Tăng đường huyết lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều tạng trong cơ thể: mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu. Ngày nay, nhiều bằng chứng cho thấy tỷ lệ đái tháo đường ngày càng tăng không chỉ ở các nước có thu nhập cao mà còn ở các nước có thu nhập trung bình hoặc thấp, không chỉ ở người trưởng thành mà tỷ lệ đái tháo đường ở trẻ em cũng đang ngày một tăng cao.
Đái tháo đường được chia thành 4 loại: đái tháo đường týp 1, đái tháo đường týp 2, đái tháo đường thai kỳ và đái tháo đường do các nguyên nhân khác (thuốc, các bệnh lý nội tiết…), thường gặp nhất là các týp đái tháo đường 1 và 2.
Đái tháo đường týp 2 chiếm đa số thường gặp ở người trưởng thành do khiếm khuyết trong hoạt động của hormon insulin hay còn gọi là hiện tượng đề kháng insulin, thường xảy ra ở người thừa cân, béo phì.
Đái tháo đường týp 1 xảy ra do khiếm khuyết trong sự bài tiết insulin, chủ yếu gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học, việc chẩn đoán bệnh đái tháo đường ngày càng đơn giản hơn. Người ta nhận thấy có những đái tháo đường týp 1 xuất hiện ở tuổi trưởng thành và ngược lại đái tháo đường týp 2 xuất hiện ở những bệnh nhân tuổi ngày càng trẻ hơn, đặc biệt là ở trẻ bị thừa cân, béo phì.
Quá trình đô thị hóa làm ảnh hưởng đến lối sống của chúng ta. Đặc biệt, trẻ em ngày càng ít vận động và sử dụng nhiều hơn các loại thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh, nước ngọt... Lối sống này khiến tỷ lệ béo phì ở trẻ ngày càng gia tăng, thúc đẩy hiện tượng đề kháng insulin và đây chính là cơ chế bệnh sinh chính của đái tháo đường týp 2 ở trẻ em. Ở Mỹ, người ta ước tính tỷ lệ trẻ em béo phì vào khoảng 17% (tăng gấp 3 lần so với trước đây) và đồng thời có sự gia tăng tỷ lệ trẻ bị đái tháo đường týp 2. Các số liệu 10 năm trước cho thấy trong số bệnh nhân đái tháo đường týp 2 mới được phát hiện chỉ có khoảng 3% là trẻ em và thanh thiếu niên thì trong những năm gần đây, tỷ lệ này có thể lên đến 45%.
Bên cạnh tình trạng thừa cân béo phì, một số yếu tố nguy cơ khác cũng làm gia tăng tỷ lệ đái tháo đường týp 2 ở trẻ em là: tiền sử có người thân trong gia đình bị đái tháo đường (càng nhiều người thân trực hệ bị đái tháo đường thì khả năng bị đái tháo đường càng cao), chủng tộc (người Châu Á là một trong những chủng tộc có nguy cơ cao bị đái tháo đường), tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, sử dụng thuốc corticoid kéo dài, thuốc lợi tiểu…
Đái tháo đường là một bệnh lý mạn tính, diễn tiến nặng dần theo thời gian và tùy theo mức độ đường tăng trong máu. Ở giai đoạn đầu, trẻ có thể hoàn toàn không có triệu chứng và chỉ tình cờ được phát hiện khi xét nghiệm máu tầm soát. Theo thời gian khi mức đường trong máu tăng dần, trẻ có thể có các dấu hiệu điển hình như: khát nước nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân nhanh (còn gọi là hội chứng 4 nhiều). Ngoài ra, trẻ có thể còn bị các triệu chứng khác như: mệt mỏi, khó tập trung, nhìn mờ, vết thương lâu lành…
Tóm lại, đái tháo đường là một bệnh lý mạn tính với nhiều biến chứng và nguy hiểm hơn nữa là bệnh đang có xu hướng gia tăng ở trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là ở trẻ thừa cân béo phì và tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường. Tuy nhiên, chúng ta có thể phòng ngừa và làm chậm diễn tiến của bệnh đái tháo đường ở trẻ em bằng cách: hướng dẫn cho trẻ một chế độ dinh dưỡng hợp lý (đủ cho nhu cầu phát triển và không quá thừa chất béo, ngọt…) và khuyến khích trẻ có một chế độ tập luyện thể lực phù hợp như chơi các môn thể thao, hạn chế ngồi một chỗ… Đó cũng chính là những phương pháp hiệu quả, an toàn và ít tốn kém nhất để phòng ngừa bệnh đái tháo đường hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận