08/04/2015 08:18 GMT+7

​Để luật hợp lòng dân

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Các phản ứng bức xúc trước những quy định được cho là không hợp lý trong Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 vừa lắng xuống thì lại nổi lên kiến nghị sửa đổi Luật giáo dục nghề nghiệp cũng với lý do tương tự.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp (bìa phải) và ông Tất Thành Cang (giữa) - phó chủ tịch UBND TP.HCM - làm việc với báo chí chiều 30-3 về nội dung các điều luật BHXH- Ảnh: Đức Thanh

Người ta tự hỏi điều gì đang xảy ra trong quy trình làm luật khiến các sản phẩm được tạo ra, gọi là văn bản luật, liên tục bị ghi nhận có khiếm khuyết.

Không loại trừ khả năng các vấn đề liên quan đến quy trình làm luật đã xuất hiện từ lâu, nghĩa là hiện tượng luật có khuyết tật hoặc nói nhẹ hơn là có điểm gây tranh cãi, đã tồn tại từ lâu.

Nếu đúng như vậy thì điều tạo nên sự khác biệt giữa trước đây và bây giờ là sự thay đổi, đúng hơn là sự cải thiện, sự nâng cao nhận thức xã hội về quyền của chủ thể.

Người dân không còn thờ ơ, cũng không còn dễ dãi chấp nhận sự xếp đặt theo kiểu “trong nhờ, đục chịu”. Thấy luật, chính sách không ổn, đặc biệt là có thể gây khó khăn cho cuộc sống, công việc làm ăn của mình thì người ta nhanh chóng, mạnh dạn bày tỏ chính kiến và đòi hỏi được lắng nghe.

Có lẽ đã đến lúc cần rà soát những gì đã thành nếp, xem có gì không ổn thì phải sửa để tránh hoặc ít nhất là hạn chế xảy ra những sai sót không đáng có, không chỉ gây bức xúc trong xã hội mà còn gây tốn kém do phải điều chỉnh, khắc phục.

Hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đang được nghiên cứu sửa đổi. Đây cũng là cơ hội tốt để làm việc này.

Vấn đề là làm thế nào để luật vừa tạo điều kiện thuận lợi cho công việc quản trị của nhà chức trách công, vừa đáp ứng các yêu cầu chính đáng của người dân thường.

Tất nhiên, chẳng có nhà quản trị công nào thông minh và có trách nhiệm mà muốn dùng luật để đặt mình vào thế đối nghịch với người dân trong quá trình tìm kiếm lợi ích.

Nhưng có thể có những điều người dân mong muốn một cách chính đáng mà người nắm quyền lực công không biết. Cần phải tránh, chí ít là hạn chế đến mức thấp nhất để xảy ra việc đáng tiếc đó.

Ở các nước, một khi dự luật đả động đến lợi ích của một giới nào đó thì cần phải hỏi thẳng và phải tạo điều kiện để giới đó bày tỏ ý kiến. Thông thường, các chủ thể giao tiếp trong khuôn khổ những cuộc tham khảo và trao đổi ý kiến là các đại diện nhà chức trách, các đại biểu dân cử và các đại diện tổ chức xã hội, nghề nghiệp có liên quan.

Người dân gửi gắm nguyện vọng của mình cho đoàn thể, hội hoặc dân biểu của mình, Những người này có trách nhiệm ghi nhận và bảo vệ quan điểm của cử tri, đoàn viên, hội viên và phải giải trình trước họ về kết quả công việc mình thực hiện.

Tiếng nói của đại diện dân cử, đại diện đoàn hội sẽ có sức mạnh, tạo áp lực khiến cho người biên soạn luật phải cẩn trọng trong việc xây dựng các giải pháp pháp lý.

 

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên