Phóng to |
Đúng như tên gọi của nó, Chinese garden mang phong cách đặc trưng mà ta vẫn thường thấy ở các khu vườn Trung Hoa.
Từ ga tàu điện Chinese garden có một con đường nhỏ băng qua thềm cỏ trải rộng dẫn tới công viên này. Ngày hôm trước, trên chặng đường từ sân bay Changi về khu ký túc của Đại học Nanyang, nhiều người đã không ngớt trầm trồ về một Singapore xanh và sạch đẹp, nhưng khi đến cổng Chinese garden ai cũng khẽ reo lên thích thú
Một không gian xanh mướt, yên tĩnh và lích tích tiếng chim cùng các công trình kiến trúc vừa nguy nga vừa tinh tế thấp thoáng xa xa. Chiếc cầu mang tên Double Beauty sơn màu đỏ nổi bật bắc ngang dòng chảy mềm mại uốn lượn của một góc hồ đưa du khách đặt chân vào khu vườn Trung Hoa thanh bình, thấm nhuần hơi thở một trong những nền văn hóa lớn của nhân loại.
Phóng to |
Cổng vào phía đông của Chinese garden. Tại đây có thể nhìn thấy ngay tòa tháp bảy tầng - Ảnh: Huy Thông |
Ngay gần cổng vào là một tòa tháp bảy tầng (Nhập Vân tháp) được xây dựng trên một ngọn đồi nhỏ. Tòa tháp được thiết kế dựa trên phong cách của một ngôi chùa tháp ở Nam Kinh (Trung Quốc). Thời xưa, mỗi ngôi chùa vốn là một tòa tháp đặt cạnh chùa được sử dụng để lưu giữ xương của các tín đồ Phật giáo. Theo thời gian, với sự tiến bộ của kiến trúc và xây dựng, kiến trúc chùa ngày càng được phát triển mang vẻ đẹp ấn tượng hơn.
Chinese Garden xây dựng vào năm 1975, được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Đài Loan - giáo sư Yuen Chen Yu. Phần lớn các khu vực của Chinese garden thể hiện lối kiến trúc theo kiểu miền bắc Trung Quốc và theo phong cách các khu vườn hoàng gia. Lối kiến trúc này kết hợp hài hòa giữa màu sắc tươi sáng của công trình với khung cảnh xung quanh. Những cây cầu màu đỏ hay màu đá trắng đục, tháp, đền… gợi cảm giác uy nghi, tráng lệ, nổi bật song không hề tương phản, đối chọi với màu xanh hiền hòa của cây cối, hồ nước. |
Leo lên đỉnh Nhập Vân tháp, có thể thu vào tầm mắt mình toàn bộ khung cảnh của Chinese garden cả Japanese garden ở cạnh đó. Nếu như Chinese garden thiên về khuấy động thị giác bên ngoài thì Japanese garden lại thiên về đánh thức cảm giác bên trong - đúng như nét đặc trưng riêng trong phong cách hoa viên của hai đất nước.
Có ai đó nói rằng Singapore là đất nước của những tương phản song tôi nghĩ Singapore là đất nước của những nét hài hòa. Ấy là nét hài hòa giữa những tòa nhà cao tầng san sát - biểu trưng cho sự “bêtông hóa” với rất nhiều không gian cây xanh - biểu trưng cho sự nguyên sơ.
Ngay gần tòa tháp bảy tầng, bên con đường nhỏ dẫn tới các khu khác của Chinese garden là một số bức tượng về những vị anh hùng xưa kia của đất nước Trung Hoa như Hoa Mộc Lan, Quan Vũ… Vốn nằm trên một hòn đảo trên hồ Jurong, Chinese garden trở nên thơ mộng hơn nhờ những cây cầu nối giữa nhiều địa điểm.
Những cây cầu đóng vai trò quan trọng trong nghệ thuật hoa viên Trung Quốc. Nó biểu thị những nét đặc trưng qua nhiều giai đoạn khác nhau ở các nền văn minh. White rainbow - chiếc cầu mô phỏng theo cây cầu tại cung điện Mùa hè ở Bắc Kinh - dẫn chúng tôi vào khu Garden Courtyard.
Phóng to |
Stone boat - một kiểu kiến trúc truyền thống tiêu biểu của Trung Quốc - Ảnh: Huy Thông |
Thích nhất là được đứng trên “Cầu vồng trắng”, chiêm ngưỡng ngôi chùa Twins nằm ngay sát bờ hồ, phản chiếu bóng trên mặt nước trong xanh. Ao cá vàng ngay phía sau cổng vào khu Garden Courtyard được gọi là “Fishes’ paradise”. Ngoài ra, nếu muốn thăm bảo tàng rùa sống ở đây bạn có thể liên hệ mua vé ngay tại quầy gần ao cá vàng.
Garden Courtyard là tòa nhà mang phong cách kiến trúc tiêu biểu Trung Quốc. Hình dáng gợi nhớ đến hình ảnh những tòa nhà thường xuất hiện trong các bộ phim cổ trang Trung Hoa hoành tráng. Ngay gần Garden Courtyard là Stone boat (thuyền đá) và Tea house (trà thất).
Tea house là một tòa nhà nhỏ duyên dáng và yêu kiều, nổi bật với các cột sơn đỏ như hình ảnh thu nhỏ của một công trình kiến trúc ở cung điện Mùa hè (Bắc Kinh). Chúng tôi đã có một khoảng thời gian dừng chân khá lâu ở Tea house. Tại đây có đặt máy bán hàng tự động, mua một vài lon nước lạnh, chúng tôi khoan khoái ngắm từng đàn cá hay những chú rùa nhỏ bơi lội dưới nước.
Chếch phía bên kia bờ, Stone boat - vốn là một kiến trúc truyền thống lừng danh của Trung Hoa được xây dựng theo phong cách Bắc Kinh nằm uy nghiêm trên mặt hồ nước lấp lánh nắng.
Phóng to |
Phóng to |
Một trong số 12 bức điêu khắc các con giáp ở khu Garden of Abundance - Ảnh: Huy Thông |
Khuôn viên rộng lớn của Chinese Garden cũng khiến chúng tôi hơi mệt sau một hồi dạo chơi. Nhưng chính vì vậy giây phút nghỉ ngơi trên những chiếc ghế đá bên hồ hay những chiếc ghế đá dọc lối đi trở nên thi vị hơn. Trong chuyến đi Singapore, tôi nhiều lần bắt gặp những đôi chim đi cùng nhau - có lẽ chúng là một cặp vợ chồng hoặc có thể là một cặp tình nhân.
Ngồi dưới gốc cây tán tỏa rợp trong Chinese Garden, yên lặng và “bí mật theo dõi” đôi chim bắt sâu trên bãi cỏ thật sự là trải nghiệm thú vị.
Những ngôi chùa, tòa tháp, sảnh đường… thể hiện tâm hồn của nghệ thuật hoa viên Trung Hoa. Cách sắp xếp kiến trúc dựa trên nguyên tắc quan trọng là vị trí của mỗi công trình kiến trúc phù hợp với kích cỡ và chiều cao của nó đã tạo cho Chinese garden một vẻ đẹp cân đối, hài hòa. Ngoài ra, các tòa nhà cũng được kết nối cây cối, đá sỏi, dòng nước uốn lượn, đường đi dạo… thành một “dòng chảy” vô hình tinh tế và tự nhiên.
Thời điểm thích hợp nhất để dạo chơi Chinese garden có lẽ là vào buổi sáng trong làn nắng dịu nhẹ, đủ khiến quang cảnh bừng lên rạng rỡ mà không chói chang. Và nếu có một dịp đến thăm Chinese garden, bên cạnh các khu nói trên, bạn đừng quên ghé qua vườn bonsai hay Garden of Abundance - nơi có trồng một cây lựu 100 năm tuổi từ Trung Quốc cùng nhiều loại hoa đua nở và tượng điêu khắc của 12 con giáp nhé! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận