27/05/2018 15:28 GMT+7

Đất khóc

Truyện ngắn của TRẦN HUYỀN TRANG
Truyện ngắn của TRẦN HUYỀN TRANG

TTO - Khi những trận mưa liên tục kéo đến tưới nhừ liếp rau nhỏ như cái mẹt của Sáu Thêm, thì ông cũng liên tục gieo giọng réo rắt vào cái a lô cục gạch hối thằng Út thu xếp về đặng kiếm mấy tấm phên che tạm liếp rau cải bé tẹo.

Đất khóc - Ảnh 1.

Minh họa: KIM DUẨN

Gọi là liếp rau để nhắc nhớ cách đây chỉ chừng chục năm có lẻ, ông có hẳn một khu vườn rau trái tốt tươi với mấy bụi chuối sứ, chuối chà bột, chuối lửa, buồng nào buồng nấy trái căng mẩy như gái mười tám đôi mươi. 

Những liếp rau nhuộm xanh khu vườn, mơn mởn mời gọi, xóm giềng cũng có cái mà nhờ. Cá lúc nào cũng ăn móng tách tách dưới kênh mương, chỉ cần sáng sớm cắm vài cái cần câu hoặc siêng đợi nước ròng lấy rổ đi xúc dưới đáy mương là có bữa cá kho, cá chiên béo nùng nục các kiểu. 

Rau trái có sẵn trong vườn nhà ông Sáu, gạo thì thời đó vẫn còn rẻ hơn khoai sắn, lại không lo ăn phải gạo giả, gạo độn cao su, nhựa bẩn. 

Mỗi lần ai cắp rổ qua nhà ông Sáu xin nhờ mớ rau ghém là y như rằng ông tiện tay nhón thêm vài trái ớt để "cho bữa cơm tròn vẹn", ăn rau sống chấm nước mắm mà thiếu vị ớt đưa cay đầu lưỡi là mất ngon. Nói vui như xóm giềng, sống cuộc đời như ông Sáu là chỉ có thêm chứ không có bớt.

Giờ nói không ai tin ông già từng nắm trong tay hơn mấy sào đất bát ngát lại có thể tằn tiện từng giọt nước, từng lá rau, hạt gạo. Đến cái điếu thuốc cũng phải nuốt nước bọt nhịn thèm, chứ hút nữa rồi chẳng may mà dính ung thư, báo hại thằng con thì tội. Giờ chỉ có xóm giềng nhường cho ông miếng rau, con cá mang về từ chợ, cũng là thứ mà họ tằn tiện mới có được để đắp đổi qua ngày. 

Ông không còn gì để cho, để hào sảng, để hả hê. Ông chỉ còn lại tấm thân quắt queo da bọc xương. Một cơn gió nhẹ hều khều qua cũng khiến ông ớn lạnh. Vậy mà thằng Út vẫn không về ở với ông sao? Hàng xóm ái ngại khi ngồi nắn tay chân cho ông sau một trận ốm. Ông khề khà:

- Về chứ. Đợt này nhất định nó phải về sửa liếp rau cho tui!

Và nữa, Út phải về vì ông đã nằng nặc dặn nó thu xếp đưa ông đi tìm một người đàn ông không rõ danh tính ở một vùng đất nào đó cũng mơ hồ như ảo ảnh. Nghe đâu ở một ngọn đồi, cạnh cái nghĩa trang hoang tàn nào đó, Út cũng đâu biết. Mà Út phải chở ba đi thôi, không ba giận, ba lẫy, bỏ ăn, bỏ uống thuốc. 

Ở cái tuổi của ba, đang trên vòng tuần hoàn của một đời người, từ từ cuộn mình lại thành một đứa trẻ ưa hờn dỗi. Và vì nghĩ rằng những người như ba, ở cái vùng đất hiền hậu này, đều rồi sẽ cuộn mình lại thành những đứa trẻ, nên bọn họ đã lột trần tất cả mọi thứ của ông. Rồi ông và người già xứ này sẽ đi, một chuyến đi dài - bằng tấm thân và đôi chân của những đứa trẻ, chập chùng.

***

Đó là một ông già quắc thước. Đón hai cha con ông Sáu, ổng chỉ mặc độc cái quần cộc dính đầy đất đỏ. Mắt ông già đỏ bầm hắt lên những tia nhìn nửa cảm thông, nửa ngờ vực. Cái thứ mùi kỳ dị từ người ông già tỏa ra khiến Út ớn lạnh.

Giọng ông Sáu run run:

- Chú xem đi cùng cha con tôi ngay tối nay được không, gấp lắm rồi, nghe nói mai họ cho xe đến xúc hết khoảnh đất. Tôi sợ không kịp nữa.

Ông già không ừ hử gì. Đoạn, ông đứng phắt lên, nhón lấy cái áo mỏng tang treo trên vách, gọn lỏn: Đi!

Ba người về đến nơi khi trời hửng sáng. Thấm mệt khi phải căng mắt, căng tay lèo lái chiếc xe chở ba suốt quãng đường dài, Út trèo lên phản ngủ, mặc hai ông già thập thò bên liếp rau. Ông Sáu thắp mấy nén nhang, rì rầm khấn vái. 

Nhang tàn là lúc ông già kỳ dị cởi áo, cầm xẻng bổ những nhát đầu tiên xuống nền đất bùn nhão nhoẹt vì những trận mưa. Ông già kỳ dị nhảy xuống hố, ngụp lặn rất lâu. Cuối cùng, chiếc quách nhỏ xíu cũng được đóng lại, gói ghém cẩn thận. 

Ông Sáu chỉ kịp dúi vào tay ông già nắm tiền dành dụm cuối cùng với ly trà nóng. Hình ảnh ông già cắp chiếc quách nhỏ liêu xiêu khuất bóng nhòe dần trong mắt ông Sáu.

***

Thằng Út hỏi ba không che liếp rau nữa hả ba? Không con, có những thứ cần che hơn cái liếp rau. Cha con mình đã che rồi. Út không biết người nằm dưới đó suốt bao nhiêu năm qua là một kẻ vô danh nào. Ông Sáu cũng đâu biết. 

Nhưng ông từng phải lăn lộn trong rừng sâu, giành giật mạng sống từ những làn đạn chí tử, từng quấn xác đồng đội trên lưng bò về căn cứ, thì việc phải bảo vệ nhúm xương của một kẻ vô danh nào đó cũng là việc khiến ông nhẹ lòng. Thuở đời nay, người chết muốn trở về với cát bụi cũng khó khăn vô thường.

Rồi cái chỗ ông Sáu trồng rau cũng nhanh chóng lún xuống thành một cái lòng chảo khổng lồ. Máy xúc quần nát khu đất. Tháng này mưa đậm. Từ lòng chảo, nước mưa đổ đầy thành một cái hồ mênh mông. 

Ông Sáu tha thẩn quanh hồ, nhớ khu vườn cũ, nhớ liếp rau, nhớ người... Rồi trong một chiều ông cũng đang tha thẩn nhớ, bỗng thấy một cánh tay con nít vẫy cao gọi mình giữa lòng hồ.

Ba đi nhẹ nhàng, má à! Út ôm vai má nó, dỗ dành. Bà không kịp về với ông những ngày cuối cùng, khi ông cứ cương quyết bám mảnh đất nay đã không còn là của mình. Đứa nhỏ được ông Sáu cứu cứ níu vạt áo Út, chừng nó muốn Út ở lại. Út không có gì để dằng níu, khi mai này chỗ lòng chảo đó mọc lên những khối bêtông cao ngút mắt, khuất cả đường về.

Tại thằng nhỏ không biết, hôm đưa ba theo ông già kỳ dị lên triền đồi, Út nghe tiếng khóc vọng lên từ dưới chân mình, ngay chỗ liếp rau cũ của ba trồng. Út nghe có luồng hơi lạnh chạy dọc sống lưng, Út nghe rõ ràng tiếng khóc, vọng ra từ đất, nên Út sẽ không về. Không về nữa.

Truyện ngắn của TRẦN HUYỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên