30/08/2008 07:53 GMT+7

Đâu rồi những anh hề cải lương?

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TT - Có một thời khi nhắc đến những nghệ sĩ cải lương hài, người mộ điệu có thể kể vanh vách những tên tuổi như: Tư Rọm, Ba Vân, Văn Chung, Văn Hường, hề Sa, Bảo Quốc, Thanh Nam...

R8BH0PgZ.jpgPhóng to
Đã mấy mươi năm trôi qua nhưng khi xuất hiện trở lại với vai Chương Hầu trong vở Tiếng trống Mê Linh, NSƯT Bảo Quốc (trái) vẫn làm khán giả thích thú với lối diễn hài tinh tế, ý nhị - Ảnh: Linh Đoan
TT - Có một thời khi nhắc đến những nghệ sĩ cải lương hài, người mộ điệu có thể kể vanh vách những tên tuổi như: Tư Rọm, Ba Vân, Văn Chung, Văn Hường, hề Sa, Bảo Quốc, Thanh Nam...

Nhưng ngày nay, nếu yêu cầu gọi tên một nghệ sĩ cải lương hài trẻ đúng nghĩa người ta có vẻ lúng túng. Đâu rồi những anh hề của sân khấu cải lương?

Hề cải lương "di dân" sang tấu hài

Theo đạo diễn - NSND Huỳnh Nga, anh hề có vai trò khá quan trọng trong một vở diễn, một đoàn hát. Ngày xưa, các đoàn hát cạnh tranh nhau rất quyết liệt nên đoàn nào cũng phải tự phát hiện và tìm kiếm một anh hề làm trụ cột cho đoàn mình. Anh hề càng duyên dáng, diễn giỏi đoàn hát càng được mời nhiều và ông bầu đếm tiền mỏi tay. Anh hề trên sân khấu cải lương đôi khi chỉ là nhân vật phụ (thường là vai ác, vai nịnh...) nhưng góp phần tô đậm thêm xung đột giữa các nhân vật, dẫn dắt khán giả đi từ câu chuyện này đến câu chuyện khác, làm không khí vở diễn sinh động, hài hòa hơn.

Khán giả hồi ấy đi xem cải lương không chỉ coi tên đào, kép chính mà còn phải ngó thêm có hề nào hát mới chịu móc tiền mua vé. Vậy mới thấy cái uy của anh hề trong làng cải lương ngày xưa lớn cỡ nào. Thế nhưng, trong tình hình cải lương ngày càng đìu hiu như hiện nay, ngó qua ngó lại dường như chẳng anh hề cải lương nào tạo được dấu ấn.

Ông Phan Quốc Hùng - giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang - ngậm ngùi: "Cải lương ngày càng bị thu hẹp, ít suất diễn nên các danh hài cải lương lần lượt kéo nhau sang kịch, tấu hài kiếm sống. Giờ cải lương muốn mời họ cũng khó vì giá catsê bèo bọt không sánh bằng những nơi khác. Nghệ sĩ cải lương trẻ mới ra nghề có chút khiếu hài cũng nhanh chóng chuyển sang tấu hài để mau nổi, những nghệ sĩ còn lại chẳng có mấy cơ hội rèn luyện nghề...".

Đào tạo nghệ sĩ hài: khó trăm bề!

Tín hiệu vui

Anh hề là một trong những người đem lại sinh khí cho vở diễn, hề duyên dáng sẽ làm tuồng cải lương hấp dẫn, lôi cuốn người xem hơn. Không có lớp nghệ sĩ cải lương hài kế thừa nên khi dựng những vở lớn, cải lương đành phải vay mượn những danh hài ở lĩnh vực khác, hậu quả là do không phải "dân gốc" nên cách diễn hài của họ đôi khi không phù hợp khiến nhiều khán giả phàn nàn.

Ông Quốc Hùng cho biết có tín hiệu vui là một số ngôi sao cải lương hài trước đây như Bảo Quốc, Bảo Chung, Tấn Beo... đang có thiện ý muốn trở lại với sân khấu cải lương. Đây là điều đáng mừng vì sự trở lại của họ sẽ góp phần làm sân khấu cải lương ít nhiều sinh động hơn.

Bên cạnh đó, hình thức cải lương hài cũng đang được một số sân khấu bắt đầu quan tâm, tạo cơ hội cho những anh hề cải lương được phát hiện. Sau vở Đứa con tiền kiếp, đã có thêm vở cải lương hài Vợ thằng Đậu do Trung tâm băng nhạc Rạng Đông và Công ty Phước Sang cùng phối hợp thực hiện, Nhà văn hóa Thanh niên cũng tổ chức đêm diễn Duyên hài sân khấu cải lương...

NSƯT Bảo Quốc - người từng nổi danh với nhiều vai hài tạo dấu ấn khó quên trong lòng khán giả mộ điệu cải lương như Y xì ke (Bóng tối và ánh sáng), Chương Hầu (Tiếng trống Mê Linh)... - bày tỏ: "Làm nghệ sĩ hài đã khó, làm nghệ sĩ cải lương hài càng khó hơn nhiều vì không chỉ biết thoại, biết diễn mà còn phải biết ca. Bản chất của câu vọng cổ là buồn, vậy anh hề phải làm sao cho vui. Sau nhiều năm làm nghề bản thân tôi mới rút ra được cách hát nhấn nhá, biến đổi dấu của vài từ... để tạo sự hài hước. Hơn nữa, cải lương có bài bản riêng khó "phăng" như tấu hài, bởi vậy đòi hỏi nghệ sĩ phải rất tinh tế, duyên dáng để tạo ra từng mảng miếng hài!".

Ở nước ta hầu như chưa có trường lớp đào tạo nghệ sĩ cải lương hài chính quy. Đạo diễn Nguyên Đạt, phó trưởng khoa kịch hát dân tộc Trường Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, cho biết hiện vẫn chưa có một giáo trình đào tạo bài bản. Trong khi đó, theo ông, học để trở thành nghệ sĩ cải lương hài gian nan hơn một diễn viên hài thuần túy. Ngoài khả năng thiên bẩm còn phải học để phát triển bản lĩnh làm chủ tiết tấu, đẩy nhanh tiết tấu vì tiết tấu trong cải lương khá chậm, hành động hài phải hòa cùng lời hát nên trình thức khó khăn hơn nhiều. Vì vậy nhiều sinh viên tỏ ra ngán ngại con đường trở thành anh hề cải lương vừa gian nan mà chẳng biết... ra sao ngày sau!

Đã không có nhiều nhân lực để lựa chọn nhưng cơ hội để rèn giũa nghề càng hiếm. Nghệ sĩ Bảo Quốc tặc lưỡi: "Lâu lâu mới dựng một vở cải lương nên nhiều đạo diễn không dám giao đất cho những người trẻ vì sợ họ diễn hài không duyên sẽ làm hỏng cả vở diễn, hoặc nếu có giao sẽ gò bó khiến họ không dám tung tẩy, sáng tạo. Không có cơ hội cọ xát nhiều thì dù có tài cũng khó phát huy được!".

Trong bối cảnh đó việc Nhà hát Trần Hữu Trang mạnh dạn thành lập CLB sân khấu cải lương hài vào đầu tháng sáu vừa qua là một nỗ lực tìm kiếm và phát triển thế hệ anh hề mới cho sân khấu cải lương. Mặc dù có nhiều lời bàn ra tán vào nhưng ban chủ nhiệm CLB đang quyết "gồng" mình duy trì. Vở đầu tiên Đứa con tiền kiếp thành công ở những suất đầu, khá... đìu hiu ở những suất sau, và bây giờ đang... tạm ngưng để khai trương vở thứ hai vào tháng chín. Vậy mới thấy con đường tìm kiếm thế hệ anh hề mới cho sân khấu cải lương vẫn còn lắm gian nan!

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên