31/03/2012 21:41 GMT+7

Để giải quốc gia hấp dẫn hơn

LÊ QUANG LIÊM
LÊ QUANG LIÊM

TTO - Cuối tuần qua, cờ vua VN đã xác định chủ nhân hai chức vô địch nam - nữ Giải vô địch quốc gia 2012. Trong mục Blog Lê Quang Liêm tuần này, kỳ thủ số 1 VN góp thêm một góc nhìn của mình.

TTO - Cuối tuần qua, cờ vua VN đã xác định chủ nhân hai chức vô địch nam - nữ Giải vô địch quốc gia 2012. Trong mục Blog Lê Quang Liêm tuần này, kỳ thủ số 1 VN góp thêm một góc nhìn của mình.

TTO xin giới thiệu.

Theo dõi giải đấu này, cá nhân tôi nghĩ rằng giải đã có nhiều ván đấu hay, đa số các VĐV thi đấu cống hiến hết mình. Chức vô địch bảng nam và nữ lần lượt thuộc về hai kỳ thủ chủ nhà Nguyễn Đức Hoà và Phạm Lê Thảo Nguyên là rất xứng đáng.

Tuy nhiên, với tư cách là người từng tham dự tôi xin đóng góp một vài ý kiến để giải vô địch quốc gia ngày càng hấp dẫn hơn, đúng với tinh thần giải đấu danh giá số 1 VN.

Điều tôi muốn nhấn mạnh đó là thể thức thi đấu. Giải năm nay diễn ra khá dài với tổng cộng 15 ván cờ tiêu chuẩn (9 ván vòng loại, 2 ván mỗi vòng tứ kết, bán kết, chung kết) khiến các kỳ thủ có phần mỏi mệt khi phải thi đấu liên tục với cường độ cao (3 ván / 2 ngày), từ đó dẫn đến chất lượng chuyên môn đôi lúc không được như ý.

Việc tổ chức giải vô địch quốc gia với hình thức giải mở (cho phép một số lượng lớn VĐV với nhiều trình độ cờ và đẳng cấp khác nhau cùng thi đấu trong một bảng) cũng phần nào làm giải đấu mất đi tính cạnh tranh.

Trong thế giới cờ vua chuyên nghiệp, các giải “đóng” (giải mời) luôn được đánh giá cao hơn những giải mở.

Giải mời ở đây không phải là giải giao hữu như nhiều người thường nghĩ, mà nó là giải đấu hội tụ những kỳ thủ xuất sắc nhất, có giải thưởng “khủng” và chất lượng chuyên môn cao.

Tìm hiểu thông tin về làng cờ thế giới, tôi thấy các quốc gia có nền cờ vua phát triển như Nga, Hungary, Mỹ, Trung Quốc… thường tổ chức giải vô địch quốc gia dưới một hình thức khác.

Do giải vô địch quốc gia là giải đấu danh giá và cao nhất trong hệ thống thi đấu của mỗi nước, các VĐV hàng đầu của những nước này hầu hết tham dự đầy đủ. Tại đó, họ sẽ chỉ thi đấu vòng tròn với các kỳ thủ mạnh khác (hình thức này giới hạn số lượng kỳ thủ tham dự, thường là 10 hoặc 12 người).

Theo ý kiến cá nhân của tôi, cách tổ chức như vậy sẽ làm giải đấu hấp dẫn hơn rất nhiều. Do đặc thù cờ vua là môn thể thao trí tuệ đối kháng cá nhân, nên người hâm mộ luôn muốn theo dõi những trận đấu tay đôi của những kỳ thủ nổi tiếng nhất. Các giải Siêu cúp như vậy của những nước như Nga, Hungary, Mỹ, Trung Quốc…không chỉ thu hút sự quan tâm của người hâm mộ cờ tại những quốc gia nói trên, mà còn được sự chú ý của người hâm mộ toàn thế giới.

Thiết nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức những giải đấu tương tự như thế. Để đi đến vòng chung kết của giải vô địch quốc gia (tạm gọi là Super Final), thì trước đó sẽ tổ chức giải mở của quốc gia để tuyển chọn ba kỳ thủ đứng đầu. Ba kỳ thủ này sẽ cùng với bảy kỳ thủ có hệ số Elo hàng đầu của cờ vua VN tham dự vòng chung kết của giải vô địch quốc gia, một giải đấu mang tính chất “đóng”. Tất nhiên cần phải tách riêng hai giải đấu này để VĐV có đủ thời gian hồi phục.

Tổ chức một giải đỉnh cao chưa có tiền lệ ở VN như vậy sẽ không dễ dàng cả về hình thức và tài chính, nhưng chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm qua thành công của một số nước bạn. Điều này trước hết nằm ở quyết tâm đổi mới của Liên đoàn Cờ VN cũng như sự ủng hộ nhiệt thành của các đơn vị tài trợ.

Làm được như thế, cờ vua VN ngoài việc được nâng tầm chuyên môn còn góp phần quảng bá cho hình ảnh thể thao VN đang từng bước hướng đến sự chuyên nghiệp. Người hâm mộ chắc chắn hào hứng hơn vì chất lượng và sự kịch tính của các ván đấu, các VĐV trẻ sẽ có thêm động lực để phấn đấu khẳng định khả năng bản thân, qua đó giúp cho nền cờ vua VN ngày càng phát triển.

LÊ QUANG LIÊM

LÊ QUANG LIÊM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên