19/05/2013 07:40 GMT+7

Đào nương Bạch Vân: Trong tình có kiếp cầm ca

TRẦN ANH
TRẦN ANH

TT - Bạch Vân run run vành môi, nhả từng chữ trên nhịp phách và tiếng đàn đáy của chồng cũ. Ðể trọn vẹn phận ca nương, cô đã "đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ", lẻ bóng hôn nhân cũng là để dành trọn tâm huyết cho ca trù.

1Fvr5o0t.jpgPhóng to
NSƯT Bạch Vân (phải) chỉ dẫn cách lấy nhịp phách cho một du khách - Ảnh: TRẦN ANH

Bạch Vân dẫn nhập ca trù bằng hai cách: học hát ở các nghệ nhân dân gian, tự thân khảo cứu ca trù bằng các chuyến đi thực tế và nghiên cứu qua sách. Hơn 30 năm bền bỉ với lối hát cổ của dân tộc, Bạch Vân vừa là một đào nương, vừa là một thức giả có nhiều cống hiến cho ca trù. Với bà, danh cũng ở ca trù, mà tủi cực cũng là ở ca trù.

Nước mắt khóc "người dưng"

Trong lối hát của Bạch Vân hôm nay có bóng dáng của một thế hệ nghệ nhân cuối cùng từng xem ca trù là nghề hát. Họ chuyển nghề khi ca trù rơi vào sự quên lãng của xã hội. Danh cầm Chu Văn Du là thợ giặt và thợ sơn vôi, bà Quách Thị Hồ đi gánh nước thuê, cụ Chúc đi bán hàng xén và làm ruộng, bà Kim Ðức chuyển sang hát chèo, cụ Phó Ðình Kỳ đàn hay như thế nhưng về làm ở hợp tác xã sơn mài... Bạch Vân cất công đi và tìm thấy họ. Ðó là cuộc tìm kiếm vất vả và tủi cực, khiến người khác ức chế thay mà "xui": "Thà rằng để cho ca trù chết đi...". Bạch Vân gõ cửa nhà các cụ, con cháu các cụ can ngăn. Bạch Vân nhờn mặt đến "tán" các cụ để học lấy một câu ca trù, khiến con cháu các cụ phát ngán!

Vì ca trù, Bạch Vân cúi lạy các bậc nghệ nhân để họ nhận mình làm học trò. "Tôi theo bà Hồ mấy năm, chỉ được học bốn câu mưỡu. Cụ Chu Văn Du xem tôi như con gái. Nghệ nhân đàn đáy nổi tiếng bậc nhất lối khuôn (phó quản ca giáo phường Khâm Thiên đã từng đạt qua ba kỳ thi cầm, vào đàn hát cho nhà vua nghe) từng dạy tôi học phách, hát và trống chầu" - Bạch Vân kể về mối ân tình với "người dưng".

Hiếm ai làm được việc: đón nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Ðẹ (ở Hải Dương) về phụng dưỡng tại nhà riêng trong hai năm để cụ được chơi đàn đáy và dạy đàn cho lớp trẻ như Phạm Thị Huệ, Phạm Ðình Hoằng, Nguyễn Khắc Hiệp, Lê Văn Tú...

"Học hát, học đàn và học cả cái đạo làm người ở các cụ. Cho nên khi các cụ ốm, tôi tới thăm. Có cụ lúc hấp hối còn nhắc tôi. Còn dư nước mắt mà khóc người dưng, tôi toàn đi khóc người dưng. Nói thật, lúc cha mẹ tôi qua đời tôi còn không kịp về quê để khóc các cụ một tiếng...". Bà nói vậy, mãi đau đáu tâm can về những thiếu hụt chẳng thể bù đắp cho bậc sinh thành ruột thịt.

Đàn đáy còn thương một ca nương

Truân chuyên với ca trù, 44 tuổi Bạch Vân mới kết hôn. Một cuộc hôn nhân lạ lùng. Bạch Vân gặp Nguyễn Bá Hải khi đang tu ở chùa Một Cột. Khi ấy, người trai trẻ thua Bạch Vân đến tận 13 tuổi này đang muốn tĩnh tâm để xa dần nghệ thuật. Từ một cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên, Bạch Vân đã chiêu dụ được một người có năng khiếu đàn ca đi theo mình để học đàn đáy. Lửa gần rơm lâu ngày phải bén. Ðám cưới của một cặp tình nhân chọn kiếp cầm ca đã diễn ra trong sự chúc phúc của anh em, bạn bè.

"Nhưng cuộc hôn nhân quá ngắn, tôi có tội khi phá con đi để toàn tâm dành cho ca trù. Người ta tức vợ cũng không sai" - Bạch Vân thú nhận một sự thật phía sau sự đeo đẳng nghiệp ca trù vào bản thân.

Họ chia tay khi mà Bạch Vân cứ mải miết với những chuyến đi khảo cứu ca trù ở khắp nước. Chồng cũ từng có thời gian bỏ đàn đi bán cơm chay. Quán cơm có tên là Bạch Vân. Suýt nữa các món chay đã làm một tay đàn đáy bỏ nghề, nếu như không có sự động viên quay trở lại từ phía bạn bè và đặc biệt là người vợ cũ.

Nguyễn Bá Hải lại ôm đàn ngồi chung chiếu với Bạch Vân. Từ nhiều năm nay, họ là một cặp bài trùng hi hữu để thăng hoa với ca trù giữa đình Kim Ngân, Bích Câu đạo quán, 34 Hoàng Cầu (Hà Nội)... "Cả cuộc đời của Bạch Vân đã dành cho ca trù. Tại sao tôi lại không mang tiếng đàn của mình để nâng đỡ thêm cho tiếng hát của Vân?" - chồng cũ đã dùng cây đàn đáy để sẻ chia tâm can với vợ cũ. Khi tiếng hát và tiếng đàn quyện hòa với nhau, giữa họ đầy ắp tình nghệ sĩ.

Người cũ có còn thương một ca nương? Vẫn còn. "Một người hát bằng hơi. Một người chơi đàn bằng gân, cơ. Ðể ra được linh hồn của một bài ca trù thì tôi và Vân phải thấu hiểu, đồng cảm. Nhiều khi ngồi đàn cho Vân hát, tôi thấy đau và xót".

Con mèo và chén rượu của Bạch Vân

Bạch Vân có thói quen uống chút rượu vào ngày giỗ song thân. Mắt rưng nước khi uống rượu để tự sự với chính mình, xá tội với cha mẹ, nghĩ về nghiệp ca trù đã vận lấy thân.

Ðào nương Lê Thị Bạch Vân sinh năm 1957 tại xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Bà bảo vệ luận án thạc sĩ về ca trù tại Viện Nghiên cứu văn hóa VN và sắp tới sẽ bảo vệ luận án tiến sĩ tại Học viện Khoa học xã hội.

Bạch Vân đến với ca trù khi 25 tuổi, bà đã sáng lập và điều hành Câu lạc bộ ca trù Hà Nội từ năm 1991 đến nay. Ðây là câu lạc bộ ca trù đầu tiên của VN.

Bà được Trung tâm từ điển Oxford và Cambridge của Anh năm 2003 bầu chọn là một trong 2.000 thức giả xuất sắc nhất thế kỷ vì những đóng góp cho ca trù.

Nhấp một hơi, bà hát Tỳ bà hành. Ðôi tay thôi không nâng chén nữa mà cử động theo nhịp phách đang được tái hiện trong tâm trí bà. Tiếng phách ấy chắc là vọng về từ đêm nào ngồi diễn ở Bích Câu đạo quán hoặc đình Kim Ngân. Hát chay đôi ba câu để một đêm suy tư, với Bạch Vân cũng là nhớ ca trù.

Chiếc giường duy nhất bà cũng nhường cho cụ Ðẹ khi đón cụ về nhà phụng dưỡng, truyền dạy đàn đáy. Sống một mình trên gác xép - thực chất là phần chống nóng cho ngôi nhà - phía dưới Bạch Vân cho người ta thuê mở cửa hàng bán điện thoại. Gác xép thiếu sáng thừa mạng nhện là nơi bà khổ luyện dày công với ca trù. Miếng cơm mà Bạch Vân nấu cho các bậc nghệ nhân ca trù mà bà phụng dưỡng tại nhà có chứa niềm tủi phận: "Tôi chưa cơm bưng nước rót ngày nào cho cha mẹ tôi, nhưng...". Sự giằng xé đến trong tâm tính Bạch Vân khi nghĩ về đạo hiếu làm con đối với bậc mang nặng đẻ đau cũng là lẽ thường.

Tuổi xuân của Bạch Vân lạch cạch đi buôn hoa quả để kiếm tiền khảo cứu ca trù dọc 18 tỉnh có ca trù ở VN. Bạch Vân kể: đường xa dặm thẳm không là gì so với sự khao khát tìm gặp các nghệ nhân để trao đổi, tìm hiểu và thuyết phục các cụ trở lại với ca trù. Bà đã lặn lội vào Nghệ An, Hà Tĩnh, nửa đêm phóng xe máy từ Thanh Hóa về Hà Nội, rồi mưa rét lầm lũi một mình lên Phú Thọ, qua Hà Tây, xuống Hưng Yên, Hải Dương và tận Hải Phòng... mà chẳng sợ gì. Ði theo hướng có ca trù, đi để tìm cho được người hát ca trù đang sống. Lăn lộn hàng chục năm như thế, Bạch Vân mới phục sinh được ca trù trước nguy cơ tàn lụi. Ngoài ra, Bạch Vân còn tổ chức lễ chúc thọ nghệ nhân để họ hân hoan vì được trọng vọng. Bà còn làm lễ tưởng niệm tri ân những nghệ nhân và những người có công đóng góp cho ca trù đã quá cố. Khi ca trù đã trở thành di sản của nhân loại, Bạch Vân lại một lòng một dạ nghiên cứu chuyên sâu để bảo vệ luận án tiến sĩ về lối hát nghìn năm tồn tại này.

Nhưng rồi, ai làm bạn với Bạch Vân trên gác xép đón nóng hầm hập mỗi khi hè sang? Con mèo. Con vật hiền lành cứ theo hơi ấm chủ nhân mà sống. Khi Bạch Vân vắng nhà, mèo canh chuột. Khi Bạch Vân không tránh nổi cơn cô đơn của một người đàn bà không chồng, không con thì ngồi nhìn mèo ngủ ngon giấc. Khi Bạch Vân dằn vặt với nhịp phách ca trù, một mình giữa một gác thì chỉ có mèo nghe. Ai chứng kiến ca nương này uống rượu để khỏe giọng mà phiêu với ca trù? Con mèo. Mèo như con của người đàn bà hát ca trù trọn kiếp và biết cảm ơn chén rượu lúc đầy lúc vơi. Rượu làm tan sầu. Bạch Vân còn nhấp chén đắng vì ngậm ngùi và cả thăng hoa với ca trù.

TRẦN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    TT - B\u1ea1ch V\u00e2n run run v\u00e0nh m\u00f4i, nh\u1ea3 t\u1eebng ch\u1eef tr\u00ean nh\u1ecbp ph\u00e1ch v\u00e0 ti\u1ebfng \u0111\u00e0n \u0111\u00e1y c\u1ee7a ch\u1ed3ng c\u0169. \u00d0\u1ec3 tr\u1ecdn v\u1eb9n ph\u1eadn ca n\u01b0\u01a1ng, c\u00f4 \u0111\u00e3 "\u0111em t\u00ecnh c\u1ea7m s\u1eaft \u0111\u1ed5i ra c\u1ea7m k\u1ef3", l\u1ebb b\u00f3ng h\u00f4n nh\u00e2n c\u0169ng l\u00e0 \u0111\u1ec3 d\u00e0nh tr\u1ecdn t\u00e2m huy\u1ebft cho ca tr\u00f9." />