Dẫu “phượt” được “dịch” ra thì chỉ đơn giản là tự tổ chức du lịch bụi đến các địa điểm trên khắp đất nước...
![]() |
Thêm chữ “phượt” vào bản đồ du lịch
Với những teen chưa từng “phượt” sẽ thắc mắc: “Phượt để làm gì?”. Không nói gì cao sang, trước hết đó là cảm giác thoải mái khi thoát khỏi khỏi sự gò bó, bụi bặm, ô nhiễm của đô thị; được hít thở không khí trong lành, thoáng đãng; được quên đi sự bon chen, tính toán. Hơn nữa, đó còn là cảm giác đam mê đầy ngẫu hứng khi thực hiện những chuyến đi không định trước, như “tiếu ngạo giang hồ” vậy.
Từ “phượt” không hề có trong bất kỳ từ điển tiếng Việt nào, nhưng đã trở nên phổ biến đên mức tất cả các teen ham thích khám phá đều hiểu là “du lịch bụi”. Chữ “phượt” được “khai sinh” cách đây vài năm, trong tập truyện ngắn Me Tây của nhà văn Doãn Dũng - cũng là một “lão làng” trong giới “phượt”. Sau đó, từ “phượt” trở thành một từ lóng quen thuộc đến nỗi trong các quán cà phê, các giảng đường ĐH, trên đường phố... đều có thể dễ dàng nghe thấy teen trò chuyện với nhau: “Dạo này rỗi chứ, đi ‘phượt’ không?”. |
Hay như Anh Tuấn (SV ĐH Kiến trúc) thường vác balô đi “phượt” một mình, vừa để thư giãn, tìm cảm hứng cho việc học kiến trúc tại trường, vừa để phục vụ sở thích sưu tầm đồ cổ.
Một số teen khác yêu thích chụp ảnh lại tụ tập thành nhóm qua các forum trên mạng, cùng nhau “phượt” đến những địa điểm sơn thủy hữu tình để “săn” những pô ảnh đẹp, độc đáo nhất mà chắc chắn không thể tìm được ở chốn thành phố đông đúc, bụi bặm.
Không chỉ là du lịch đơn thuần, với “du lịch bụi” bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu văn hóa, thiên nhiên, con người ở mỗi vùng, mỗi miền trên khắp dải đất hình chữ S, hơn nữa là ở khắp các châu lục trên thế giới.
Mỗi kỷ niệm, kiến thức thu thập được trong quá trình đi “phượt” sẽ là những trải nghiệm thú vị với các teen năng động, ưa thích khám phá.
Đặt bản lĩnh lên bàn cân!
![]() |
Đi để thêm yêu những miền đất Tổ quốc... |
Đối với nhiều teen, ngoài việc mang lại sự tự do, thoải mái, đi “phượt” còn như một hình thức “cân đong đo đếm” ý chí cũng như rèn luyện bản lĩnh của mình. Tự đặt mình vào những hoàn cảnh khó khăn để thử thách bản thân, để rồi sau khi vượt qua sẽ là một cảm giác sung sướng, đầy tự hào.
Nguyễn Việt Anh (sinh năm 1989) đã từng thực hiện một chuyến đi từ Hà Nội vào TP.HCM bằng xe đạp trong gần một tháng. Việt Anh tâm sự: “Hồi ấy mình ôn thi vào ĐH nhưng đầu óc lại không tập trung, không có hứng học. Mình tình cờ đọc được bộ truyện tranh Honey and Clover kể về một thanh niên học tại một trường ĐH nghệ thuật của Tokyo. Gần đến ngày làm đồ án tốt nghiệp nhưng anh ta vẫn chưa có ý tưởng gì. Anh quyết định đạp xe từ Tokyo đến cực bắc của Nhật Bản tìm cảm hứng. Và khi quay về anh đã hoàn thành tác phẩm của mình, lấy tên là Tuổi trẻ. Mình lúc ấy cũng như người thanh niên kia, muốn thực hiện một chuyến đi xa để thử sức, thăm thú đất nước, đồng thời lấy lại hứng thú với học tập, tìm kiếm mục đích trong tương lai”.
Nghĩ là làm, Việt Anh đã một mình thực hiện kế hoạch bất chấp những nguy hiểm có thể gặp trên đường, nhất là với một phương tiện không mấy tiện nghi - xe đạp. Và Việt Anh đã vượt qua quãng đường hơn 1.700km, bắt đầu từ sáng sớm 8-3-2008 tại Hà Nội đến trưa 1-4-2008 có mặt tại TP.HCM. Trung bình một ngày Việt Anh đi khoảng 100km, với một balô nặng khoảng 30kg sau yên xe.
“Nếu bạn đã quyết định đi thì đừng nghĩ nhiều, đừng do dự. Cũng đừng quá tính toán, người này khuyên thế này người kia lại bảo thế kia rồi cãi nhau, hãy để dành sức cho chuyến đi. Bạn cũng nên xác định rõ mục đích, khi ấy sẽ có động lực vượt qua những khó khăn trên đường. Và quan trọng là đừng sợ gì cả” - Việt Anh chia sẻ những kinh nghiệm giản dị sau một chuyến đi dài.
Mặc dù rất nhiều teen “máu” đi “phượt” nhưng cũng không nhiều người chọn quãng đường dài và phương tiện là xe đạp cho chuyến đi, mà chủ yếu chọn những địa điểm quen thuộc hơn và phương tiện đều là xe máy. Các teen thường đi trong một ngày, sáng đi chiều về để không ảnh bị ảnh hưởng đến việc học ở trường. Trong các dịp hè, lễ tết được nghỉ, thời gian cho một chuyến đi “phượt” có thể tăng lên đến 2-3 ngày, thậm chí 1 tuần.
Mang về “sàng khôn” trên từng cây số
Anh Tuấn (SV ĐH Kiến trúc) trong một lần đi “phượt” ở Huế, đã được một cụ già Huế truyền cho niềm đam mê với đồ cổ, đồng thời tặng lại những kỷ vật trong bộ sưu tập của cụ. Từ đó những chuyến đi “phượt” của Tuấn luôn gắn liền với “săn” đồ cổ, và anh bạn đã gặp được không ít những người bạn cùng chí hướng, những người bạn vong niên.
Hay như nhóm bạn trong đội chụp ảnh của Đức Khánh, trong một lần đi dọc sông Đà đoạn qua Phú Thọ, đúng lúc hoàng hôn, cả đội cứ đi vài trăm mét lại dừng để chụp ảnh, “săn” được những khoảnh khắc đẹp nhất của một ngày, có những bức ảnh thật đẹp post lên blog chia sẻ cùng bạn bè. Đi “phượt” đồng nghĩa với thử thách, với khó khăn nhưng teen sẵn sàng đón nhận, thậm chí thích dấn thân, khám phá những điều mới. Vì thế đi “phượt” luôn gắn liền với những kỉ niệm đẹp nhưng cũng không ít những “cơn ác mộng”.
Mỗi chuyến đi xa teen cũng nên có sự tìm hiểu về lịch trình cũng như chuẩn bị hành trang cần thiết để tránh gặp phải những sự cố trên đường. Khánh Minh (SV ĐH Mỏ) trên đường đi Tây Bắc bị hết xăng giữa đường, khiến Minh phải dắt xe gần 7km giữa trời nắng như thiêu như đốt. Hay như Đức Khánh, trên đoạn đường đi Điện Biên, do trời mưa không nhìn rõ đường đã gặp phải một tai nạn ở “khúc cua tay áo”. May sao không có điều gì đáng tiếc xảy ra.
Cũng có những teen kết hợp đi “phượt” với các hoạt động tình nguyện. Trong đợt hè vừa rồi, nhóm bạn của Thùy Hương đã theo chương trình tình nguyện của trường lên Lào Cai - Sa Pa dạy chữ cho trẻ em dân tộc.
Với một tháng tình nguyện, các bạn không chỉ góp sức mình mang lại kiến thức cho những em bé vùng sâu vùng xa mà đã hòa mình thật sự vào cuộc sống nhà sàn, có rừng có suối. Cuộc sống tuy vất vả nhưng đã mang lại cho các bạn nhiều trải nghiệm và cảm xúc đặc biệt mà chắc chắn với những chuyến đi “phượt” ngắn ngày không thể có được.
Một số kinh nghiệm bỏ túi trước khi đi “phượt” - Để tham gia "phượt" tập thể, bạn nên sẵng sàng tâm lý, ý thức tập thể "mình vì mọi người". Chuẩn bị hành trang cần thiết của chuyến đi để hạn chế tối đa những rắc rối ảnh hưởng đến tập thể. - Đi "phượt" bạn phải độc lập xoay xở từ A - Z vì không người hướng dẫn, không ở khách sạn, vì vậy trong balô của bạn phải có đầy đủ: túi ngủ, thuốc, đèn pin, lương khô, bản đồ, vật dụng đa năng. Và nhớ đừng bao giờ quên mang theo giấy tờ tùy thân. - Đi "phượt" không cần mặc đẹp, tiêu chí hàng đầu là càng... lâu bẩn càng tốt. Nên chọn loại áo quần cơ động như áo thun, quần jean, giày thể thao. - Với phương tiện xe máy, trước khi lên đường, bạn nên bỏ chút ít thời gian để học sửa xe căn bản. Trong balô của bạn cũng đừng quên các dụng cụ sửa xe cần thiết mỏ lết, ốc vít. Đặt biệt, đừng từ chối nón bảo hiểm nếu như bạn không muốn chuyến đi hỏng giữa chừng. Còn trên lộ trình cần đến bằng tàu hỏa hay ôtô bạn cần tìm hiểu trước giờ xe chạy. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận