07/04/2004 05:04 GMT+7

Đáp án môn văn chưa phải là... văn!

ANH PHI (một GV dạy văn THPT tại TP.HCM)
ANH PHI (một GV dạy văn THPT tại TP.HCM)

TT - Những năm gần đây, nội dung giảng dạy được cải tiến, cách ra đề thi buộc HS suy nghĩ, động não, bắt buộc thầy và trò phải thay đổi cách dạy và cách học.

5AWj6VDI.jpgPhóng to
Các cán bộ chấm thi môn văn trong kỳ thi tuyển sinh vào ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2003 - Ảnh: Như Hùng
TT - Những năm gần đây, nội dung giảng dạy được cải tiến, cách ra đề thi buộc HS suy nghĩ, động não, bắt buộc thầy và trò phải thay đổi cách dạy và cách học.

Trong các kỳ thi tuyển sinh đại học và cả kỳ thi tốt nghiệp THPT, đáp án chấm thi môn văn vẫn cho điểm căn cứ trên các ý của bài làm và đáp án cụ thể đến từng 0,25 điểm. Nói chung, đáp án rất rành mạch, rất cụ thể và cũng rất phù hợp với các bộ môn khác. Thế nhưng đối với bộ môn văn, đáp án ấy lại chưa thật là... văn!

Làm đúng cũng không có điểm!

Đáp án không phù hợp với đặc trưng của bộ môn văn, bởi vì bản thân văn học là đa nghĩa và việc tiếp nhận tác phẩm văn học tùy thuộc rất nhiều vào chủ quan của người đọc. Tùy trình độ, lứa tuổi, giới tính, thành phần xã hội, quan điểm nghệ thuật, hoàn cảnh, thời đại… Ở đây tôi không nói đến những trường hợp bóp méo, ngụy biện, mà chỉ nói đến những trường hợp rất bình thường trong việc tiếp nhận tác phẩm văn học. Cùng một câu thơ nhưng ở trong điều kiện bình thường vẫn có những cảm thụ khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.

Ví dụ như mấy câu thơ đầu trong bài Vội vàng của Xuân Diệu:Tôi muốn tắt nắng điCho màu đừng nhạt mấtTôi muốn buộc gió lạiCho hương đừng bay đi

Rất nhiều ý kiến cho rằng Xuân Diệu có ý muốn ngông cuồng, muốn thay quyền tạo hóa điều khiển nắng, gió. Nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng Xuân Diệu muốn màu đừng nhạt, muốn hương đừng bay, nghĩa là muốn cái đẹp mãi trường tồn. Đó là ý muốn chính đáng của người nghệ sĩ. Không chỉ có vấn đề cảm thụ một tác phẩm, mà ngay những vấn đề tưởng như dễ thống nhất với nhau vẫn có những ý kiến khác nhau. Ví dụ nói về phong cách nghệ thuật của một nhà văn, nhưng ở sách này các tác giả nhận định thế này, trong khi ở sách khác các tác giả lại bình giảng thế khác.

Ở đây chúng tôi không có ý định nói đến đúng và sai, mà chỉ bàn đến vấn đề học sinh phải làm cách nào để có thể đạt điểm tối đa nếu như đáp án là của những vị tác giả trên. Tôi nói thế bởi vì thực tế đề thi tốt nghiệp THPT năm 2003 có câu hỏi: “Anh (chị) hãy trình bày vắn tắt những nét chính về phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân”. Và đáp án không giống như sách giáo khoa mà giống như sách “Những kiến thức cơ bản môn văn THPT”, và thực tế có nhiều HS làm như sách giáo khoa đã không đạt điểm tối đa, bởi vì hai sách có nhiều chỗ không hoàn toàn giống nhau.

Hơn nữa, trong đề thi đại học luôn có câu yêu cầu bình giảng tác phẩm văn học, mà bình giảng là kỹ năng đi tìm cái hay, cái đẹp từ sự phát huy cảm thụ chủ quan của mình, tức là cái mà thí sinh hiểu, cảm thấy, tưởng tượng thấy. Làm sao hoàn toàn giống như cảm thụ chủ quan của người cho đáp án đây!

Trong khi đó, đáp án chưa chú ý đến kỹ năng làm bài, khả năng lập luận, khả năng diễn đạt, đặc biệt đối với những HS giỏi có những suy nghĩ độc lập, sáng tạo và văn viết giàu cảm xúc thì không biết cho điểm ở chỗ nào. Dù là trong đáp án nào cũng có câu: “Cần khuyến khích những kiến giải riêng, thật sự có ý nghĩa về vấn đề và chỉ cho điểm tối đa trong trường hợp thí sinh không chỉ nói đủ những ý cần thiết mà còn phải biết cách tổ chức bài văn, diễn đạt lưu loát, đúng văn phạm và không sai chính tả. Người chấm bài phải hết sức linh động, nhưng linh động thì cũng bám vào những gợi ý của đáp án để cho điểm”.

Như vậy cách diễn đạt, kỹ năng làm bài chỉ là phương tiện để làm bài chứ chưa phải là chất liệu của bài làm, chưa phải là mục đích cần đạt được của môn văn, cho nên bản thân nó không có điểm. Nếu làm sai bị trừ, làm đúng không bị trừ và làm hay cũng không có 1 điểm.

Nhưng trừ ở mức độ nào và trừ bao nhiêu phần trăm điểm mới đúng, trong đáp án không có điều này. Hơn nữa làm sao để khuyến khích những kiến giải riêng khi mà vẫn bám vào đáp án. Qui chế tuyển sinh vào các trường đại học có quy định: “Những bài làm đúng có cách giải sáng tạo và độc đáo nhưng khác với đáp án có thể được thưởng điểm. Mức điểm thưởng do cán bộ chấm thi đề xuất và do trưởng môn chấm thi trình trưởng ban chấm thi quyết định nhưng không quá 1 điểm”.

Nhưng qui định ấy cũng chỉ đúng với các bộ môn khoa học tự nhiên, HS làm đúng đáp số, nhưng cách giải khác với đáp án thì được điểm thưởng. Còn ở bộ môn văn, để có một điểm thưởng đó trước hết bài làm đã mất đi số điểm qui định cho câu ấy rồi. Còn nữa, bài văn là một văn bản phải thống nhất về nội dung và hoàn chỉnh về hình thức nghệ thuật, như vậy cái tính thống nhất và hoàn chỉnh ấy cho điểm ở chỗ nào trong đáp án như hiện nay.

Cứng nhắc, khuôn mẫu

Chưa kể trong các đáp án luôn yêu cầu bài làm phải giới thiệu tác giả, tác phẩm. Thí dụ:

Đề thi đại học của Bộ GD-ĐT năm 2003, khối D:Câu 2: Phân tích những bức tranh mùa thu của đoạn thơ sau (...) trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi để làm rõ sự biến đổi tâm trạng của nhà thơ (5đ).Đáp án: Giới thiệu khái quát về Nguyễn Đình Thi, bài thơ Đất nước và đoạn trích (0,5đ).Câu 3: Phân tích ngắn gọn tư tưởng nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của Nam Cao trong truyện ngắn Đời thừa (3 đ).Đáp án: Giới thiệu Nam Cao, truyện ngắn Đời thừa (0,25đ).

Tất nhiên muốn làm bài tốt, bắt buộc thí sinh phải tìm hiểu khái quát về tác phẩm ấy để hiểu chính xác, để nhận xét, đánh giá đúng về tác phẩm, nhưng có nhất thiết phải trình bày tất cả những điều ấy trên bài làm của mình hay không. Vậy chỉ còn một cách là đưa vào phần mở bài. Do vậy mà hiện nay giáo viên dạy HS mở bài chỉ có một cách duy nhất là giới thiệu tác giả và hoàn cảnh sáng tác. Thậm chí để đảm bảo tỉ lệ HS đậu cao, nhiều giáo viên đã bắt buộc HS phải làm như vậy, nếu không sẽ bị trừ điểm rất nặng.

Như vậy, chính đáp án đề thi đã làm cho cách dạy của giáo viên và cách học của HS trở nên cứng nhắc, khuôn mẫu, thậm chí máy móc, không phát huy được khả năng sáng tạo của HS, đi ngược lại xu thế chung của thời đại, gây cản trở cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy hiện nay.

Trên đây chỉ là một vài ý kiến mang tính chủ quan, có thể phiến diện, nhưng là những băn khoăn rất chân thành của người trực tiếp giảng dạy và đã từng ngậm ngùi tiếc cho những bài làm tốt mà không đạt được điểm cao trong các kỳ thi.

ANH PHI (một GV dạy văn THPT tại TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên