![]() |
Về với làng Sen quê Bác - Ảnh: N.C.T. |
Bởi cũng chính vào xuân này, chẵn 70 năm về trước, vào mồng 2 Tết Tân Tỵ, tức 28 tháng giêng năm 1941, Bác đặt bước chân đầu tiên của mình lên địa đầu biên giới phía Bắc Tổ quốc, nơi cột mốc số 108 trên đường về Pác Bó, sau chẵn 30 năm xa xứ xuất hành từ bến Nhà Rồng. Và bởi cũng đầu xuân 2011 này Đảng tổ chức Đại hội lần thứ XI, sau bốn năm cả dân tộc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Trong cuộc “hành hương” này tôi muốn chọn chữ về cho thích hợp với tình cảnh, với tình cảm và tâm trạng nhiều hơn. Về với Bác. Về với làng Chùa, làng Sen. Về với nhân dân. Về với những ngọn nguồn tạo cho con người niềm tin vào sức mạnh.
Không ít quyền uy, “thần tượng” từng bị đập vỡ trong thế kỷ XX dày đặc các biến cố lịch sử; nhưng Bác của chúng ta thì không. Vì Bác là một phần của nhân dân, là hiện thân của nhân dân. Vì Bác không tự cho mình là thần tượng, cũng không muốn và không cho phép ai trên thế giới này đến với mình như là thần tượng.
Bác không mất cái mà Bác không có, nói cho đúng hơn Bác không mất cái Bác suốt đời không ham muốn: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Bác ở tột bậc của quyền uy, nhưng Bác không ham muốn chút nào việc sử dụng quyền uy.
Bài học đó xiết bao ý nghĩa cho cả một đất nước, một dân tộc, một nhân dân trong sự trở về những nền tảng công bằng và dân chủ mà nhân loại trong cuộc chạy tiếp sức của mình đã phải trả bằng bao nhiêu hi sinh xương máu để giành cho được; và riêng thế kỷ này trong thế giới mới của chúng ta, thế giới xã hội chủ nghĩa, ở nhiều nơi tưởng đã giành được bỗng hóa ra là chưa thật có, hoặc đã có mà bỗng bị tuột đi.
Bài học đó xiết bao ý nghĩa cho bất cứ ai, từ là “cha mẹ dân” - dân tri phụ mẫu, cho đến “đầy tớ của dân” - lời của Bác; cho tất cả những ai, từ những người chỉ đảm đương một công việc nhỏ cho đến các bậc lãnh đạo.
Từ ngôi nhà tranh của hai họ nội ngoại cậu bé Nguyễn Sinh Cung ở Kim Liên đến ngôi nhà sàn của Bác ở Phủ Chủ tịch - ấy là một sự nhất quán. Và kỳ vĩ biết bao ngôi nhà giản dị và khiêm nhường ấy bên những biệt thự đồ sộ, những đồ dùng tiện nghi của không ít thủ trưởng lớn hoặc nhỏ khắp mọi nơi.
Bác với chúng ta, Bác và chúng ta, Bác cùng chúng ta, Bác của chúng ta… Quả là sung sướng và hãnh diện khi đặt được những liên từ ấy giữa một người cả thế giới và thế kỷ sùng kính với bất cứ ai trong chúng ta là những người bình thường, hết sức bình thường. Thế nhưng trong cuộc đời, các nghịch lý tự nhiên lại thường chọn những lối đi như vậy: do đặt được những liên từ ấy mà Bác mới thật sự vĩ đại. Và cái thật sự vĩ đại, cái vĩ đại “thứ thiệt” là ở trong lòng dân, trong trái tim dân chứ không phải ở bất cứ đâu: tư thế, chỗ ngồi, mũ khăn quần áo, huân chương, lời tụng niệm, tượng đài…
Bác không ở ngoài chúng ta, càng không đứng trên chúng ta. Dẫu vậy, và làm được vậy thật khó biết bao cho biết bao con người tự cho mình, hoặc muốn được xem mình là người lãnh đạo, là lãnh tụ, là vĩ nhân. Thậm chí một trăm phần trăm trong họ không làm được, nếu không nói là chưa bao giờ họ có ý định làm, dẫu chỉ một phần trăm điều họ nói, họ tuyên bố trên các kinh sách, huấn từ.
Còn đối với Bác lại là một chân lý sống hồn nhiên, khỏe nhẹ. Có phải đó là điều may mắn lớn, cũng là vinh dự lớn cho đất nước ta, dân tộc ta - cái nôi lớn, người Mẹ lớn đã sinh ra Bác. Và điều đó càng có ý nghĩa trong những năm tháng của công cuộc đổi mới mà chúng ta đang tiến hành với bao gian khổ, nhưng đã có những kết quả quan trọng để cho ta hi vọng .
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận