![]() |
Một khu buôn bán của người Việt tại chợ Vòm (Matxcơva) - Ảnh: P.X.Loan |
Chuyện ấm ức của cô Bình
Cô Bình bảo: “Cô tức quá, bắt gọi giám đốc cửa hàng ra và nói rằng: “Có phải các ông đang ở thời đại đồ đá không, tại sao cùng một hệ thống điện thoại di động mà mua thẻ ở đâu thì phải về đó để trả tiền? Tôi trả tiền chứ có đi xin đâu”.
Tay giám đốc cửa hàng đỏ bừng mặt, nhấc máy gọi lên Xanh thông báo trường hợp của cô. Chỉ 10 phút sau là cô đã nói chuyện điện thoại được. Nhưng việc ấy nó không chịu làm, hệ thống không tự động làm, bắt khách hàng phải đôi co bực bội mãi, rốt cuộc cũng làm như thể chẳng đặng đừng”.
Cô Iriana ở Mát nói thôi đừng so sánh với dịch vụ tận răng ở VN, dịch vụ ở Nga kém VN một thế kỷ. Một thế kỷ về nhận thức thôi, chứ kỹ thuật và đầu óc sáng tạo thì có thể hơn. Nhưng người Nga vẫn cứ có tâm lý cho rằng ai làm dịch vụ là đi hầu người khác. Dịch vụ ở VN là mảnh đất vàng hái ra tiền, ở Nga thì không. Nên ở đây hễ làm gì đụng đến giấy tờ là thấy rắc rối.
Như cô Bình từ Xanh ghé Mát chơi có hai ngày trước khi về nước, nhưng cô phải ngồi đợi ở nhà người quen từ sáng đến quá trưa để lấy tờ giấy xác nhận rằng hộ chiếu của cô đã được đăng ký tạm trú tại khách sạn gì đó, số phòng là..., số điện thoại là... để lỡ gặp cảnh sát thì có giấy tờ hợp pháp.
“Vì cô đường đường là sếp của một phòng, đi công tác lại bị cảnh sát làm lôi thôi thì mang tiếng. Ở nhà người ta đâu cần biết thực hư thế nào. Cứ phải thủ thân là hơn” - cô Bình nói. Mất đâu 50 USD thôi. Nhưng rồi cô lại thất vọng ngay vì khi tiễn chân cô ra cửa, người quen của cô dặn thêm: “Nếu cảnh sát làm găng đòi đưa về đồn để xác minh có đúng là đã đăng ký thật không thì lúc ấy nhớ phải khôn hồn xòe ra 50 đô nhé”.
Chuyện đầu tắt mặt tối của gia đình chú Tuyên
Cô chú Tuyên bán áo khoác Trung Quốc ở chợ Lađôga nói là người Việt mình chẳng mấy ai muốn tự tìm hiểu luật lệ cho ra ngọn ngành và tự đi làm các loại thủ tục. Cứ quẳng ra một mớ tiền rồi giao hết người ta lo cho mình. Đến khi hỏng việc thì thiệt đơn thiệt kép mà chẳng dám kêu với ai, cứ ngậm miệng mà chịu cay chịu đắng.
Nói thế rồi chú chỉ vào mặt bé Loan và bé Lan lúc ấy đang chí chóe với nhau và nói: “Cho nên chúng mày phải lo mà học cho nên hồn để còn nói năng cho rành rẽ, đừng để người ta bắt nạt mãi”. Hai chị em Loan 7 tuổi và Lan 9 tuổi mới được cha mẹ đưa sang Xanh gần hai năm. Hai bé đang học lớp 1 và lớp 3 trường phổ thông của Nga.
Cô Tuyên nói học phổ thông không mất tiền, nhưng phải mời một bà giáo về hưu một tuần bốn lần đến kèm học, vừa dạy tiếng Nga vừa giúp làm bài tập ở lớp. Mỗi giờ 10 USD, cứ thế nhân lên, mỗi tháng mất 320 USD. Có hôm học xong Lan và Loan vui chuyện hỏi han bà ấy linh tinh, cuối tháng bà ấy tính thêm một giờ. Đến đây thì chú Tuyên gắt: “Tính thế chả đúng à? Người ta đi làm chứ ai đâu rỗi hơi chơi với con của cô”.
Cô chú đi bán hàng quanh năm suốt tháng không nghỉ ngày nào, tết ta cũng không nghỉ được. Phải chi tiêu đủ thứ nên nghỉ ngày nào mất tiền ngày ấy. Mỗi lần thấy tôi đến chơi, hai bé Loan và Lan thích lắm. Chúng nói đủ thứ, bày đủ kiểu bắt tôi chơi chung. Lan nói ở lớp chẳng ai chơi với em, còn Loan thì nói ở lớp em chỉ chơi với hai bạn ngồi cạnh khi ngồi trong lớp. Còn khi ra chơi ngoài sân thì các bạn ấy chạy chơi với bạn khác.
Buổi tối cô Tuyên nấu món VN, khá ngon. Cả bốn người nhà cô ăn rất nhiều, nhất là chú Tuyên. Chú bảo đói chết đi được. Nhịn cả ngày lại phải khuân vác, chạy đi chạy lại như chong chóng, thế nào mà chả đói.
Khi tôi hỏi buổi trưa cô chú ăn ở đâu, chú Tuyên cười to và nói: “Ở đây làm gì có khái niệm buổi trưa. Nghỉ trưa và ăn trưa là những thủ tục của cuộc sống nhàn nhã, vương giả ở VN thôi, cháu ơi. Cô chú cày như trâu từ sáng đến tối mịt, thì giờ đâu mà ăn trưa”. Loan hỏi: “Thế bố cũng phải nghỉ để đi tè chứ?”, nói xong em le lưỡi.
Chú Tuyên quát: “Thì giờ đâu mà đi tè? Sểnh mắt cho “chúng nó” kéo đi mất một cái áo hay cái khăn thì tháng ấy có mà ăn cám. Một cái áo da tàu giá 120-150 USD, lời lãi bao nhiêu đâu. Chỉ cần đánh mắt đi chỗ khác 1 giây thôi là “chúng nó” rút mất ngay cái áo. Chát lắm cháu ơi. Chưa kể cảnh sát lâu lâu rình để phạt mình. Muốn phạt gì chả được. Phạt tức là đến cữ nộp tiền thôi”.
Cô Tuyên kể: “Buổi sáng cô nấu bằng nồi cơm điện 1 kg gạo rồi rang lên với thịt, chả, trứng, dưa chuột muối, đủ thứ. Thế mà sáng nào cả nhà cũng ăn sạch, mỗi người làm một bụng thật căng rồi nhịn đến tối về ăn trả bữa. Hai em ăn trưa ở trường, còn cô chú nhịn mãi quen rồi, chả thấy làm sao cả”. “Thế sao cô chú không về nhà quách?”.
Chú Tuyên thở dài: “Về mà đi cày ruộng à? Thanh Hóa đất đâu ra mà cày, nhà đâu mà ở, gạo đâu mà ăn. Bố mẹ hai bên đều già cả túng thiếu. Chú đi bộ đội về, loay hoay mãi mới bắn được sang đây cháu ạ. Làm gì có bố mẹ giàu như cháu đã cho tiền học lại cho cả tiền ăn tháng những trăm mấy. Cháu chưa biết mình sướng thế nào đâu. Thôi hè ra chợ làm đỡ với chú rồi chú trả cho một ít đỡ tiền bố mẹ”.
Tôi sướng quá, hóa ra ở Nga cũng có cơ hội làm thêm kiếm tiền. Nhưng hôm sau vừa nói chuyện với anh Lâm thì anh ấy bảo: “Đừng có đùa. Cảnh sát thấy mặt là nó hỏi ngay visa gì? Visa đi học sao lại léng phéng ở chợ? Ăn cắp hả? Vào đồn! Làm lao động hả? Giấy phép quyền lao động đâu? Vào đồn! Mày chết ngay con ạ. Chúng nó chỉ canh những thằng như mày thôi. Còn mấy người buôn bán thì đã đóng “thuế” tuần, “thuế” tháng rồi”. Thế là tôi “tạnh” ngay.
Và nỗi buồn của bé Ngọc
Cô Thảo có hai nhà hàng trong ốp người Việt, có nhiều khách đến ăn. Cô Thảo lấy chú Vađim người Kazakhstan, cô chú có một con trai 3 tuổi tên Thắng và một bé gái 10 tuổi tên Ngọc. Chú Vađim trước là giáo viên, rất hiền lành và ít nói. Mọi việc từ trong nhà đến ngoài nhà hàng đều do cô Thảo làm tất.
Chú chỉ việc lái xe đưa cô đi làm, đưa bé Thắng, bé Ngọc đi học và đón về. Việc ấy cũng mất hết cả ngày vì cô làm nơi khác, các em lại học những nơi khác nhau. Bé Ngọc còn nói tiếng Việt chút ít, bé Thắng không hề biết tiếng Việt vì bà cụ trông Thắng là một bà già Nga về hưu. Chú phải đưa Thắng đến nhà bà ấy suốt ngày. Cô Thảo cứ thở dài và bảo ít nữa phải thuê người về dạy tiếng Việt cho hai đứa chứ thế này thì hỏng.
Mấy ngày tôi ở Mát cô Thảo nói chú Vađim chở Ngọc đến cửa hàng chơi với tôi “cho nó còn nói tiếng Việt với”. Ngọc hiền lành ít nói, em kể chẳng được nói chuyện với ai cả vì ở lớp các bạn chẳng chơi với em vì “đầu đen”, nhưng em cứ học giỏi là được, bố mẹ bảo vậy.
Tôi nhìn khuôn mặt nhu mì buồn buồn của Ngọc mà thấy thương quá. Ở tuổi này ngày đó bọn con gái lớp tôi nghịch như quỉ, hò hét còn hơn con trai và rất hay lấy thước kẻ quật bọn tôi đau điếng. “Thế thì nói với mẹ cũng được” - tôi an ủi. “Không, mẹ đi khi em chưa ngủ dậy và mẹ về vào nửa đêm lúc em ngủ mất rồi”.
“Thế còn bố cơ mà?”. “Không, buổi sáng bố bận lo cho Thắng và em đi học. Tối bố đón em rồi đón Thắng về thì phải lo cho em bé chứ. Sau đó bố còn phải đi phụ mẹ dọn hàng và đón mẹ nữa. Em chỉ được nói chuyện với bố trên xe lúc bố đón em từ trường về đến chỗ em Thắng thôi”.
Tôi bỗng nhớ đến mẹ. Mẹ hay nói câu “nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống thì thấy không ai bằng mình”, thế mà đúng thật. Tôi được mẹ chăm bẵm hơi nhiều, phát ngán, nên sang đây cứ như chim được tung cánh bay vào bầu trời. Tự bay lấy thì không ai che chắn, cản ngăn gì cả. Còn ở nhà mẹ cứ làm như tôi còn bé lắm, lúc nào cũng nhắc nhắc nhở nhở để bị mang tiếng là cậu ấm bao nhiêu lâu. Nghĩ thế, tự nhiên thấy thương bé Ngọc quá, thương cả Lan, cả Loan...
Nỗi sợ không đến một cách vô cớ. Nỗi bất an mà người Việt tóc đen da vàng thường cảm thấy khi đến Nga học hành, buôn bán cũng không vô cớ ám ảnh đời sống những kẻ tha hương. Nước Nga đã thay đổi, nước Nga đã phân hóa và trong lòng nước Nga đã xuất hiện những kẻ đầy hận thù...
-----------------------
* Kỳ cuối: Nước Nga và các băng nhóm đầu trọc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận