Phóng to |
Trần Văn V. và vợ sống với nhau được hai năm rồi ly thân, vợ giao con cho V. nuôi. Sau đó, V. có quan hệ tình cảm với người khác. Được một thời gian, người này đòi chia tay, do ghen tuông nên V. đã ra tay sát hại dã man người tình bằng 36 nhát dao. Trong phiên tòa sơ thẩm, V. quay về phía mẹ của nạn nhân van xin bà tha thứ cho hành động điên rồ của mình. Nhưng mẹ của nạn nhân đáp trả bằng giọng đầy hận thù: “Tao không tha thứ bởi mày thật độc ác. Khi mày đâm, con tao van xin nhưng mày vẫn đâm...”.
Phút giây cô quạnh
Hôm đó, Trần Thanh S. - em trai V. - có mặt ở phiên tòa. Giờ nghị án, cảnh vệ cho hai anh em gặp mặt. V. dặn S. rằng phiên tòa lần sau nhớ năn nỉ mẹ đến dự để V. xin mẹ tha tội bất hiếu và dẫn con V. theo bởi V. rất nhớ con. Hai điều đó V. cứ nói đi nói lại hoài. S. hứa đừng lo, lần này mẹ bệnh nên không dự tòa được nhưng lần sau sẽ đến. Tòa tuyên V. án tử hình, khi bị dẫn giải, V. ngoái đầu lại kêu S. nhớ điều mình dặn...
V. kháng cáo xin giảm án, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm xét xử tại TP Cần Thơ. Phòng xử lạnh trước một cái án tử đang treo lơ lửng, và bởi hàng ghế dự khán chỉ có duy nhất mình tôi. Trơ trọi trước vành móng ngựa, chốc chốc V. lại quay đầu nhìn hàng ghế dự khán và nhìn ra hướng cửa.
Kiểm sát viên đề nghị tòa bác kháng cáo tuyên y án tử hình.
Giờ nghị án, những giọt nước mắt từ hai hốc mắt sâu của bị cáo rơi trong cô quạnh. Có lẽ không gì khủng khiếp hơn, buồn tủi hơn, trong khoảnh khắc đợi quyết định sinh tử mà không có người thân bên cạnh. Vì vậy khi tôi tiếp xúc, bị cáo trút hết tâm sự, về cảm giác tội lỗi, hối hận, dằn vặt... khi đã giết người. Nỗi ám ảnh, buồn lo bởi mẹ nạn nhân không tha thứ. Rồi điều hi vọng gặp được mẹ nói câu xin lỗi, nỗi khát khao gặp mặt con... Sự lo sợ, hãi hùng trước bản án tử đang treo lơ lửng. Cảm xúc tồi tệ theo nhau hiện diện cả trong bữa ăn lan vào giấc ngủ, triền miên từ ngày này qua ngày khác. Bị cáo nói mà nước mắt tuôn như suối, người cứ run lên từng chặp. V. òa lên: “Chắc mẹ và em tôi giận tôi nên họ không đến dự”. V. lắc đầu: “Chắc có chuyện gì xảy đến mẹ tôi hoặc con tôi”, rồi V. lại tự an ủi: “Chắc mọi người đến trễ, chứ không có chuyện gì xảy ra đâu”...
Tòa tuyên y án tử hình, khi V. bị dẫn giải, chỉ mình tôi đi theo... Trước khi cánh cửa xe tù đóng lại, tôi kịp nhìn thấy đôi mắt đờ dại, đau đớn, tuyệt vọng... của phạm nhân.
Trớ trêu thay, chỉ sau phiên phúc thẩm vài ngày, S. gọi điện cho tôi hỏi chừng nào tòa xử. S. nói rằng do không có tiền nên suốt mấy tháng qua không đi thăm nuôi anh được. Rồi đợi hoài không thấy tòa gửi giấy mời triệu tập như lần trước nên sốt ruột quá điện cho tôi. Khi nghe nói V. đã bị tuyên y án tử hình, đầu dây bên kia S. bật khóc, nói tiếng được tiếng mất rằng mẹ S. định phiên tòa này sẽ đến nhìn con, bà đã tha lỗi cho con, S. cũng sẽ dẫn đứa bé theo để V. thấy con mình rất ngoan, lanh lợi. Nói đến đây, giọng S. nghẹn cứng: “Em định nói với ảnh rằng cứ yên tâm, em sẽ nuôi con ảnh học tới nơi tới chốn. Mẹ cũng muốn nói với ảnh nhiều lắm! Vậy mà...”. Tôi định an ủi S. rằng dù gì cũng còn cơ hội là V. làm đơn xin ân xá gửi đến Chủ tịch nước nhưng chưa kịp nói thì đầu dây bên kia dội lên tiếng nức nở rồi tắt ngang...
Nước mắt người mẹ tử tù
Hồ Hữu C. vốn là nhân viên bảo vệ, đã vạch ra và thực hiện kế hoạch rợn người là tìm một cô gái bán hoa, rồi thuê khách sạn mua dâm và giết chết cô gái để cướp tiền... TAND TP Cần Thơ mở phiên sơ thẩm tuyên án tử hình C..
Tôi đã gặp cha mẹ của bị cáo C. trong phiên tòa sơ thẩm. Lần này, tôi cẩn thận ghi số điện thoại của họ vào sổ. Rồi khi có lịch xét xử phúc thẩm, tôi điện cho ông bà hay. Khi đó cha C. lên huyết áp nằm bẹp trên giường. Người mẹ vội vã đến hỏi UBND xã xem tòa có gửi giấy mời không. Xã nói “không có”. Xóm giềng, người thân xúm nhau bàn sao lần trước xử, tòa gửi giấy mời mà lần này không gửi. Vả lại điện thoại chỉ nghe giọng nói, không thấy mặt, làm sao biết đó là phóng viên từng gặp ở tòa. Thôi đừng đi, coi chừng bên bị hại làm bộ dụ kêu lên đánh chết... Nhưng người mẹ vẫn quyết định đi bởi bà nghĩ cùng quá bên kia đánh mình chết. Chứ lần này có thể là lần cuối gặp mặt con...
Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã mở phiên xét xử phúc thẩm tại TP Cần Thơ vào ngày 3-12-2012 và bác đơn kháng cáo tuyên y án tử hình C.. Sau khi phiên phúc thẩm kết thúc, cảnh vệ cho người nhà được gặp C.. Con người từng có hành vi mất nhân tính này hoàn toàn biến thành một người khác khi thấy người thân, sụp quỳ xuống, kêu lên: “Mẹ ơi! Cậu ơi! Tha lỗi cho con, con không biết sao mình làm vậy...”.
Nước mắt ràn rụa khiến giọng người mẹ đặc lại: “Con ơi! Vì sao nông nổi...”. Rồi mọi người ngồi sà xuống, người nắm tay, nắm vai... C. mà khóc. C. méo xệch môi rằng suốt mấy tháng nay, mỗi khi đến ngày thăm nuôi, không thấy người thân gửi thức ăn, C. sợ gia đình thấy mình làm chuyện ác nên đã từ bỏ rồi. Mọi người nghe vậy nức nở không thốt nổi nên lời. Chỉ có người cậu gắng gượng trả lời rằng do không có tiền nên không đi thăm được, tất cả tha lỗi cho C.. Nghe vậy, những nếp nhăn trên mặt tử tội dần giãn ra.
Người mẹ đưa con xô cơm: “Sao mà mẹ bỏ con được. Mẹ nấu món cá kho tộ mà con thích nè”. C. lộ vẻ mừng, vội cầm lấy ăn nhưng nhai trệu trạo. Rồi bất ngờ đang ăn, C. mếu máo: “Mẹ cho con hun, con nhớ mẹ quá!”. Nói xong, đứa con hôn lấy mẹ. Người mẹ ôm lấy con ghì chặt như tất cả yêu thương thương nhớ cả đời người dồn vào đó... Rồi phút giây đoàn tụ cảm động ngắn ngủi cứ như muốn quấn theo từng vòng bánh xe chở người tù đi...
Mọi người cảm ơn tôi đã báo tin. Người mẹ nói với tôi rằng nếu không được nghe lời tha lỗi chắc lương tâm của C. sẽ dằn vặt, đầy mặc cảm tội lỗi, mà bản thân bà nếu không nói được lời tha lỗi, sau này cũng dằn vặt, buồn đau cả đời... Rồi bà bật khóc: “Biết đâu đây có thể là lần cuối cùng trong đời, mẹ ôm con khi cơ thể con còn ấm, C. ơi!”...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận