08/06/2008 01:23 GMT+7

Đạo diễn Đào Anh Dũng: Chuyện đời không nói hết được...

 MAI VI
 MAI VI

TT - Biết nhau từ lâu, nay Đi tìm dấu tích ba vua là cái cớ để chúng tôi có dịp ngồi lại với Đào Anh Dũng, nghe anh tâm tình chuyện đời, chuyện nghề bằng sự tự tin nhưng lại rất khiêm cung và chân thành hiếm khi gặp hiện nay.

Plkoj8oA.jpgPhóng to

Chân dung Đào Anh Dũng

TT - Biết nhau từ lâu, nay Đi tìm dấu tích ba vua là cái cớ để chúng tôi có dịp ngồi lại với Đào Anh Dũng, nghe anh tâm tình chuyện đời, chuyện nghề bằng sự tự tin nhưng lại rất khiêm cung và chân thành hiếm khi gặp hiện nay.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Dù ở đâu, Tổ quốc cũng trong lòng

Cùng với biên kịch Nguyễn Hồ, người dẫn chương trình kiêm nhà thơ Nguyễn Duy, Đào Anh Dũng đang rong ruổi trên đường thiên lý tận nước Pháp xa xôi để... đi tìm dấu tích ba vua triều Nguyễn. Bộ phim tài liệu mà anh nói rằng "đó là sự tiếp nối và phát triển của dòng phim tài liệu mà tôi quyết tâm theo đuổi: dòng phim về cộng đồng người Việt ở hải ngoại".

Anh chia sẻ: "Tôi luôn có niềm tin chắc chắn rằng dù đi đến đâu, người Việt cũng mang trong mình tự tình dân tộc. Và tôi làm phim là để thể hiện những cung bậc cảm xúc tự tình dân tộc đó”. Đi tìm dấu tích ba vua tinh tế với một trong những hình ảnh đầu tiên là dòng sông Hương da diết trong điệu hò mái nhì với con thuyền nhỏ lững lờ trôi, gợi nhớ câu thơ rất nổi tiếng của Ưng Bình Thúc Giạ Thị: Chiều chiều trước bến Văn Lâu/Ai ngồi ai câu/Ai sầu ai thảm...

Đào Anh Dũng nói: "Tôi tin với nhân dân, hình ảnh ba vị vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân có một chỗ đứng đặc biệt. Tôi không chỉ muốn phim mình trở lại với những sự thật lịch sử mà còn trở về với tâm thức của dân tộc ngay trong thời hiện đại. Câu chuyện về ba vị vua ấy tuy xưa nhưng không hề cũ. Bởi lẽ, tình yêu nước trong thời bình tuy âm ỉ nhưng luôn sục sôi trong trái tim của mỗi con người".

Dáng tầm thước, mặt vuông chữ điền, mắt sáng và ánh nhìn toát lên nét chân thực, sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực và giàu sức biểu cảm, tác phong gần với một giáo viên hơn là đạo diễn... Đào Anh Dũng tạo cho người đối diện cảm giác thiện cảm và tin tưởng. Rất dễ chia sẻ được tâm niệm kết nối những tâm tình Việt Nam của Đào Anh Dũng, bởi lẽ anh đã thấy được một tình cảm đáng quí của những người Việt Nam qua mọi thế hệ, nói theo kiểu Nguyễn Duy thì "dù ở đâu Tổ quốc vẫn trong lòng".

Cảm ơn tuổi thơ và bố

Quãng đời tuổi thơ luôn phải cùng gia đình rời Hà Nội đi sơ tán vô hình trung giúp Đào Anh Dũng có những ký ức hết sức đẹp đẽ dễ thương với nông thôn ngoại thành Hà Nội và những vùng giáp ranh thủ đô. Tuy sinh ra tại Hà thành nhưng cậu nhỏ Đào Anh Dũng cũng được chăn trâu, thả diều như chúng bạn ở nông thôn. Anh nói: "Tôi rất yêu đời sống yên ả, ngọt lành của nông thôn. Ngay cả Hà Nội lúc ấy, giữa những khoảng yên lặng của cuộc chiến, vẫn như một nông thôn dịu dàng. Đó là một Hà Nội hiền lành, nghèo khó trong chiến tranh nhưng đầy cưu mang, thương mến".

Chịu ảnh hưởng nhiều từ bố - nhà ngôn ngữ học Đào Anh Kha, ngay từ bé Đào Anh Dũng đã được trang bị một lượng ngôn ngữ đáng kể: "Tôi nhớ mãi ngày bé thơ, khi đi đâu ông cụ cũng dắt tôi theo, vừa đi vừa đọc thơ, thi thoảng ông dừng lại giả vờ hỏi tôi điền từ gì vào chỗ trống trong câu thơ. Tôi hồn nhiên trả lời mà không biết cụ đang dạy mình". Thói quen dùng từ chính xác, có giá trị biểu cảm được bố rèn luyện từ bé đã giúp Đào Anh Dũng trở thành một ông giáo tốt (anh từng dạy lịch sử ở Trường Sĩ quan lục quân 2 của Bộ Quốc phòng) và một đạo diễn có khả năng viết và đọc lời bình cho phim tài liệu giỏi.

Qua tuổi "tứ thập nhi bất hoặc" bảy năm, Đào Anh Dũng đủ trải nghiệm với những nỗi niềm ưu tư cuộc sống. Và anh đem những ưu tư đó vào những tác phẩm phim tài liệu.

Đừng ai hô xung phong giữa thời bình

Đào Anh Dũng kể say mê về Người hô xung phong giữa thời bình (phát sóng trên Đài truyền hình TP.HCM năm 2004) với niềm xúc động vẫn còn vẹn nguyên như hôm nào. Bắt đầu từ bài báo của Nguyễn Minh Sơn, Người hô xung phong giữa thời bình đã lớn hơn phạm vi câu chuyện về một anh bệnh binh bị di chứng của chiến tranh.

Cũng không chỉ là nỗi xót xa khi mỗi đêm người lính - con hô xung phong và "bắn vào địch núp trong bờ bụi" đâu đó thì mẹ già là người đồng đội duy nhất lẽo đẽo theo sau, đợi con xung phong xong, giết giặc rồi mới đưa con về ngủ. Người mẹ ấy có chồng là liệt sĩ, bản thân bà cũng bị tàn tật vì địch tra tấn. Với Người hô xung phong giữa thời bình, hậu quả chiến tranh không phải chỉ ở những số liệu thống kê khô cứng, mà ở những con người cụ thể tội nghiệp, đáng kính trọng như mẹ anh Toàn và cả bản thân anh Toàn.

Nghiêng mình xuống những thân phận đã giúp Đào Anh Dũng để lại những dấu ấn đáng kể trong lòng khán giả yêu phim tài liệu. Ký sự Tân Đảo về cuộc sống hiện tại, lịch sử của người Việt ở Vanuatu và New Caledonia đã kết nối được tấm lòng của những người Việt xa xứ với đồng bào trong nước.

Những chuyện đời không nói hết được…nên Đào Anh Dũng lưu lại nó, kể về nó bằng những thước phim tài liệu của mình. Và khán giả đang đợi xem Đi tìm dấu tích ba vua có chinh phục được họ và thể hiện những suy tư của họ về ba vị vua đáng kính hay không.

 MAI VI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên