![]() |
300 xe tải, máy xúc, máy ủi, máy khoan liên tục làm việc ba ca/ngày tại công trường thủy điện Bản Vẽ - Ảnh: V.T. |
Thợ thủy điện giữa rừng sâu
Oàng! Tiếng mìn nổ ầm vang cả vùng rừng. Kim đồng hồ chỉ đúng 12g30 mồng 2 tết. Lúc ấy những con đường vừa mới mở trước tết chạy quanh co trên các triền núi đã tung lên những đám bụi bay mù mịt cả đỉnh núi cao, tràn xuống những thung lũng núi bởi hàng trăm xe tải nối nhau chở đá ra bãi thải. Một thợ trẻ đang mở sổ ghi chép nói rõ to với tôi qua làn bụi bay: “Nay khí trời mùa xuân còn đỡ. Mấy tháng hanh khô trước tết chỉ thấy lờ mờ bóng xe lao đi trong bụi như rây bột...”.
Tôi đứng nhìn không chán mắt phía trước từng đám bụi là cả đoàn xe rồng rắn chạy như sóng lượn trên các ngả đường chót vót những eo rừng. Hai bên bờ con sông Nậm Nơn cheo leo ghềnh thác như đang thu hẹp lại. Từ một vùng rừng hẻo lánh nay công trường đã mở ra những tuyến đường dọc ngang trên đỉnh núi và đường chạy sát dưới bờ sông. Những người thợ trẻ nghiền đá, mang vác sắt... trông tựa như những chấm lá xanh di động giữa cánh rừng đang xuân.
Rời chuyến xe thứ 20, tôi bám đá trèo lên vách núi rồi đứng khom lưng trong buồng lái trò chuyện với Nguyễn Đức Công, 22 tuổi, thợ lái máy xúc từ công trình nhiệt điện Phả Lại 2 mới được tăng cường về công trình thủy điện Bản Vẽ. Tết này Công cũng không về quê Hưng Yên ăn tết. Mãi đến chiều 29 tết anh mới rời chiếc máy xúc có công suất quen thuộc 100 chuyến/ca.
Công cho biết: “Đá ở đây thuộc dạng đá trầm tích hàng ngàn năm nên tầng đá nào cũng rất rắn. Căng nhất là khi mìn nổ đá bay từng khối lớn”. Kề máy xúc của Công là máy khoan mìn đang gí mũi vào vách đá cao ngất trời của nhà thầu Licogi 17 do thợ Ngô Xuân Vị, quê huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), điều khiển. Vị là một trong nhiều kíp thợ khoan đá đạt kỷ lục khoan sâu 6,2m. Vị bảo có năng suất này là nhờ anh đã trải qua nghề khoan từ hai công trình thủy điện Hòa Bình, Sơn La nên về Bản Vẽ thao tác khá thành thạo.
Hà, Hạnh, Vân, Hằng, Vượng, Thanh - những cô gái sinh năm 1982 từ Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nội thuộc Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng xây dựng Sông Đà, những cô gái mà đêm 30 tết đã... khóc, nhớ nhà, giờ đây lại tất tả trên công trường. Chính các cô đã từng dàn sắt, buộc dây thép dưới trời nắng vùng giáp Lào nhưng không có gió để đổ hàng ngàn mét khối bêtông dưới chân đập chính và hố móng cống dẫn dòng.
Nhìn mâm hoa quả còn tươi màu của từng gia đình gửi Tổng công ty Sông Đà mang lên Bản Vẽ cho con mình đón tết đặt trên những chiếc bàn đơn sơ, chúng tôi còn nghe tâm sự của những nam nữ công nhân về sự ra đi của hai người bạn thợ do tai nạn khi bám vách đá để khoan cách đây hơn một tháng.
Từ nay đến năm 2008 sẽ là hàng loạt công việc chính của tuyến năng lượng gồm thi công cửa đường hầm lấy nước, đường hầm dẫn nước trong lòng núi đá, nhà máy thủy điện, kênh xả, trạm phân phối điện ngoài trời... Công trình sẽ hoàn tất vào năm 2009 với tổng vốn đầu tư gần 600 tỉ đồng.
Theo phó giám đốc ban thi công công trình Trần Văn Xin, xây đập, ngăn sông tạo một lòng hồ lớn cỡ 1,7 tỉ m3 nước chạy dài ngược lên 60km giáp tỉnh Xiêng Khoảng phía bắc Lào và khối công việc đồ sộ khác sẽ được thi công tại những vị trí phức tạp, hiểm trở do độ dốc cao, địa hình chật hẹp.
Gian nan là vậy “nhưng chưa xa công trường là anh em công nhân đã thấy nhớ”, bởi khi cuối năm ngoái rừng còn hoang vu là thế mà nay mới chỉ qua 1/9 thời gian thi công đã thức dậy cả một vùng miền tây xứ Nghệ vốn nghèo đói.
Đến vùng hạn
![]() |
Chị Lê Thị Tất, ở thôn 4, xã Ea Lốp, Ea Súp đang rửa lá dong gói bánh giữa con sông rộng cách làng hơn 2km, giờ đã cạn kiệt nước - Ảnh: Hoài Nhân |
Những ngày đầu xuân, vừa đặt chân đến vùng biên giới Ea Súp, Đắc Lắc, ký ức 15 năm trước khi theo chân hàng nghìn người dân vùng kinh tế mới Quảng Nam - Đà Nẵng đã chợt ùa về với chúng tôi.
Cảm nhận sự đổi thay của vùng đất này là hệ thống đường giao thông đã được trải nhựa, nhưng cái nắng hạn khắc nghiệt vẫn vậy: những cánh rừng trơ trụi lá cùng những xóm làng của bà con kinh tế mới xác xơ vì nắng hạn.
Ngay tại đầu làng thôn 3, xã Ia Lốp, tôi gặp vợ chồng anh Đinh Hồng Quang và chị Đinh Thị Dần, quê Quảng Bình, dựng nhà bên khu rừng khộp trơ trụi lá. “Tết năm ni miềng không sắm chi nhiều, dành tiền đào cái giếng. Nhưng đào miết, mấy chục mét rồi mà cũng chưa có nước, mất đứt 3 triệu đồng thuê người đào...” - anh Quang đưa tay chỉ cái giếng bên nhà than thở.
Đi khắp làng thôn 3, đến đâu chúng tôi cũng nghe bà con than thở chuyện nước. Nhà nào cũng tiết kiệm phần tiền sắm tết để mua can nhựa trữ nước. Tôi gặp bà Đinh Thị Tất giữa một đoạn sông rộng trơ đá, cách làng hơn 1km, bà đang lọ mọ vét từng giọt nước hiếm hoi trong kẽ đá. “Tất cả chuyện ăn uống, tắm giặt của cả làng đều trông chờ vô chỗ ni, nhưng giờ cũng sắp khô kiệt rồi. Không biết nước ở mô nữa mà dùng, đến tháng tư trời mới mưa...”.
Rời làng thôn 3, Ia Lốp, vượt thêm 30km đường rừng chúng tôi tìm về các làng kinh tế mới dọc tuyến biên giới. Đập vào mắt tôi vẫn là những ngôi làng nằm phơi mình dưới nắng. Ông Võ Văn Giàu - 71 tuổi, người gốc xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, đi kinh tế mới lên vùng đất này - than thở: “Hồi ở dưới quê, cứ bước ra khỏi nhà là gặp nước. Giờ lên đây thèm được thấy chút nước ở quê nhưng tìm đâu ra. Ở đây mùa nắng mở mắt ra là thấy rừng khộp trơ trụi lá mà nhức con mắt...”.
Trong buổi chiều đầu năm nơi vùng biên ải, thượng tá Lưu Xuân Thụy - trung đoàn phó chính trị trung đoàn 736, thuộc binh đoàn 16, Bộ Quốc phòng - đưa chúng tôi đi thăm cơ ngơi của trung đoàn xây dựng hơn ba năm nay.
Ngay cả ông và hơn 400 công nhân của binh đoàn độ tuổi mười tám đôi mươi từ các tỉnh thành phía Bắc cùng hơn 470 hộ dân từ tỉnh Bến Tre lên đánh thức vùng đất hoang hóa, đã vẽ ra trước mắt chúng tôi một viễn cảnh tươi đẹp của ngày mai. Cả trung đoàn đã khai hoang trồng mới 4.000ha điều cùng hơn 1.000ha đất sản xuất lương thực.
Một dự án đánh thức vùng đất rộng 10.000ha của vùng biên giới Ea Súp đang được hoạch định, với khát vọng biến vùng đất hoang hóa này thành một vựa lúa và vùng cây công nghiệp trọng điểm của cả miền Trung và Tây nguyên.
Thượng tá Lưu Xuân Thụy kể rằng bây giờ vẫn còn đó những khó khăn của ngày đầu xây dựng, nhưng một tín hiệu vui giữa mùa xuân này là đã có hơn 75 cặp thanh niên xây dựng gia đình và hơn 100 trẻ em chào đời trong những ngày đầu gian khó...
Những ngày đầu năm, chúng tôi đã qua ba xã vùng thiếu nước của huyện biên giới Ea Súp. Những người chúng tôi gặp ai cũng than thở về khó khăn của ngày hôm nay. Nhưng khi hỏi chuyện ngày mai, tất cả đều kỳ vọng vào cuộc đổi đời từ vùng đất hãy còn nhiều gian khó này. Rời vùng nắng hạn, quà xuân chúng tôi mang về chỉ là chút nắng, chút gió và bao khát vọng của những cặp trai gái tuổi đôi mươi nơi vùng biên giới giữa mùa nắng hạn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận