17/11/2009 08:07 GMT+7

Đào tạo trẻ, có cũng như không

HOÀNG VŨ - KHƯƠNG XUÂN
HOÀNG VŨ - KHƯƠNG XUÂN

TT - Dù LĐBĐVN (VFF) đưa ra những quy định về việc đào tạo trẻ ở các CLB nhưng việc thiếu hậu kiểm đã khiến các CLB lâm vào cảnh thiếu hụt nội binh giỏi dù các đội tuyển U-16, U-19 VN chơi rất nổi bật ở các giải quốc tế.

TT - Dù LĐBĐVN (VFF) đưa ra những quy định về việc đào tạo trẻ ở các CLB nhưng việc thiếu hậu kiểm đã khiến các CLB lâm vào cảnh thiếu hụt nội binh giỏi dù các đội tuyển U-16, U-19 VN chơi rất nổi bật ở các giải quốc tế.

Từ đây, ngoại binh trở thành niềm hi vọng của nhiều CLB và tiếp theo đó là chuyện nô nức “Việt hóa” các cầu thủ ngoại để tìm kiếm thành tích. Câu chuyện đào tạo cầu thủ trẻ - nền tảng để phát triển bóng đá VN - lại trở nên nóng bỏng trong dư luận.

Thiếu hậu kiểm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn cho biết: “Nhằm duy trì và phát triển bóng đá VN một cách bài bản, VFF đã đưa ra quy định những CLB có đội bóng tham gia ở giải VĐQG bắt buộc phải có các đội bóng trẻ tham gia ở hai trong số ba giải gồm U-17, U-19, U-21”.

Dù vậy, ông Tuấn cũng ngập ngừng khi nói: “Theo tôi, hầu hết các CLB tham dự tương đối đầy đủ ở các giải. Từ trước tới nay theo tôi biết, cũng chưa có CLB nào bị xử lý vì không có đội bóng tham gia các giải trẻ”.

Còn theo trưởng ban kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường, do số lượng thành viên ban kỷ luật ít mà các giải trẻ thi đấu trong năm tương đối nhiều nên thường trước mỗi giải đấu, ông ký công văn giao toàn quyền kỷ luật của giải cho trưởng BTC.

“Từ khi tôi giữ chức trưởng ban kỷ luật đến nay chưa từng thấy một sự cố lớn nào về việc các CLB tại giải VĐQG không tham dự đầy đủ các giải đấu tại các giải trẻ do VFF quy định. Ban kỷ luật cũng không nhận được báo cáo hay tường trình nào từ BTC các giải đấu về việc này” - ông Hường nói thêm.

Mượn quân để lách luật

Không khó để lách quy định của VFF về đào tạo trẻ bằng chiêu mượn quân để đá giải. Cụ thể, mới xuất hiện trên bản đồ bóng đá VN khoảng ba năm nay, câu hỏi đặt ra: T&T Hà Nội lấy đâu ra quân để dự giải U-21 toàn quốc? Nhưng họ vẫn dự giải U-21 2009 và tiến sâu vào bán kết với những cái tên Văn Hoàn, Quang Tình, Đình Bảo... được mượn từ SLNA. Không riêng đội U-21 T&T Hà Nội, rất nhiều đội bóng khác cũng mượn quân để đá giải.

Đáng lý phải dùng và tạo điều kiện thi đấu tối đa cho những cầu thủ trẻ mà mình đào tạo để họ rèn luyện trận mạc, tích lũy kinh nghiệm... thì căn bệnh thành tích vẫn tiếp tục hoành hành ở các giải đấu trẻ. Với việc mượn những cầu thủ giỏi để cốt sao giành huy chương, chuyện đào tạo trẻ ở nhiều CLB chỉ là cách “mượn áo” để qua mặt VFF.

Trên rất nhiều diễn đàn của các CĐV bóng đá trong nước, rất nhiều CĐV đã tỏ ra bức xúc với điều này. Trên diễn đàn binhdinhffc.com, CĐV có địa chỉ email tiger_kiss viết: “Những người có trách nhiệm cần nghiêm khắc với chính mình. Hãy xem chuyện đào tạo cầu thủ trẻ là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đồng thời phải xem chuyện đi mượn quân là sự xấu hổ. Tại sao họ cũng làm như mình, vậy mà mình lại đi mượn người?

Ngay ông Hường cũng cho biết: “Do không có tuyến đào tạo trẻ nên việc CLB phải đi thuê các cầu thủ trẻ của đội khác về đá là chuyện bình thường. Như vậy là phạm luật đấy chứ... Nói vậy để biết bởi nếu VFF xử lý triệt để, các CLB cũng khó mà tồn tại...”.

Trong khi các CLB chuyên nghiệp dựa vào ngoại binh thì bóng đá trẻ lại dựa vào việc mượn quân để tìm kiếm thành tích. Điều này đã làm nhiều cầu thủ trẻ cảm thấy chán nản và không còn tha thiết với việc rèn luyện. Và thế là dù có các tuyến đào tạo từ các lứa U-11, U-13... U-21 nhưng nhiều CLB vẫn luôn miệng kêu gào về chuyện thiếu quân.

Suy thoái các trung tâm đào tạo trẻ mạnh

Đây là một câu hỏi nhức nhối không kém khi chuyện chảy máu cầu thủ đã làm nản lòng không ít lò đào tạo nổi tiếng của bóng đá VN như SLNA, Đồng Tháp. Giám đốc điều hành SLNA Hồ Văn Chiêm từng nói phải chọn lựa từ cả ngàn em và phải mất vài năm đào tạo mới hi vọng có được vài ba cầu thủ dùng được. Nhưng vừa qua tuổi 23 (tuổi được chuyển nhượng theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp), các CLB giàu có đã vung tiền lấy mất.

Nỗi đau này ngoài chuyện bị mất quân còn khiến SLNA phải vung tiền tỉ để giữ chân các cầu thủ giỏi cũng như chiêu mộ ngoại binh để lấp đầy chỗ trống do các cầu thủ ra đi để lại. Cụ thể chỉ mỗi việc giữ chân trung vệ Huy Hoàng, SLNA đã mất khoảng 3 tỉ đồng. Và điều này khiến thay vì dồn lực đầu tư cho việc đào tạo trẻ, SLNA phải đau lòng chịu cảnh bỏ tiền để giữ quân.

Tính từ V-League 2001, đã tám mùa bóng trôi qua, sự đổ bộ của những doanh nghiệp lớn vào bóng đá đã làm nên một diện mạo mới, sinh động cho bóng đá VN. Tuy nhiên, việc vung tiền mua các cầu thủ của một vài ông bầu đã góp phần tạo nên sự suy thoái của những trung tâm đào tạo trẻ mạnh như SLNA, Đồng Tháp (có lúc Đồng Tháp phải dùng cách gọi nghĩa vụ quân sự để giữ chân bốn cầu thủ trụ cột).

Mất một lúc tám cầu thủ ở mùa bóng tới (V-League 2010) mà chẳng thu lại đồng nào sau 10 năm đào tạo họ, trưởng đoàn bóng đá Nam Định Nguyễn Hưng Thái từng lên tiếng kêu gọi sự vào cuộc của VFF: “ Nếu VFF không có biện pháp bảo đảm quyền lợi của CLB, tôi e rằng rất nhiều địa phương sẽ chán nản và bỏ rơi công cuộc đào tạo trẻ”. Thật vậy, khi việc đẩy giá cầu thủ lên quá cao của các CLB “đại gia” vẫn còn thì các trung tâm đào tạo sẽ tê liệt dần.

Đây chính là lời báo động về nền tảng phát triển của bóng đá VN trong tương lai. Vì vậy, chấn chỉnh việc đào tạo trẻ ở các CLB chính là việc VFF cần thực hiện quyết liệt hơn là việc xử lý “ngắt ngọn” trong việc khống chế số lượng cầu thủ nhập tịch có mặt trên sân ở mùa bóng 2010.

HOÀNG VŨ - KHƯƠNG XUÂN

HOÀNG VŨ - KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên