![]() |
Đạo diễn Lê Qúy Dương |
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, với kịch bản Chợ đời đoạt Huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu toàn quốc 1990, anh trở thành tác giả trẻ nhất được kết nạp vào Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Năm 1991, thêm một giải thưởng văn học: giải Nhì cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh do Báo Tiền Phong tổ chức.
Dường như sức trẻ cuồn cuộn cùng những khát vọng mãnh liệt luôn làm Dương thấy quanh mình chật chội. Có lẽ bởi thế mà khi ra trường, sau ba năm làm việc ở Cục Nghệ thuật - Biểu diễn với những chuyến viễn du khắp mọi miền đất nước cùng những kịch bản, bài viết phê bình sân khấu đầy nhiệt huyết, anh quyết định bán căn nhà ở phố Thợ Nhuộm sang Australia du học.
14 năm sống nơi xứ người, Dương phải làm đủ mọi nghề để có tiền sống và học. Từ rửa bát, hái nho, làm thợ khâu giày... đến phụ việc cho nhà hát. Tốt nghiệp cao học tại NIDA - Học viện Quốc gia kịch nghệ Australia, anh tiếp tục đến Hollywood (Mỹ) học đạo diễn điện ảnh tại L.A Film School. Lao động, học tập và sáng tạo không ngừng. Ðó là con đường để đi đến thành công.
Ở nước ngoài, Lê Quý Dương từng đoạt nhiều giải thưởng lớn. Trong nước, anh tham gia dựng các vở Bông cúc xanh trên đầm lầy, Chợ đời, Ngôi nhà đông người, Giấc mộng đêm hè...; từng đoạt giải thưởng liên hoan sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh với kịch bản Mỗi người (đạo diễn Hồng Vân), giải Vở diễn có sáng tạo đặc biệt mới lạ với vở Huyền thoại cuộc sống do anh viết kịch bản và đạo diễn...
Năm 2004 Lê Quý Dương về nước. Hàng loạt chương trình anh trực tiếp làm kịch bản, đạo diễn mang ý nghĩa xã hội, đậm nét văn hóa, nghệ thuật truyền thống lẫn phong cách mới mẻ, hiện đại gây tiếng vang trong công chúng, như các chương trình: Ngọn lửa tuổi trẻ tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Ðặng Thùy Trâm, Lễ hội bánh tét (Tết Bính Tuất, TP Hồ Chí Minh), Ðêm hoàng cung Festival Huế 2006, Festival Nha Trang - Ðiểm hẹn 2007, Festival Quảng Nam - Hội ngộ di sản văn hóa Ðông Dương...
Dương quan niệm, sân khấu kịch là nơi anh có cơ hội bộc lộ được nhiều cái tôi của mình, còn với sân khấu rộng của những chương trình dành cho công chúng, cần phải để cái riêng hướng tới cái chung. Nghệ thuật là kết hợp được cả cái đẹp và cái không bình thường. Ðó là điều anh luôn cố gắng hướng đến trong những sáng tạo của mình.
Nhiều diễn viên trẻ từng được anh đào tạo đã ít nhiều thành danh như Thúy Nga, Minh Béo, Cát Tường, Hạnh Thúy, Hữu Tiến, Tấn Hưng, Thanh Thảo... "Những năm tháng ở lứa tuổi 20-30 đã phải quá vất vả kiếm sống và học tập, đó chính là động lực để giờ đây tôi muốn cố gắng thật nhiều giúp các bạn trẻ có điều kiện trau dồi nghề nghiệp". Dương tâm sự mộc mạc.
"Cắm chốt" ở TP Hồ Chí Minh, công việc vẫn luôn đưa anh rong ruổi khắp mọi miền đất nước. Nay ở Nha Trang, mai đã thấy Hội An, Ðà Nẵng... "Cuộc đời là một chuyến đi/ Ði rồi sẽ đến lo gì người ơi", Dương vui vẻ gieo lục bát giữa cái nóng hun người đất Quảng bằng chất giọng Hà Nội chuẩn thật vang và ấm, khi anh đang làm đạo diễn chương trình khai mạc Festival Quảng Nam - Hội ngộ di sản văn hóa Ðông Dương.
To cao, duyên dáng với nụ cười tươi và đôi mắt to khi lặng im thoáng nét ưu tư, anh luôn nổi bật giữa các đồng nghiệp bởi phong cách một "tổng đạo diễn" nói và làm ào ạt. Nhưng lại có gì thật bé nhỏ, ngộc nghệch khi khoác vai mẹ trong buổi chiều chia tay, bà vào Sài Gòn, anh quay ra Hà Nội tiếp tục chuẩn bị cho chương trình đem rối nước đi Tây Ban Nha biểu diễn với nghệ sĩ Chu Lượng. Vẫn "độc hành" ở tuổi 39, vì bận rộn, vì những đam mê nghệ thuật và dự định đầy ắp luôn luôn cuốn anh đi.
Sẽ chẳng ai nghĩ, người đạo diễn của những ồn ào tất bật ấy vẫn lặng lẽ dành một góc cho văn chương. Kể từ ngày đoạt giải Tác phẩm tuổi xanh đến nay đã ngót 20 năm, anh không ngừng thầm lặng viết, dẫu chỉ cho riêng mình. Khoảng 100 bài thơ bằng tiếng Anh và tiếng Việt, 10 truyện ngắn chưa từng công bố. Anh thường nói với bạn bè: "Ðó chính là những giây phút Hà Nội của tôi"...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận