Phóng to |
Qua 12 năm trải nghiệm, Thuận cho rằng có khá nhiều khác biệt giữa giám đốc các công ty VN và quốc tế.
Nguyễn Duy Thuận khởi nghiệp vào tháng 9-1993 tại Công ty Sony International Singapore Ltd, chỉ một ngày sau lễ tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM khóa 14 - khoa ngoại thương.
Trả lời câu hỏi của đại diện Hãng Sony tại VN: “Tại sao bạn muốn làm việc cho chúng tôi?”, Thuận chỉ nói: “Tôi muốn biết cách các ông thành công”. Và Thuận đã trở thành nhân viên VN chính thức đầu tiên của Sony tại VN. Người Nhật luôn coi trọng tinh thần làm việc nghiêm túc. Thuận học được những bài học đầu tiên về hai chữ thành công, bắt nguồn từ niềm say mê cộng với tính khoa học của các qui trình quản lý tiếp thị, quản lý bán hàng và quản lý các qui trình kỹ thuật trong nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử của Sony tại VN.
Cứ trung bình hai năm Thuận thay đổi một vị trí làm việc. Thuận từng là chuyên viên về tiếp thị, quản lý ngành hàng, bán hàng, xây dựng hệ thống phân phối, quản trị tài chính, quản trị dự án và quản lý ngành kinh doanh tại các công ty như Sony, Philips, JVC, Unilever, Nestle. Với vốn kiến thức thực tế hơn 10 năm tích lũy, Thuận cùng đồng sự thành lập Công ty BDS Consulting.
Đây là công ty chuyên về chiến lược và xây dựng bộ máy của toàn công ty cũng như từng chức năng như tiếp thị, bán hàng, quản trị tài chính, nhân lực, xuất khẩu và giúp các nhà đầu tư VN quyết định nên chọn ngành hàng nào ít cạnh tranh và lợi nhuận cao để đầu tư.
* Theo Thuận, có sự khác biệt giữa giám đốc các công ty VN và giám đốc các công ty quốc tế?
- Sự khác biệt chính là ở tinh thần làm việc và khả năng chuyên môn trong quản lý. Đó là:
+ Giám đốc công ty tư nhân VN thường bắt đầu kinh doanh từ hai bàn tay trắng, chỉ có “tinh thần thép” và một nỗi đam mê gần như không có giới hạn...
+ Giám đốc công ty quốc tế là một nhà quản lý chuyên nghiệp. Họ vượt qua các trở ngại trong quá trình phát triển một cách nhẹ nhàng và hiệu quả.
+ Giám đốc công ty VN phát triển công ty của mình từ nhà kho, từ nhà bếp và chính bản thân họ làm tất cả cho tới khi có trong tay tài sản vài trăm tỉ đồng. Tinh thần của các giám đốc ảnh hưởng gần như toàn bộ tính cách của công ty, văn hóa công ty cũng như phương thức tiếp cận người tiêu dùng.
+ Giám đốc công ty quốc tế quản lý các doanh nghiệp có tầm vóc tương đương nhau và phát triển với một tốc độ vừa phải, được định sẵn. Thời gian giữ vị trí quản lý một doanh nghiệp cũng chỉ từ 3-5 năm trước khi chuyển sang một thị trường mới.
+ Giám đốc công ty VN thường là biết hết các chi tiết trong sản xuất cũng như kinh doanh, nên rất nhanh chóng trong việc ra quyết định. Có điều khi qui mô công ty thay đổi quá nhanh và quá lớn thì ít người có thể có đủ sáng suốt để không “ngủ quên trên chiến thắng” hay đủ dũng cảm và say mê để tiếp tục chiến công của mình.
+ Giám đốc các công ty quốc tế chỉ cần biết qui trình quản lý và một chuyên môn hẹp là đủ quản lý một lượng công việc gần như không giới hạn. Tất nhiên cũng không có chuyện “ngủ quên trên chiến thắng” vì chiến thắng đã được hoạch định nên luôn tỉnh táo để đạt được những chiến thắng mới.
Với sự khác biệt này, lợi thế của các giám đốc VN là trong trường hợp khó khăn tột cùng, đòi hỏi sự hi sinh to lớn cả về tài chính lẫn sức lực cá nhân thì các giám đốc của các công ty tư nhân sẵn sàng lao vào và chấp nhận tổn thất để vực dậy và vượt qua. Tuy nhiên chính vì thiếu kiến thức trong việc quản lý, sử dụng người giỏi làm cho người giỏi không được phát huy cũng là một tồn tại trong các doanh nghiệp VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận