27/05/2009 15:45 GMT+7

Đau đáu tiếng trống chầu tom chát

Theo LÊ LÀNHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo LÊ LÀNHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Một ngày cuối Thu Mậu Tý, ca trù hạ phóng công diễn làm từ thiện ở đình Ngọc Hà, Hà Nội. Hai trăm khách được một bữa thỏa thuê tiếng ca, tiếng đàn phách và tiếng trống chầu tom chát nghệ thuật ca trù độc đáo nhất đẳng.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long Phạm Thị Huệ gắng quán xuyến đủ các vai ca nương, kép đàn, quan viên để buổi diễn được viên mãn mọi đường.

Tôi may mắn được kết giao vong niên với nhà thơ Ngô Linh Ngọc - một tay cầm trống chầu có hạng. Thập niên 60 thế kỷ trước, các bà Phó Thị Kim Đức, Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc… mỗi khi có dịp lại cùng nhà thơ Ngô Linh Ngọc, các ông Ký, ông Ban... ôn lại lời ca, nhịp phách, tiếng đàn, hồi trống một thời hát cô đầu không dễ phai trong ký ức. Bà con trong nhà chung cư Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) ngày ấy không ai bảo ai, cứ lẳng lặng tự tìm cho mình chỗ ngồi đê mê nghe tiếng đàn hát huê tình trang nhã.

Trước đấy, nhà thơ Chu Hà bị phê bình dữ vì cái tội dám để các nghệ nhân Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc nổi hứng đua nhau hát ca trù trong chương trình thơ - nhạc cả một chiều ngày mùng một Tết Nhâm Dần (1962) ở Văn Miếu. Nhưng Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cho biết rằng hôm đó chính Bác Hồ đã đến nghe tâm đắc đến hết buổi. Nghệ Tĩnh quê Bác nổi tiếng là một trung tâm thơ phú, một trung tâm ca trù - hát nhà tơ.

Hiai1ynb.jpgPhóng to
Ca nương Phạm Thị Huệ cùng hai người thầy Nguyễn Phú Đẹ và Nguyễn Thị Chúc trong một buổi sinh hoạt tại Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long

May mắn hơn, tôi còn được nhà thơ Ngô Linh Ngọc chỉ cho thấy ca trù thực chất là hát thơ tròn vành, rõ chữ, sắc tay, hay nhịp. Đào nương phải cảm được ý thơ, tình thơ để nhả chữ, gõ phách truyền cảm tới người nghe. Bà Quách Vạn Thái - ông Ngô Linh Ngọc thường gọi theo tên hiệu ngày xưa bà hát ở xóm Vạn Thái nổi tiếng - hát Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị nghe ra ngay tâm tư nghẹn ngào tự kỷ của cô kỹ nữ bến Tầm Dương với chàng Tư Mã văn nhân lai láng đất Giang Châu.

Khi nghe bà Phó Thị Kim Đức (thuộc trường phái cô đầu Khâm Thiên) “đổ con kiến” bài Lưu Nguyễn xuất thiên thai, tôi mường tượng ra ánh trăng trên non chiếu rọi xanh biếc đúng một màu để rồi... giật thót mình như bước hụt!

Bà Quách Thị Hồ hát khiến hết thảy ai ai cũng phải chịu, có lẽ do bà giỏi chữ nho, lại rành niêm luật thơ. Dường như chỉ mình bà dám công khai chê bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu thất niêm luật để tôn bản dịch của Tản Đà vần, đối đâu ra đấy từng cặp mở, thừa, chuyển, hợp để người hát tròn vành, không lọt một kẽ hở. Aliénor Anisensel chỉ nghe tiếng hát bà Quách Thị Hồ qua đĩa CD đã một lòng một dạ đeo đẳng ca trù đến cùng là vậy.

Tôi mê mẩn ca trù từ đó. Và cũng từ đó luôn bạo mồm, bạo phổi bàn luận ca trù như ai.

Ngồi trên sàn gỗ bóng lộn gác hai nhà đầu phố Tuệ Tĩnh mới cất của người cháu bên ngoại cả hai bề, Bùi Công Hiến chân tình đón ông lần đầu trở về Bắc thăm bà con, làng mạc, nhạc sĩ Phạm Duy lảng tránh câu hỏi trực tiếp: “Đã là phù thủy cao tay ấn dân ca cả ba miền mà tịnh không thấy một bài nào ra màu ca trù là sao?”. Cuối cùng, ông cũng hay háy đôi mắt cười ướt át mà chỉnh lại là sexy - gợi tình, chứ khiên cưỡng áp đặt ca trù là thứ nhạc sex - tình dục nhất thế gian là tầm bậy!

Ôn Như Nguyên Văn Ngọc, con bà chị ruột mẹ ông, đã hạ bút trong cuốn biên khảo Đào nương ca rằng “…các cụ xưa cũng tình chán. Đem cái sắc đọ cùng cái tài, các cụ lại càng nồng nàn về tình lắm. Các cụ cũng gắn bó keo sơn, nặng nhời thề thốt với cô đầu…”.

Các cụ ở đây là Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, là Dương Khuê, Nguyễn Khuyến… toàn những thi nhân cự phách đi hát cô đầu thành thần. Họ vừa thị tài lại đa tình, nhưng lại bị trói buộc, trầm uất ngay trong cái vỏ lễ giáo nho học gò bó nghiệt ngã nên phải gắng tìm lối thoát thần thái trong ca trù chứ biết làm sao. Nhờ thế, hát cửa đình đang từ nghệ thuật dân gian thoắt trau chuốt thành ngay ca trù bác học, thính phòng. Nhưng cũng từ đó, ca trù mang tai tiếng hát cô đầu, nhẹ cũng là lẳng lơ, trai gái lăng nhăng, nặng là tà dâm!

Đổi mới như cơn gió lành cuốn phăng đi cái niêm phong khắc nghiệt cấm ngặt dán chặt trên mình hàng chục năm trời nặng nề những đớn đau, ca trù được hồi sinh, được chấn hưng, nhưng vẫn còn lắm trắc trở, truân chuyên. Bài Đất nước lời ru của Văn Thành Nho được viết theo đúng bốn âm nguyên điệu thức ngũ cung ca trù chuẩn, nhưng chẳng được mấy ai chú ý, thích thú, tôn vinh. Nhưng Trên đỉnh Phù Vân vừa cất tiếng trên sân khấu Duyên Dáng dàn dựng hoành tráng, cầu kỳ lại lập tức trở thành “hot” ca trù ngay tức thì.

Tính lành và tế nhị, tác giả - nhạc sĩ Phó Đức Phương không nặng một lời trách cứ cô ca sĩ trẻ đang lên cùng ai cố tình biến hóa hòa âm phối khí ra thế, mà chỉ cố sức một thân ra rả thanh minh nếu ca khúc của mình có thoáng nét ca trù nào đấy, cũng chỉ là vô tình để lọt chút chút thôi, nếu không muốn nói là không. Trên đỉnh Phù Vân được ông viết một cách tự nhiên, nền nã các làn điệu dân ca chầu văn, sa mạc, trống quân, xẩm xoan… đã thấm thành máu thịt bấy lâu nay để làm bật ý niệm tha thiết tìm chốn cửa thiền thoát tục.

is3hceld.jpgPhóng to
Một buổi truyền dạy của nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc và ca nương Phạm Thị Huệ cho một thành viên của Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long

Ca trù là hát thơ đủ thể - lục bát, bảy chữ và cả thơ tự do. Ca nương phải tu từ, nhả chữ, khi thì non đi một tí tỉnh, lúc già lên một téo tẹo, làm sao ký âm chính xác cho đặng. Ngay tiêu chí các yếu tố cơ bản ngoại diện lẫn nội hàm của ca trù vẫn còn chưa được xác định rõ ràng, thống nhất nữa là. Thế nên cứ phải dạy truyền khẩu, một thầy một trò, miệt mài năm này qua năm khác. Phải miết như thế cho đến khi được ban xiêm y mới thành ca nương.

Sau ba năm trường đảm đương tiếng hát ca trù chủ đạo theo nhịp phách tre tự gõ đúng khổ cho “Cánh đồng âm nhạc, Khúc cầu nguyện, Thế đấy, thế đấy…” do biên đạo múa Ea Sola Thủy dày công dàn dựng trên sân khấu tiên tiến hơn mười nước Tây Âu, đào nương nghệ sĩ ưu tú Phó Thị Kim Đức lui về gần như ở ẩn, với khí tiết kẻ sĩ, với hào hoa người nghệ sĩ. Bà tránh xa nơi sẵn sàng chi bạc triệu mời bà hát, không đặt chân chốn bon chen ca trù thật giả lẫn lộn.

Bà khiêm tốn không lập câu lạc bộ oai danh này nọ mà chỉ âm thầm quy tụ nhóm hát ca trù Tràng An để truyền nghề. Chỗ thân tình, bà mới rành rẽ rằng chỉ vì vắng tri âm nên mới biếng hát ca trù vẫn đau đáu trong lòng. Bà không nói cụ thể, nhưng tôi biết đó là quan viên, là thi nhân… là Ngô Linh Ngọc. Roi chầu trong tay ông còn hơn cả đũa chỉ huy dàn nhạc giao hưởng ấy chứ, nó dẫn dắt chi tiết giọng hát điệu đà, khổ phách phức điệu, tiếng đàn căng ba dây tơ. Ngô Linh Ngọc làm thơ, sành hát cô đầu, vững âm luật, đặc biệt điêu luyện, tinh tế đủ năm phép trống giục, sáu phép trống chầu.

Dù là thiểu số, tôi luôn bênh Vũ Hoàng Địch bên bàn rượu, mỗi khi bị chúng bạn cùng Viện Triết khích bác nặng nhẹ đủ điều là nhắm mắt, bịt tai tâng bốc vô lối ông anh Vũ Hoàng Chương. Xóm cô đầu của bà Đốc Sao đưa từ Bắc kỳ vô đất cải lương ca vọng cổ Sài Gòn mà cứ bốc lên như sóng cồn tất cả là nhờ một tay nhà thơ “say” Vũ Hoàng Chương cùng em vợ nhà thơ “quái” Đinh Hùng làm quan viên giữ trống chầu đấy.

Cũng nhờ có Vũ Hoàng Địch, bà Phó Thị Kim Đức mới hay cố nhân Vũ Bằng, khi nghe tin Khâm Thiên bị rải thảm bom B52 hủy diệt, đã cảm khái thành lời nguyện cầu mai này tiền tỉ đôla bồi thường chiến tranh phải được dành phục hồi lại xóm cô đầu Khâm Thiên đàng hoàng, khang trang hơn.

Tri kỷ, tri âm ca trù - hát ả đào khăng khít giữa ca nương cô đầu với thi nhân quan viên là vậy.

Theo LÊ LÀNHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên