03/10/2004 07:45 GMT+7

Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng: Kẻ đi tìm rủi ro

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTCN - Quốc Hưng bảo rằng muốn biết về đạo diễn chỉ cần xem phim của họ là đủ. Và đã lâu lắm khán giả của HTV mới được xem một bộ phim truyền hình nhiều tập đề tài lịch sử khá hấp dẫn như Ngọn nến hoàng cung.

Gj2QkI2R.jpgPhóng to
Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng (giữa) chỉ đạo các diễn viên khi quay Ngọn nến hoàng cung
TTCN - Quốc Hưng bảo rằng muốn biết về đạo diễn chỉ cần xem phim của họ là đủ. Và đã lâu lắm khán giả của HTV mới được xem một bộ phim truyền hình nhiều tập đề tài lịch sử khá hấp dẫn như Ngọn nến hoàng cung.

Rất nhiều tư liệu lịch sử mới mẻ trong phim cho thấy đạo diễn hiểu rộng mà sâu cảnh giao thời; trong khi cảnh cung đình, sinh hoạt của hoàng gia cuối cùng triều Nguyễn hiện lên đẹp và đáng tin cậy cho thấy đạo diễn rất cẩn trọng, cùng dàn diễn viên mới có, cũ có đều diễn tròn vai cho thấy đạo diễn cũng tròn nghề; cũng như những chi tiết nhấn nhá bên cạnh những cảnh hoành tráng được bỏ qua cho thấy đạo diễn là người tinh tế…

Sự tinh tế ấy đã được thể hiện ở bộ phim đầu tay Tôi vào đời. Chuyển thể từ một truyện ngắn của Tiến Đạt, phim chỉ có vài nhân vật, tình tiết lại đơn giản, khung cảnh chỉ là một khu xóm lao động, những cảnh giống nhau cứ diễn đi diễn lại khiến người xem không khỏi sốt ruột. Nhưng khát khao hạnh phúc của những con người cùng khổ ấy đã từ đó bật lên, mỗi lúc một mãnh liệt hơn. Bà cụ già không chồng con đã đi từ bệnh viện nhi tới trường mẫu giáo, từ chỗ nhìn ngắm, ẵm bồng các em bé đến chỗ thuê người vẽ hình con trai, quyết nhận anh lái xe ôm làm con nuôi. Chị bán chuột từ chỗ trắng tay vì ông chồng nát rượu, phải mang bầu thuê tới chỗ dũng cảm giữ lại đứa con cho mình. Cô gái điếm từ chỗ trơ tráo, mời gọi đến chỗ quyết liệt giữ lấy những tình cảm tốt đẹp. Những cảnh quay cận ảnh đã rất đủ để diễn tả những đoạn nhân vật chính ghi nhật ký, diễn giải về họ gần như là thừa.

Quốc Hưng bảo những cái tưởng như thừa ấy là nhu cầu nội tại của nhân vật, một cậu học sinh tỉnh lẻ trong những ngày đầu vào đời. Cậu ấy phải viết nhật ký, phải diễn giải, phải suy ngẫm rất nhiều về những điều còn quá mới mẻ với mình. Thế nên đạo diễn để cho anh lái xe ôm lẩn thẩn gửi xe theo bà cụ vào bệnh viện, cảnh anh học sinh ôn thi bên bàn học thì ít mà cảnh anh xe ôm ngồi thừ ra ở nhà các “mối quen” thì nhiều. Tất cả là để phục vụ cho chủ đề mà đạo diễn đã chọn: tôi vào đời.

Nhân vật có trước, diễn viên tìm sau

D3HqYLn3.jpgPhóng to
Huỳnh Anh Tuấn và Trương Ngọc Ánh trong Ngọn nến hoàng cung
Bộ phim đầu tay ấy Quốc Hưng thực hiện sau khi tốt nghiệp cao học khoa đạo diễn ở Ân Độ. Phim không xuất sắc, không gây tiếng vang nhưng tạo đủ tin tưởng để anh được giao kịch bản Ngọn nến hoàng cung sau đó. “Tất cả phải được bật lên từ nhu cầu nội tại của chính nhân vật”, Quốc Hưng vẫn trung thành với phương châm nghề nghiệp của mình và để nắm được cái nhu cầu nội tại ấy anh đã bỏ ra hẳn một năm vùi mình vào nghiên cứu.

Không chỉ nghiên cứu kịch bản, khung cảnh thực tế mà tất tật những tư liệu có được về giai đoạn lịch sử 1940-1954, hồi ký của Bảo Đại, cả những cuốn sách về chân dung, tính cách người Việt, cả những cuốn sách về kinh thành Huế, đô thị cổ VN, cả những giai thoại truyền khẩu. Bây giờ thì anh có thể tường thuật rành rọt từng sự kiện, phân tích từng diễn biến chính trị, kể vanh vách từng giai thoại…

Chính từ sự am hiểu đó mà các nhân vật đã hiện lên đầy đủ hình hài, dáng điệu trong đầu đạo diễn. Hưng bảo anh rất không thích kiểu viết kịch bản “đo ni đóng giày” cho một diễn viên đã sẵn sở trường. Với Hưng, nhân vật với đầy đủ vóc dáng, thân phận được ưu tiên xuất hiện trước, sau đó anh mới đi tìm một diễn viên nào đó trùng khít với nó. Vậy nên trong phim của Hưng rất nhiều gương mặt chưa lần nào xuất hiện trên màn ảnh. Và anh đã làm nhiều việc ngộ nghĩnh.

Yến Chi đang là giảng viên trường sân khấu điện ảnh thì anh mời sắm vai cô Thùy buôn chuột trong Tôi vào đời. Rồi anh lại mời chị buôn chuột ấy hóa thân thành hoàng hậu Nam Phương trong Ngọn nến hoàng cung. Một ở những bậc cuối cùng lam lũ, một ở đỉnh cao quyền lực sang cả, và chẳng có điểm chung nào với kinh nghiệm của Yến Chi. Nhưng xem phim rồi thì thấy những điểm rất chung giữa hai nhân vật: sự chịu đựng bền bỉ và rắn rỏi, sự thông minh và cương quyết đủ để chị bán chuột sáng lên giữa những mảng tối của số phận đan xen dồn dập, để hoàng hậu Nam Phương trở nên lấp lánh giữa cảnh vương triều sụp đổ.

Hưng bảo việc hình dung trước nhân vật khiến anh không thể tìm được nhiều người có vẻ giống với tưởng tượng của mình. Rất ít trường hợp thử vai lựa chọn mà ngược lại, đã “chấm” ai là anh “mời lăn mời lóc” cho bằng được. Hưng cười: “Mời những người chưa hề có kinh nghiệm với màn ảnh là cả một sự mạo hiểm. Rủi ro là rất lớn, nhưng nếu thành công thì… sẽ rất thú”. Nhân vật bà Từ Cung qua thể hiện của nghệ sĩ Hồng Vân là một ví dụ tuyệt vời cho quan điểm này. Trong tưởng tượng của Quốc Hưng, bà Từ Cung có dáng vẻ, điệu bộ… y hệt Hồng Vân và anh đã đoan chắc nếu chị nhận lời thì không thể thất bại. Nhưng thuyết phục được Hồng Vân là cả một vấn đề. Danh tiếng chị đã có đủ, những động lực để có thể chấp nhận rủi ro đã không còn. “Thế thì vì sao tôi lại phải nhận lời?” - Hồng Vân hỏi, và Quốc Hưng trả lời: “Nhưng tại sao lại không?”. Và vậy là sau bộ phim này, trong tâm thức những khán giả của Ngọn nến hoàng cung, bà Từ Cung đã có dáng vẻ của Hồng Vân. Bực bội về sự khắc nghiệt của bà Từ Cung những tập đầu bao nhiêu, ở những tập cuối dáng ngồi thiểu não khi bà tháo vòng xuyến cho gia nhân mang bán ở chợ Đông Ba, vẻ mặt xệ xuống vì lo lắng sợ hãi cho số phận Bảo Đại, giọng nói nghẹn ngào khi nhắc đến hoàng hậu Nam Phương “một nách năm con nơi đất khách, phải viết thư về xin gạo tẻ, nước mắm, đũa tre” lại càng dễ khiến người ta xúc động. “Nếu làm lại từ đầu, tôi cũng không có lựa chọn nào tốt hơn chị Hồng Vân” - Quốc Hưng khẳng định như thế.

9Ys7k3UY.jpgPhóng to
Cảnh quay một cuộc đi săn của Bảo Đại
Nhân vật thái giám Bùi Quí là một thành công khác. Phim cổ trang Trung Quốc, VN, cải lương, tuồng cổ, kịch nói trước nay luôn vẽ lên hình mẫu một thái giám to béo, thơn thớt nói cười, lòng dạ hiểm độc. Quốc Hưng đã đến chùa Từ Hiếu, đến nghĩa trang dành cho thái giám ở Huế, tìm các hình vẽ, tư liệu trong sách xưa, hỏi chuyện những người thuộc dòng dõi hoàng tộc để tìm một hình ảnh khác. Thái giám Bùi Quí trong Ngọn nến hoàng cung hiện lên như một người bình thường mà không bình thường vì khao khát hạnh phúc thì có mà khả năng chiếm hữu hạnh phúc thì mất. Thân thể gầy mòn vì thế, ánh mắt đau đáu xót xa vì thế, tóc rụng, gương mặt méo mó cả khi đang rạng rỡ vui đùa cùng con trẻ cũng vì thế.

Xem phim lịch sử, nhất là một giai đoạn lịch sử nhiều biến động, người xem thường trông đợi những cảnh hoành tráng thể hiện lại những sự kiện. Về nhân vật Bảo Đại, ai cũng còn nhớ buổi lễ thoái vị và chờ đợi xem Ngọn nến hoàng cung tái hiện như thế nào. Và đạo diễn đã lách qua cái công việc tổ chức chắc chắn là sẽ rất nhiêu khê ấy thật khéo léo bằng cách chỉ xoáy sâu vào việc bàn cãi trong lựa chọn quần áo cho vua trong lễ thoái vị. Anh giải thích: “Kinh nghiệm của các đồng nghiệp đã cho thấy thực hiện các cảnh ấy rất tốn kém và thường thì kết quả… không như mong muốn. Tôi chủ trương không chọn những cảnh hoành tráng vì đó chỉ là những biểu hiện bên ngoài, nhất là với người xưa. Nội tâm từng nhân vật chỉ thể hiện ở bên trong hậu cung”. Xem những tập cuối, các chi tiết như viên đổng lý văn phòng quốc trưởng bàn cãi với tùy viên ngoại giao về việc đổi hướng cột cờ, sắp xếp chỗ ở cho các bà phi của Bảo Đại, chi tiết bà Từ Cung đay nghiến về việc xây dựng biệt điện hồ Lak và dựng lại Hưng miếu, những cuộc tranh luận sôi nổi về tiền bạc trong nội các của quốc trưởng được lặp đi lặp lại càng làm nổi rõ tính chất sân khấu không thể cứu vãn của chính quyền chỉ có vỏ bọc.

Và những pha ấn tượng cũng không thiếu. Cảnh thủ hiến Phan Bảo rút súng chĩa thẳng vào vợ mình trong cảnh đối đầu với cha vợ khiến người xem rùng mình. Cảnh Duy Thanh bị ám sát hụt trong rừng nhanh, gọn và bất ngờ như trong phim hành động. Cảnh hoàng hậu Nam Phương sẩy thai một mình trong phòng không một tiếng kêu khiến người ta thêm thương cho một thân phận tài sắc phải trở thành nạn nhân của lịch sử. Cảnh các thủ lĩnh giáo phái cãi nhau chí chóe như chợ vỡ giữa buổi họp liên quân trước mặt Bảo Đại ôm đầu bất lực có vẻ kịch nhưng lại lột tả rõ bản chất lục lâm thảo khấu của các tướng lĩnh bấy giờ và là dấu chấm hết không cần tuyên bố cho những nỗ lực củng cố chính quyền của Bảo Đại.

Lịch sử trong cách nhìn của người trẻ

Quốc Hưng kể anh có một niềm say mê là đọc sách, và có một thư viện nhỏ đã được tích góp từ rất lâu. Hưng có nhiều phẩm chất của một nhà nghiên cứu: đã tìm hiểu vấn đề gì thì tìm hiểu thật sâu. Đó là nguyên nhân chính khiến anh được lựa chọn để giao một kịch bản cần đến nhiều kiến thức lịch sử như Ngọn nến hoàng cung mà nhiều bạn bè đã bảo “thằng này uống mật gấu” khi anh nhận. “Cả êkip thực hiện của chúng tôi toàn những người ở độ tuổi chẳng hề có kinh nghiệm lịch sử. Nhưng chính điểm yếu ấy lại được chuyển thành điểm mạnh. Không có kinh nghiệm để dựa vào, chúng tôi đã thực hiện tất cả mọi việc với sự cẩn trọng đến chi li, không dám làm ẩu một chi tiết nào”.

Bộ phim lịch sử đã được thực hiện trên nền của những khối tư liệu đồ sộ như thế, nhiều thông tin về thời cuộc, nhiều câu chuyện thâm cung bí sử đã được đưa đến cho khán giả nhưng Quốc Hưng vẫn khẳng định anh không có ý định thuyết phục khán giả rằng lịch sử đã diễn ra như thế: “Tôi hi vọng đã lột tả được bản chất của lịch sử. Những chi tiết trong phim là lịch sử trong mắt nhìn của chúng tôi”.

Chính sự am tường có được qua nghiên cứu đã khiến Quốc Hưng quả quyết xoáy sâu vào những chi tiết thật nhỏ nhặt trong kịch bản để đem lại cho khán giả một cái nhìn công bằng hơn với Bảo Đại. Bảo Đại trong các tập cuối tuy vẫn không rời hình bóng các người đẹp nhưng đã không còn vẻ hào hoa, lãng tử, sống trên nhung lụa. Bảo Đại đã biết từ chối đi đón tướng Pháp ở Hà Nội, nhất định không chịu mặc quân phục do tướng Pháp gửi tới, nhất định khẳng định “người Pháp sang đây là vì quyền lợi của nước Pháp, không phải vì VN” kể cả trong hàng chữ khắc trên bia mộ sĩ quan Pháp.

“Tôi đã đọc rất nhiều tư liệu, và tôi tin chắc vào hình ảnh Bảo Đại trong phim của mình”. Cảnh cuối cùng của phim có thể sẽ ghi lại lâu trong trí nhớ của khán giả vì sự sắp xếp rất thực của đạo diễn. Đầu tiên là lá thư có thật của hoàng hậu Nam Phương: “Có những người gặp một lần mà có thể làm thay đổi cả cuộc đời mình. Năm 1945 ngài đã gặp một người như vậy: Hồ Chí Minh”. Bảo Đại ngậm ngùi đọc thư, sau lưng vẫn thấp thoáng bóng một người đẹp đang say ngủ…

Bốn năm ròng rã để thực hiện bộ phim này, Quốc Hưng đã bước từ tuổi “tam thập nhi lập” tới “tứ thập nhi bất hoặc”. Chẳng còn gì để nghi ngại về con đường “nhiều rủi ro” mà mình đã chọn nữa. Anh vẫn ngày ngày nghiên cứu sách báo để tìm hiểu về một đề tài mới, chuẩn bị một bộ phim mới, với những nhân vật “mới toanh về gương mặt hoặc cách thể hiện nhân vật”.

Giống như cảnh mở đầu của Ngọn nến hoàng cung: một cậu bé thả cánh hoa đăng của mình hòa vào những hoa đăng khác…

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên