20/05/2006 04:05 GMT+7

Dạy đối phó, học đối phó!

NGUYỄN NGỌC HÀ
NGUYỄN NGỌC HÀ

TT - Chỉ còn mười ngày nữa, học sinh trong cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thời gian này rất nhiều em phải học ngày ở trường, học đêm ở nhà. Tại sao phải khổ sở vậy? Báo chí đã nhiều năm tốn không biết bao nhiêu giấy mực để phản ánh về tình trạng học nhồi nhét, học vẹt...

Sau khi thi xong là các em quên tuốt. Là một giáo viên, tôi luôn quan sát thực tế giáo dục và không khỏi ngậm ngùi khi chứng kiến thời điểm công bố các môn thi tốt nghiệp. Giáo viên môn thi như năm nay ngoài toán, văn, Anh là địa, sử, hóa đều rầu ra mặt. Họ có ngay kế hoạch nhồi nhét kiến thức cho học sinh. Thế là tăng tiết, đề cương ôn tập...

Trong khi đó, những giáo viên có môn không thi thì hân hoan ra mặt. Họ có quyền “gối đầu cao ngủ ngon”, khỏi phải ôn, khỏi phải trách nhiệm, khỏi phải lo tỉ lệ đậu dưới “mặt bằng” thành phố, khỏi lo bị nhắc nhở. Còn học trò thì sao? Chúng xé bỏ, thậm chí ném những quyển tập các môn không thi từ trên lầu cao xuống. Đối với chúng, những môn học đó đã trở nên vô dụng.

Thời tôi đi học, thi tú tài là thi hết các môn, từ môn toán đến môn giáo dục công dân. Ngay từ đầu năm học, thầy trò đều dạy và học với một thái độ vô cùng nghiêm túc. Theo lời khuyên của thầy dạy môn triết, trước khi thi vài ngày, tôi chỉ ăn ngủ để giữ đầu óc thanh thản. Tôi có thể tự hào là tôi chưa hề biết nỗi đau thi rớt là gì.

Còn anh chị tôi tuy không lấy được bằng tú tài I nhưng vẫn có thể đọc vanh vách thơ Nguyễn Công Trứ, Tú Xương...; vẫn có thể giải thích được chức năng gan trong sự chuyển hóa thức ăn của cơ thể, sự quan trọng của quá trình trao đổi chất, sự cấu tạo của tế bào thần kinh...

Các cô cậu tú ngày nay, sau khi thi xong, nếu thử hỏi một tí kiến thức về sinh, văn, địa, sử... có nhớ, có thể trả lời trôi chảy... dường như rất hiếm... Kể cả môn tôi dạy. Và tôi không ngạc nhiên khi bắt gặp lại học sinh phổ thông cũ tại các trung tâm ngoại ngữ, lò luyện thi. Có hỏi, các em cười hì hì: “Quên hết rồi cô ơi”.

Biết đến khi nào - ngay từ tiểu học - các thầy cô không dạy để đối phó với thi cử, để chạy theo thành tích ảo..., học sinh không học để đối phó, tất cả dạy và học vì kiến thức thật?

NGUYỄN NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên