Phóng to |
Cuối cùng quan tuần phủ đành đích thân đến mời thầy đồ Hoàng Nghĩa ra làm quan. Như mọi lần trước, Hoàng Nghĩa lắc đầu, nói lại lý do từ chối và chỉ cho quan tuần phủ đám học trò mà thầy đang dạy dỗ. Quan tuần phủ nói:
- Ta chữ nghĩa không nhiều nhưng cũng biết được đạo học thì không phân biệt giầu nghèo, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt vùng này hay vùng kia... Chỉ cần hiếu học thì ai cũng có thể học được. Nay thầy chăm chăm ở ẩn một nơi, mang cái đạo học của mình truyền cho vài cậu học trò, trong khi có không biết bao nhiêu học trò khác trong phủ cũng đang háo hức chờ đợi một thầy đồ giỏi để truyền cho chúng cái đạo học. Những đứa trẻ ấy có khác gì những đứa trẻ này. Chúng đều là tương lai của Đại Việt ta cả. Đạo học của thầy không nên chỉ dành cho dân chúng Đông Thành, mà hãy nghĩ tới cả nước Đại Việt.
Thấy thầy đồ im lặng, quan tuần phủ nói tiếp:
- Hiện tại, dân chúng trong phủ Diễn Châu cũng hoang mang vì những chuyện kỳ dị lắm. Họ thuê thầy pháp, cúng bái khắp nơi khiến mùa màng bê trễ. Ta đã cho quân lính bắt lấy mấy tên thầy pháp nhốt lại nhưng dân chúng vẫn hoang mang lắm. Ta nghe danh thầy giúp dân đã lâu. Nếu thầy có thể giúp ta yên lòng dân thì quả là cái phúc của dân chúng.
Hoàng Nghĩa im lặng. Ông thấy quan tuần phủ nói đúng. Nhưng nếu ông vào phủ làm quan thì ai sẽ là người thay ông dạy lũ học trò này. Biết ý thầy đồ, quan tuần phủ nói tiếp:
- Nếu thầy còn ngần ngại vì thầy đi, không có ai tiếp tục dạy lũ học trò này, ta sẽ cho dựng thêm lớp học trong phủ. Khi đó trò nào muốn học ta sẽ cho ở lại phủ và chu cấp thêm cho.
Không thể từ chối được nữa, thầy Hoàng Nghĩa đành phải nhận lời vào phủ giữ chức Giáo thụ, trông coi việc học trong toàn phủ Diễn Châu.
Ban đầu, mẹ Bạch Liêu cũng không muốn cho con vào phủ học. Bà lo rằng con mình quen dân dã, không hợp với con cái của quan lại trong phủ, không thể học cùng nhau được. Người cha lắc đầu:
- Bà xem đấy, cả phủ Diễn Châu này có bao nhiêu thầy đồ thế mà quan tuần phủ phải năm lần, bảy lượt đến mời thầy Hoàng Nghĩa ra làm quan Giáo thụ. Thầy là người thông hiểu kinh thư, không học thầy thì còn học được ai. Hơn nữa trong phủ các quan có nhiều sách quý lắm. Bạch Liêu vào đó học biết đâu lại có nhiều cơ hội để mượn được những cuốn sách đó.
- Nhưng quan tuần phủ vừa cử một thầy đồ về Đông Thành dạy học đấy thôi.
Khi thầy Hoàng Nghĩa vào phủ, cha mẹ lũ học trò đều e ngại không muốn cho con mình vào phủ học với con cái các quan. Biết vậy, quan tuần phủ đành chọn một thầy đồ tốt rồi cử về Đông Thành thay thầy Hoàng Nghĩa tiếp tục dạy lũ học trò.
- Học trò trong phủ học giỏi hơn học trò Đông Thành nhiều. Con mình vào đó học, nhìn các bạn mà cố gắng chứ.
Biết tin cha mẹ Bạch Liêu còn do dự không cho cậu vào phủ học, thầy đồ Hoàng Nghĩa tìm đến:
- Nếu là học trò khác thì học ở đây với thầy đồ mới đến cũng được. Nhưng Bạch Liêu là một học trò thông minh đặc biệt, học một biết hai. Ta muốn Bạch Liêu ở gần để ta có điều kiện dạy cho. Hơn nữa, kho sách của quan phủ toàn là sách quý. Có những cuốn ta cũng chưa từng được đọc. Nếu muốn đỗ đạt thì Bạch Liêu phải đọc những cuốn sách đó.
Cuối cùng người mẹ cũng phải đồng ý. Nhưng bà ra điều kiện là Bạch Liêu chỉ vào đó học thôi, buổi tối phải quay về nhà chứ không được trọ lại.
Nhà cậu cách phủ khá xa, nên để đi học Bạch Liêu phải dậy từ rất sớm. Cậu phải đi qua hai cánh đồng rộng, và một mảnh rừng thưa thì mới tới nơi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận