28/06/2015 05:12 GMT+7

Dạy bóng đá kiểu Nhật

SĨ HUYÊN
SĨ HUYÊN

TT - Mưa bay lất phất vào tối 16-6 trên sân Kỳ Hòa (TP.HCM), nhiều phụ huynh không giấu được sự ái ngại khi các “cục cưng” của mình say sưa nô đùa cùng trái bóng. Họ sợ con bệnh nhưng bọn trẻ dường như thích thú hơn khi được chơi bóng dưới màn mưa bay...

Trên sân, tiếng hò hét inh ỏi giữa thầy và trò cứ vang lên mãi. Bên ngoài, các ông bố bà mẹ vỗ tay cổ vũ, hò hét đám trẻ đang quần thảo với các thầy người Nhật Bản thuộc CLB Amitie.

Học làm người trước, học đá bóng sau

Vừa rời xe của phụ huynh, các em được thầy giáo gọi đúng tên, chào và hỏi thăm ngay bên ngoài sân. Việc đầu tiên khi vào sân là lấy viết và tự đánh dấu điểm danh, sau đó tự chọn màu áo của đội mình. Tan buổi học, các em tranh nhau chạy đi nhặt bóng, nhặt dụng cụ tập luyện về xếp gọn ở góc sân. Tất cả đều tự giác và không lời nhắc nhở, kêu gọi nào từ các thầy giáo. Buổi tập khởi đầu bằng các trò chơi vận động khá đa dạng. Sau mỗi 5 phút tập thật hăng, các thầy lại nổi còi tập trung các em lại để khích lệ những em tập tốt, động viên những em chưa theo kịp bè bạn. Hướng dẫn trò chơi vận động không bóng rồi có bóng, thổi còi nhập cuộc, tạm ngưng để thầy trò hội ý. Mọi chuyện cứ tuần tự diễn ra như thế trong suốt 60 phút của buổi tập. Mồ hôi đẫm trên áo của thầy lẫn trò.

Lại thêm màn hội ý cuối cùng trước lúc tạm biệt, trò tranh nhau kể về “chiến tích” đá lọt lưới đội bạn, thầy luôn miệng nhắc nhở bạn này, khen ngợi bạn kia, còn người phiên dịch không giấu được sự nhọc nhằn khi luôn miệng chuyển ngữ. Hồi còi cuối vang lên, thầy nói lời cảm ơn trò, trò hét vang cảm ơn thầy. Chưa hết, thầy trò cùng tiến đến trước mặt các phụ huynh rồi cúi gập người nói lời cảm ơn. Sau lớp học của tuổi mầm non, các thầy lại chuẩn bị học cụ cho lớp tiểu học. Một giờ sau, họ lại lên lớp với các cầu thủ nhí tuổi thiếu niên. Ba lớp học trong một tối diễn ra đều đặn tại 13 cơ sở của Amitie trải rộng từ nội thành đến ngoại thành với sự tham dự của 365 học viên với lệ phí 880.000 đồng/người/tháng.

Mục tiêu 1: hướng đến cộng đồng

Chị Hoàng Thụy Tường Vi, phụ huynh bé Hứa Gia Huy (6 tuổi, quận 5), cho biết: “Cả nhà thật vui khi tính nhõng nhẽo ở Gia Huy không còn nữa sau hơn một năm học đá bóng. Cháu vui vẻ, hoạt bát hơn, lễ phép hơn với người lớn và dạn dĩ hơn với bè bạn. Một sự thay đổi nhanh đến không ngờ...”. Còn chị Phan Thị Bích Huyền, phụ huynh bé Trương Anh Khôi (6 tuổi, quận 3), nói: “Nhìn các bài tập sinh động mà các thầy hướng dẫn cho bé, nhiều lúc tôi cũng vui lây. Một năm trước, sau giờ học Anh Khôi luôn dán mắt vào phim hoạt hình trên tivi hoặc say sưa với trò chơi điện tử. Giờ thì thói quen ấy đã mất và cũng nhờ lớp học này mà bé năng động hơn, biết thế nào là đá phạt góc hay phạt đền, mê mẩn với tài lừa bóng của anh Công Phượng hồi SEA Games vừa rồi...”. Chị Bích Huyền nói thêm: “Nhiều hôm, thấy lớp có ít học viên quá tôi cũng lo sợ các thầy không kham được chi phí nên âm thầm vận động nhiều bạn bè đưa con đến học”.

Đúng giờ, dù chỉ có bốn học viên ở sân Phú Nhuận vào sáng 21-6 nhưng lớp học vẫn diễn ra. Giáo viên đông gấp đôi học viên nhưng ai cũng say sưa bước vào buổi tập. Chuyện tuy nhỏ nhưng để lại cho chúng tôi ấn tượng không hề nhỏ.

Sau sáu năm làm việc với Amitie, anh Kitaguchi Haruki (30 tuổi, tốt nghiệp khoa bóng đá Đại học TDTT Osaka) tình nguyện đến VN phát triển mô hình của Amitie. Tháng 11-2013, Haruki xin được giấy phép thành lập Công ty TNHH Amitie. Từ một cơ sở ban đầu với lèo tèo vài học viên, đến nay Amitie “nở nồi” với 13 cơ sở ở TP.HCM, một cơ sở tại Hà Nội với 50 học viên.

Theo chân Haruki là sáu chàng cử nhân khác. Họ đều dưới 30 tuổi và có cùng nhiệt huyết trong việc giúp trẻ em VN làm quen với những bước căn bản của bóng đá, trang bị cho các em tính kỷ luật, sự tự giác, dạn dĩ hơn ở các buổi học và phải luôn nêu cao tinh thần đoàn kết. Song song đó là các bài giảng và những chuyến du ngoạn đó đây để hướng các em đến với cộng đồng, tìm hiểu về cuộc sống quanh mình.

Làm việc cật lực nhưng không nhận lương, khi ăn uống họ chỉ dám chọn những quán cơm bình dân lề đường. Còn ít học viên nên năm đầu tiên được Amitie bên Nhật giúp mỗi tháng 5.000 USD để trang trải tiền thuê sân, trả lương cho các trợ giảng người VN, phiên dịch. Vài tháng trở lại đây, tiền học phí tạm đủ tiêu dùng. Mỗi người chỉ về thăm nhà mỗi năm vài ngày bằng tiền túi. Sao về ngắn quá vậy? Haruki đáp: “Nhớ bọn nhỏ quá nên không muốn ở nhà nhiều hơn một tuần...”.

Mục tiêu 2: có mặt ở V-League

Anh Kitaguchi Haruki nói tiếp: “Ban đầu dự định của tôi là đi qua các nước Đông Nam Á để tìm cơ hội thành lập CLB Amitie. Nhưng khi đến TP.HCM, tôi quyết định dừng chân bởi đây là thành phố có nhiều người trẻ, năng động, rất thân thiện và dễ mến. Chúng tôi dừng chân tại TP.HCM với ước mơ đem hết sức mình thông qua các lớp học bóng đá để hướng dẫn, giúp trẻ có suy nghĩ luôn hướng tới cộng đồng.

Trong những buổi học, chúng tôi vận dụng bằng nhiều cách giúp trẻ nhạy bén tìm tòi, sáng tạo và dạn dĩ hơn. Thông qua các bài tập, kêu gọi các em đề cao tính kỷ luật, không được tranh giành và tuần tự xếp hàng chờ đến phiên mình thi đấu. Trên sân, nếu bị vấp ngã thì tự mình đứng dậy, không khóc nhè và không chờ sự giúp đỡ của bạn, của thầy hay của phụ huynh...

Mong muốn của các thầy là làm sao giúp trẻ sớm tìm được sự tự tin, hòa đồng, lễ phép với mọi người để sớm hình thành nhân cách. Có thể các em không trở thành cầu thủ nhà nghề, nhưng hi vọng sẽ là công dân tốt, luôn biết nghĩ về mọi người, về cộng đồng”.

Dù vậy, Amitie cũng không giấu mục tiêu tiến vào bóng đá chuyên nghiệp VN. Hiện Amitie đang tuyển chọn cầu thủ (ngày 20 và 27-6 trên sân Thép Miền Nam CSG, quận 7) để thành lập đội bóng đá. “Amitie sẽ bắt đầu chơi từ hạng phong trào tại TP.HCM rồi tiến dần lên các giải toàn quốc với ước mơ sẽ trở thành đội chuyên nghiệp dự V-League vào năm 2020. Hành trình rất gian nan nhưng Amitie tự tin sẽ làm nên chuyện...” - anh Haruki nói.

Tổng thư ký LĐBĐ TP.HCM (HFF) Trần Đình Huấn cho hay: “HFF có nhận được thông tin về việc Amitie hoạt động ở thành phố với giấy phép do Sở KH-ĐT cấp theo đúng chức năng là mở lớp huấn luyện bóng đá cơ bản chứ không phải học viện bóng đá chuyên nghiệp. Ở góc độ chuyên môn, nếu Amitie cần, HFF sẽ hỗ trợ theo đúng yêu cầu. Trong trường hợp họ muốn tham dự giải bóng đá TP.HCM rồi đi dần lên bóng đá chuyên nghiệp, HFF sẽ hướng dẫn họ làm thủ tục để trở thành thành viên của HFF, khi đó họ mới đủ tư cách tham dự các giải đấu của HFF”.

 

Các thầy người Nhật cùng trợ giảng người Việt trao đổi trước khi vào giờ học - Ảnh: S.H.

Dùng bóng đá lôi kéo mọi người

CLB Amitie được ông Osamu Akao (42 tuổi) thành lập đúng vào năm Nhật cùng Hàn Quốc đăng cai vòng chung kết World Cup 2002 với mục đích thu nhận những cử nhân vừa rời giảng đường đại học, có tình yêu trẻ thơ và có thiên hướng hoạt động xã hội.

Mọi chuyện xuất phát từ việc trong hai thập niên trở lại đây, giới trẻ Nhật vùi đầu vào học tập và công việc, thích sống khép kín, ít quan tâm hay giao thiệp với cộng đồng. Từ đây, Amitie ra đời với mong muốn làm thay đổi nếp nghĩ này và không có gì lôi kéo mọi người gần nhau hơn thông qua bóng đá. Sau 13 năm thành lập, đến nay Amitie đã phát triển được 300 cơ sở với hơn 4.500 học viên trên toàn nước Nhật cùng sự phục vụ của hơn 1.000 tình nguyện viên.

SĨ HUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên