáng 11-3, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, ban quản lý điều hành dự án Tổng công ty xây dựng Thăng Long và đơn vị tư vấn giám sát đã phối hợp kiểm tra tại hiện trường. Sau đó, đoàn kiểm tra tổ chức cuộc họp phân công trách nhiệm để khắc phục vụ việc.

Tại cuộc họp, đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đã yêu cầu đơn vị thi công Công ty cầu 11 Thăng Long phải xác nhận vụ sập dầm cầu là vụ tai nạn lao động để báo cáo chi tiết và có hướng xử lý. Đơn vị này cũng yêu cầu đơn vị thi công thực hiện ngay việc tháo dỡ dầm cầu bị sập và hư để thanh thải lòng sông cho các phương tiện thủy lưu thông. Đại diện Công ty cổ phần bêtông 620 Châu Thới cho biết sẽ nhận nhiệm vụ tháo dỡ hai dầm cầu này. Theo phương án tháo dỡ, đơn vị này sẽ bố trí hai cẩu, một cẩu 130 tấn và một cẩu 80 tấn để cắt dây thép và gắp dầm cầu bị gãy đang treo lơ lửng trên trụ cầu. Trên cơ sở này, trong ngày 12-3, Công ty 620 sẽ tiến hành tháo dỡ hai dầm cầu này.

Cùng trong buổi chiều, Cục Giám định và quản lý chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT cũng đã đến hiện trường để kiểm tra.

Dầm cầu gãy có dấu hiệu nứt

Cùng ngày 11-3, thanh tra Sở Lao động - thương binh & xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Bình Chánh đang khảo sát và đề nghị giám định chất lượng dầm bêtông cầu Chợ Đệm bị gãy để có kết luận chính thức. Theo điều tra ban đầu của thanh tra Sở LĐ-TB&XH và Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Bình Chánh, ngày 10-3 đội cầu 118, Công ty cổ phần cầu 11 Thăng Long sau khi dùng kích kéo dầm bêtông cốt thép số 7 (nặng 70 tấn, dài 42m) theo đường ray đến hai mố cầu, bằng hai thiết bị tời nâng đặt trên hai khung giá thép (được lắp dựng trên hai mố cầu tại mỗi đầu dầm), công nhân nâng dầm thả xuống mố cầu.

Công nhân Trần Văn Thảnh đã tử vong

Trong ngày 11-3, Bộ GTVT xác nhận công nhân Trần Văn Thảnh (26 tuổi, quê Nam Định) đã tử vong tại Bệnh viện 115 lúc 23g15 ngày 10-3 do bị thương quá nặng.

Về việc chăm lo cho hai công nhân bị nạn, ông Đỗ Ngọc Dũng - đại diện chủ đầu tư - cho biết đơn vị thi công sẽ lo toàn bộ chi phí cho công nhân Trần Văn Thảnh đã tử vong. Đối với công nhân Trần Đình Trung hiện đang nằm bệnh viện, đơn vị này sẽ lo chi phí điều trị và sẽ có mức hỗ trợ riêng cho cả hai người.

Tiếp đó, công nhân tiếp tục nâng hai đầu dầm lên và dịch chuyển dầm vào vị trí. Do cáp liên kết giữa đòn gánh (được chế tạo bằng thép hộp xỏ qua các sợi cáp tại đầu dầm) và dầm khi nâng lên có sự xô lệch ở cả hai đầu dầm, đòn gánh bị xoay lệch so với trục dầm bêtông cốt thép gây mômen xoắn làm gãy dầm bêtông thành hai đoạn. Sự cố xảy ra làm hai khung thép bị xô ngã va đập làm cong một dầm cầu khác.

Theo kết luận ban đầu, nguyên nhân chính dẫn đến gãy dầm cầu là do phương án móc cáp treo dầm không đảm bảo an toàn. Ngoài ra, đơn vị thi công không có phương án thi công đồng bộ khi sử dụng hai thiết bị nâng (tời kéo) nâng dầm cầu nặng 70 tấn, dài 42m. Thiết bị tời cũng không được kiểm định kỹ thuật an toàn.

Ông Huỳnh Tấn Dũng - chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH - cho biết khung giá thép được chế tạo, lắp đặt không đảm bảo kỹ thuật và không có biện pháp giằng chống chuyển dịch dọc, ngang. Ông Dũng cho biết theo ghi nhận ban đầu, dầm bị gãy có dấu hiệu nứt.

Do tai nạn lao động?

Sáng 11-3, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã họp về vụ tai nạn trên. Ông Hồ Nghĩa Dũng yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu nhanh chóng khắc phục sự cố để sớm đưa công trình vào thi công trở lại, đồng thời phải hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra để xác định nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục và xử lý nghiêm vi phạm nếu có. Ông Hồ Nghĩa Dũng chỉ đạo thành lập một đoàn công tác gồm cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, phó chủ tịch công đoàn GTVT VN và thanh tra Bộ GTVT vào hiện trường để tiếp tục làm rõ nguyên nhân. Đoàn công tác này cũng được giao nhiệm vụ trực tiếp giải quyết các công việc liên quan sau sự cố, sớm đưa công trình vào thi công đúng tiến độ.

Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Ngọc Dũng - phó Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, đại diện chủ đầu tư tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cho rằng sự cố sập dầm cầu là rủi ro như một tai nạn lao động chứ không phải sai sót do kỹ thuật như sai về thiết kế, bản vẽ hay lún sụt... Về nguyên nhân vì sao dầm nhịp 9 bị gãy đôi khi đưa vào vị trí lắp đặt, ông Dũng nói rằng bản chất của bêtông rất giòn và nó chỉ chịu lực kéo, nếu hai đầu cẩu nâng lên bị vênh nhau sẽ xảy ra sự cố.

Phải kiểm tra lại cả trụ và dầm cầu

Quan tâm đến vấn đề này, ông Phạm Sanh - chuyên gia ngành cầu đường, giảng viên các trường đại học Bách khoa, đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và đại học Mở TP.HCM - nhận định:

- Qua theo dõi các công trình xây dựng ở VN chỉ thấy có trường hợp cẩu bị tuột dây cáp treo làm rơi dầm chứ chưa có trường hợp dầm được cẩu lên bị gãy làm đôi rơi xuống. Do vậy, cần xem lại quy trình đúc dầm cầu.

Cũng cần xem xét các trụ cầu và dầm cầu ở khu vực dầm cầu bị rơi. Bởi vì dầm cầu bị rơi đã đánh vào dầm cầu đã được lắp đặt gây nên chấn động đến trụ cầu và các dầm cầu còn lại. Do đó cần phải kiểm tra lại toàn bộ hệ thống trụ và các dầm cầu.

Dở dang giấc mơ tổ ấm...

22 giờ 40, ngày 10-3, công nhân Trần Văn Thảnh đã qua đời sau hơn năm giờ đồng hồ nỗ lực cấp cứu bất thành của các bác sĩ Bệnh viện 115.

ZKvNb0h1.jpgPhóng to

Thảnh nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, mất máu nhiều, mất phản xạ, hôn mê sâu, hai đùi bị dập nát, biến dạng...

Hôm qua (11-3), thi thể của anh Thảnh đã được chuyển xuống phòng đại thể của bệnh viện để làm các thủ tục pháp y cần thiết trước khi đưa anh về quê ở xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Bà Trần Thị Cúc - bác ruột của Thảnh nghẹn ngào: “Nhà nó chỉ có hai anh em, người anh ngớ ngớ, còn cha mẹ thì già yếu, ốm đau suốt và chỉ sống nhờ vào hai sào ruộng. Trở thành trụ cột gia đình nên mỗi tháng Thảnh đều gửi tiền về quê. Nó có hiếu lắm, lần về quê vừa rồi, nó sửa nhà cho cha, xây cầu ao cho mẹ yếu chân, còn mua cho mẹ cái bếp gas để khỏi nấu củi khói làm cay mắt”.

Đốt nén nhang trước di ảnh người xấu số, cô gái Nguyễn Thị Thu Hà - người yêu Thảnh nức nở: “Chúng em yêu nhau mấy năm rồi. Bảy năm anh ấy theo công trình đi từ Bắc đến Nam, chăm lo làm lụng để nuôi ước mơ cùng em xây dựng gia đình. Trước Tết, anh về quê bảo em vào Bình Dương làm công nhân. Mỗi tháng chúng em dành dụm từ lương công nhân của em và thu nhập của anh gửi về quê để dành cuối năm làm đám cưới. Giờ anh ấy bỏ em đi...”.

Nén nhang trên tay cô gái trẻ thi thoảng hừng lên rồi gãy vụn chóp tàn tro. Một nhịp cầu vừa gãy, người ta đang tìm nguyên nhân, trách nhiệm. Một tổ ấm uyên ương vừa dở dang trong vòng quay nghiệt ngã của miếng cơm manh áo mưu sinh xứ người. Có cả một gia đình vừa mất con, đầu bạc khóc nhớ đầu xanh... Người ra đi chắc gì đã đành yên phận.

Công nhân Nguyễn Đình Trung: “Tôi may mắn hơn anh Thảnh”

Sau một ngày cấp cứu, hôm qua (11-3), tại khoa Chấn thương sọ não, Bệnh viện Chợ Rẫy, nạn nhân Nguyễn Đình Trung (22 tuổi, Nghệ An) (ảnh) đã tỉnh táo.

1e0x46iC.jpgPhóng to

Anh Trung nằm trên giường bệnh. Máu chảy ở tai phải của anh đã khô lại thành màu đen. Người anh họ đang nuôi Trung cho biết nhà Trung có ba anh em, người anh lớn đi bộ đội, đứa em thì còn đi học, riêng Trung xin vào làm công trình đã hơn một năm nay. Biết mình bị thương không nặng lắm nên Trung kiên quyết không cho ba mẹ mình vào. Để người thân không lo lắng, lúc nào Trung cũng tỏ ra mình vẫn khỏe mạnh như chưa hề hấn gì.

“Mình bị tai nạn nhưng cũng còn may mắn hơn anh Thảnh. Anh Thảnh là người rất thân với mình, xem nhau như ruột rà...”, Trung nói với ánh mắt vẫn còn cái gì đó ngỡ ngàng như là không tin ở sự thật đã xảy ra. Nói chuyện với chúng tôi, Trung không khóc nhưng ngoảnh mặt đi chỗ khác. “Anh Thảnh lúc đó đứng dưới ngay đường ray của dàn máy, có lẽ bị dầm rớt xuống ép vào góc đường ray...” - anh Trung kể.

Thạc sĩ-bác sĩ Phan Minh Hưng, Phó khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết Trung bị tổn thương não, dập não ở thái dương bên phải, đồng thời còn bị tràn dịch màng phổi nhẹ. Theo bác sĩ Hưng, tổn thương ở đầu anh Trung có thể có hai khả năng. Hoặc lượng máu bầm sẽ tăng lên trong não rất nhiều do bị dập não và lúc đó bệnh viện sẽ mổ lấy máu bầm (khả năng này hiếm xảy ra). Thứ hai là lượng máu bầm ít và tự tan biến. Hai khả năng này sẽ được kiểm tra trong một, hai ngày tới.

 Phải kiểm tra lại cả trụ và dầm cầu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên