![]() |
Dấu chân có hình dáng chiếc hài trên núi Cấm |
Vài năm gần đây, dân vùng núi này lại rộ lên những câu chuyện thần kỳ mới quanh những dấu chân tiên. Có người bạo miệng hỏi đó là dấu chân của người ngoài hành tinh?
Thực hư thế nào? Một chuyến khảo sát cùng những nhà quản lý du lịch địa phương.
Chúng tôi xuất phát từ chân núi Cô Tô, một trong bảy ngọn núi nổi tiếng của vùng Thất Sơn này. Cùng đi có anh Ngô Văn Trạng, trưởng ban quản lý du lịch - văn hóa huyện Tri Tôn (An Giang) và kiến trúc sư Võ Xên, một trí thức từng sinh ra và lớn lên ở vùng núi này có biệt danh “thần đèn núi Sập” bởi có kỳ công chỉnh nghiêng những căn nhà 5-7 tầng lầu có nguy cơ bị đổ.
Trời còn sớm. Chúng tôi leo lên những bậc đá đầu tiên, nhắm hướng “sân” Tiên, nơi dấu chân tiên còn nằm trên đó. Đường lên núi tương đối dễ đi do có những bậc thang lên xuống, nhưng dốc cao nên phải leo từng bước giống như đi lên tòa nhà cao hai ba chục tầng. Xung quanh suối chảy róc rách, cây cối um tùm kỳ ảo. Nhìn xuống chân núi, đồng ruộng trải dài tới tận chân trời... như tấm thảm xanh khổng lồ.
Những dấu chân trên núi
![]() |
Dấu chân có hình dáng chiếc giày đinh trên núi Cô Tô |
Chúng tôi nhìn quanh quan sát. Đó là một phiến đá rộng bằng một sân bóng đá mini, xung quanh thoáng mát sạch sẽ. Khoảnh sân rộng phẳng trên núi cao này được đặt tên là “sân Tiên”, bởi theo truyền thuyết dân gian, các tiên trên trời thường xuống đây hội họp, vui chơi.
Nghỉ một hơi lấy sức, chúng tôi tìm cách bò ra triền núi tìm dấu chân tiên. Núi dốc đứng, bên dưới là vực sâu, xung quanh cây cối um tùm. Chúng tôi lần từng bước để tránh trượt chân. Sau một hồi tìm kiếm, anh Ba Xên vẹt lá trong lùm cây rậm rạp và kêu lên: đây rồi. Rõ ràng có một dấu chân to in như khắc vào trong núi đá. Nó có hình dáng của một... chiếc giày khổng lồ hơn là dấu của bàn chân.
Chúng tôi lấy thước dây đo thử: dài 1,03m, rộng 0,3m ở mũi bàn chân và nhỏ dần còn 0,23m ở gót chân. Dấu chân lún sâu trong đá chừng 3mm. Dấu chân có hình chiếc giày đinh của chân bên phải, giống như dấu giày để lại sau khi đi ngang qua lớp đất bùn.
Sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục hành trình sang núi Cấm, một khu du lịch nổi tiếng nằm ở huyện Tịnh Biên. Đường lên núi Cấm mùa này khách hành hương đi đông nghịt.
Vượt qua 13km đường núi, chúng tôi tới động Thủy Liêm. Anh Lê Văn Hòa, bảo vệ khu du lịch, dẫn chúng tôi men theo một con đường mòn vào động. Qua hai cái thác, chúng tôi xuống lưng chừng một con suối. Anh Hòa chỉ vào một phiến đá rộng bằng cái bàn bóng bàn rồi nói: “Dấu chân tiên ở đó”.
Quả thật có một dấu chân to bè, lún sâu xuống đá chừng 30mm. Đây là hình một bàn chân hẳn hoi, còn in rõ các ngón và gót chân. Dấu vết cho thấy đây là dấu bàn chân trái, bề dài khoảng 0,3m, ngang 0,18m, to hơn gấp rưỡi bàn chân người bình thường. Bà con quanh vùng cho biết “nó đã xuất hiện từ cả trăm năm nay”.
Trong lúc chúng tôi loay hoay chụp ảnh thì anh Hòa tiết lộ: “Có một dấu chân nữa ở ngọn núi bên kia, cách đây chừng 7km”. Muốn qua đó phải qua một cái dốc có tên là “dốc Trời Ơi” cao 420m. Đó là một cái dốc cao thẳng đứng, được xây bậc thang hẳn hoi. Chúng tôi quyết tâm vượt dốc. Đến nơi có ba tảng đá to như cái nhà chồng lên nhau. Gặp một khe đá hẹp, chúng tôi nép người chui qua một triền núi, phủi lớp hoa phượng vĩ đỏ rực phủ đầy trên mặt đá, bên dưới lộ ra một dấu chân thật tao nhã.
Dấu chân in không sâu lắm, nhưng dấu ngấn hết sức rõ ràng, có kích thước lớn hơn bàn chân bên động Thủy Liêm, dài chừng 0,5m, ngang 0,2m. Nó giống như chiếc hài của diễn viên múa. Chúng tôi nhận định: đây là dấu chân trái.
Truyền thuyết
![]() |
KTS Võ Xên đang khảo sát dấu chân tiên trên núi Cô Tô |
Bà Tư Tranh, 80 tuổi, ở gần động Thủy Liêm, cho biết: Nghe bà nội của bà kể lại rằng ngày xưa, xưa lắm, từ lúc mới có Trái đất này, hằng năm trên núi có lễ hội, các bậc chư tiên đều tụ hội về đây. Họ vui chơi ca hát, uống rượu và đánh cờ.
Bàn cờ đá hiện nay vẫn còn, nằm trên điện Cửu Phẩm cách đây 2km. Sau khi vui chơi ở đây, họ tìm qua núi kế bên chơi tiếp, mỗi lần đi chỉ cần bước một bước là qua tới. Vì vậy mà núi Cấm thì có dấu chân trái, còn núi Cô Tô thì có dấu chân phải.
Tại núi Cô Tô, ông Tám Hạnh, một cụ già 70 tuổi sống ở chân núi này từ nhỏ tới lớn, cho biết: chư thần tiên thánh trên trời thường qua lại nơi này nên để lại dấu chân tới bây giờ. Hiện nay trên đỉnh núi này cũng còn một mỏm đá bằng phẳng nhô cao ra giữa trời, giống như cái trán vồ trên gương mặt người. Người ta thường gọi đó là Vồ Hội để chỉ nơi hội họp của các bậc chư tiên...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận