11/06/2017 16:00 GMT+7

Đạo diễn Việt Tú: Để quay lại với ký ức mộng mị ngày xưa

CÁT KHUÊ thực hiện
CÁT KHUÊ thực hiện

TTO - Vở diễn thực cảnh ở Sài Sơn làm khán giả một lần nữa thán phục sự sáng tạo tiên phong của đạo diễn Việt Tú từ khởi đầu với Cơn ác mộng của người thợ may, rồi bất ngờ bằng Tứ Phủ và giờ là Thủa ấy xứ Đoài...

Đạo diễn Việt Tú (giữa) và các nghệ sĩ nông dân của Thủa ấy xứ Đoài - Ảnh: TAXĐ
Đạo diễn Việt Tú (giữa) và các nghệ sĩ nông dân của Thủa ấy xứ Đoài - Ảnh: TAXĐ

Tôi tin mọi việc trong cuộc sống đều có nhân duyên của nó, càng tin hơn ở thời điểm trong đêm diễn mở màn, từ phòng điều khiển, ngước mắt nhìn lên bầu trời, trăng tròn vằng vặc trên đỉnh núi Thầy mới nhớ hôm nay tròn đúng 12 lần trăng rằm, 2 mùa lúa chín vàng tôi ở đất Sài Sơn.

Kí ức của những ngày đầu tiên đặt chân đến nơi này, kỉ niệm với những người nông dân thuần thành mà chính họ trong suốt 12 lần trăng rằm đó đôi khi đã quên đi bản thân, gia đình mình để trở thành một phần không thể thiếu của câu chuyện cổ tích có tên Thủa ấy xứ Đoài

Đạo diễn Việt Tú

* Xây dựng show diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam lấy cảm hứng từ nghệ thuật múa rối nước có phải bởi duyên cớ vì anh là 'con nhà nòi'?

- Không có gì phải nghi ngờ về điều này, chính những năm tháng thơ ấu đi theo đoàn múa rối nước của mẹ thì cái hồn cốt dân tộc đã ngấm vào trong tiềm thức của tôi.

Vì vậy ngay từ những ngày đầu tiên đến gặp nhà đầu tư để trình bày ý tưởng tôi đã gần như có trong đầu toàn bộ khung sườn của vở diễn này.

Cũng ngay từ ban đầu ý tôi đã tìm được “chiếc chìa khoá” để giải bài toán khó đó chính là tráo đổi khái niệm, Rối - Người, Người - Rối, mượn hồn rối nước để kể câu chuyện về cuộc sống con người, mượn những người nông dân để kể lại câu chuyện lịch sử về vùng đất Tổ của nghề rối nước thông qua vở diễn thực cảnh lần đầu tiên tại Việt Nam.

* Và còn danh tăng Từ Đạo Hạnh, anh đã đưa vào vở diễn của mình những gì 'thu nhận' được từ tiểu sử cũng như triết lý của một trong bốn thánh thuộc Tứ Bất Tử của người Việt?

- Về tâm linh, tôi tin Đức Thánh Tổ luôn dõi theo chúng tôi, chính Ngài là một phần của những sáng tạo của vở diễn, bài kệ được ngân lên ở một thời khắc lắng đọng nhất trong vở diễn “giữ chặt thân tâm đừng vọng động, sự nghiệp danh thành bởi mình ôn” cũng chính xuất phát từ những lời chỉ dạy của Ngài về việc tu tập bản thân, giữ gìn đạo học từ ngàn năm về trước cho đến tận bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.

Bài kệ này nhờ cơ duyên mà tôi đã được Thượng toạ Minh Xuân chấp bút để trở thành một trong những phần quan trọng nhất của Thủa ấy xứ Đoài.

Ở buổi diễn đầu tiên, khi 140 người diễn viên là những người dân của vùng Sài Sơn cùng đồng lòng hướng tâm về núi Thầy vái tạ Đức Thánh Tổ tôi mới thấy được sự kỳ diệu của cơ duyên với vở diễn này.

Đạo diễn Việt Tú tại sân khấu Thủa ấy xứ Đoài khi mới san nền... - Ảnh: tư liệu
Đạo diễn Việt Tú tại sân khấu Thủa ấy xứ Đoài khi mới san nền... - Ảnh: tư liệu

* Là một trong những nghệ sĩ tiên phong trong việc đưa nghệ thuật đương đại vào trong các show diễn sân khấu giải trí, anh tin rằng, ngôn ngữ của nghệ thuật ấy trong Thuở ấy xứ Đoài được gọi tên bởi những yếu tố kỹ thuật điển hình nào? 

- Tôi gọi nó bằng cái tên “modern traditional”, đây là ngôn ngữ tôi đã thể nghiệm lần đầu tiên với chính vở diễn Tứ Phủ, đây sẽ là con đường của tôi trong toàn bộ hệ tác phẩm hướng đến đông đảo khán giả trong nước, quốc tế trong thời gian tới.

* Mất bao nhiêu lâu để có ý tưởng, mất bao nhiêu lâu để biến ý tưởng thành hiện thực, và anh tin rằng sẽ mất bao lâu nữa để vở diễn đặc biệt này sẽ trở thành một điểm đến văn hóa đáng kể của VN như cách mà Tứ Phủ của anh đã làm được? 

- Sự nghiên cứu của tôi với biểu diễn thực cảnh đã diễn ra cách đây nhiều năm trước, còn khởi sự với vở diễn này cách đây 2 năm, song song với thời gian ra mắt Tứ Phủ, từ ý tưởng đến hiện thực là một con đường một năm trời ròng rã.

Con đường ấy là một guồng sinh hoạt đảo lộn, khi mở mắt trời còn tờ mờ sáng tôi lên xe vào chùa Thầy khi trở về nhà trời đã xẩm tối, có những lúc không tin mình có thể hiện thực hoá được ý tưởng sử dụng người nông dân làm diễn viên vì quá tuyệt vọng ở thời điểm ban đầu.

Tôi tin vở diễn này sẽ trở thành điểm đến của văn hoá Việt Nam với khán giả trong nước và quốc tế với tốc độ sẽ còn nhanh hơn là vở diễn Tứ Phủ vì giờ đây tôi không phải bước đi một mình.

* Một lời khuyên, với khán giả, rằng nếu đến với Thủa ấy xứ Đoài, thì hãy 'dọn tâm thức' ra sao để không uổng phí 65 phút của vở diễn? 

- Vở diễn Thủa ấy xứ Đoài (ban đầu có tên là Ngày xưa) giống như một câu chuyện cổ tích nhẹ nhàng chúng ta vẫn thường được nghe ông bà, cha mẹ kể lại bên ánh đèn dầu leo lét trước khi bước vào giấc ngủ của những tháng năm xưa cũ.

Nên nó nhẹ nhàng, trìu mến và dễ hiểu (ngay cả với người nước ngoài) chứ không lên gân lên cốt với những triết lí sâu xa, từ một em bé 5 tuổi đến một cụ già 80 tuổi đều có thể xem vở diễn này.

Nếu bạn thực sự muốn có một  vé để quay lại tuổi thơ, quay lại với kí ức mộng mị của những tháng năm xưa cũ, muốn tìm hiểu về văn hoá Việt Nam, hãy đến với Thủa ấy xứ Đoài.

Phủ đương đại lên câu chuyện truyền thống

Một thử nghiệm mạo hiểm của Việt Tú trong vở diễn là dùng toàn bộ diễn viên là 140 người nông dân ở Sài Sơn. Anh kiên trì thuyết phục họ lên sân khấu lớn để kể lại câu chuyện văn hóa nghìn năm của xứ sở mình. 

 

Ngoài lời bài hát, lời chào của nhân vật Tễu, Thủa ấy xứ Đoài không có lời thoại. Cách dàn dựng vô ngôn ấy của Việt Tú sẽ chinh phục cả người xem ngoại quốc, khi họ không phải hiểu lời nói, mà chỉ cần xem diễn hát, múa, trò chơi dân gian, nghệ thuật rối nước… là có thể hiểu phần nào văn hóa làng quê Bắc Bộ xưa.

Với chừng ấy dụng công, Thủa ấy xứ Đoài không chỉ là một chương trình nghệ thuật. Nó cho thấy một cách làm mới nghệ thuật dân gian, và cho thấy người dân trong xã hội hiện đại có thể duy trì nghệ thuật ấy với một sự đầu tư, sáng tạo đúng hướng.

Việt Tú không chỉ là đạo diễn làm nên thành công của những chương trình âm nhạc, thời trang hiện đại, mà còn gây được tiếng vang khi dựng chương trình Tứ Phủ từ chất liệu dân gian. 

Luôn tâm niệm làm nghệ thuật là phải sáng tạo, nên mỗi lần dựng tác phẩm mới Việt Tú đều phải tư duy để làm những vở diễn độc đáo, khác biệt hoàn toàn. 

Đi nhiều, cái anh học được không phải là dựng sân khấu theo hình thức nào, chọn thể loại gì, mà nhận ra, làm nghệ thuật muốn thu hút khách, cần lấy cái độc đáo của bản địa, kể với ngôn ngữ, thẩm mỹ đương đại. 

Ý tưởng về sân khấu thực cảnh, lấy nghệ thuật rối nước làm mạch chính kết hợp với âm thanh, ánh sáng hiện đại ra đời. Thủa ấy xứ Đoài đã hoàn thành phần dàn dựng, chuẩn bị đưa vào biểu diễn phục vụ du lịch tại Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội.

Hiền Đỗ

Xem một số ảnh vở diễn Thủa ấy xứ Đoài - Ảnh: Huy Khâm

CÁT KHUÊ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên