15/08/2010 05:05 GMT+7

Dành cho những người thích "chế biến"

NHÓM PV GIÁO DỤC
NHÓM PV GIÁO DỤC

AT - Nhiều bạn trong suốt quá trình học phổ thông luôn khát khao, mong muốn làm ra một sản phẩm nào đó từ những nguyên vật liệu hằng ngày. Trong trường hợp đó, có thể bạn sẽ quan tâm đến nhóm ngành đào tạo về chế tạo, chế biến.

dZtdzZmP.jpgPhóng to

Các ngành học liên quan đến chế tạo, chế biến được ứng dụng nhiều vào cuộc sống hằng ngày. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Văn Lang trong giờ thí nghiệm sinh học - Ảnh: Như Hùng

1. Ngành chế biến thủy sản

Đào tạo kỹ sư có kiến thức, kỹ năng thực hành ở lĩnh vực chế biến thủy sản, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Kỹ sư chế biến thủy sản nắm vững quý trình công nghệ chế biến từ khâu nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng. Sinh viên được cung cấp các kiến thức chuyên sâu về ứng dụng công nghệ trong chế biến sản phẩm thủy sản, xây dựng quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm thủy sản, nghiên cứu nguyên vật liệu mới dùng trong chế tạo bao bì và đóng gói sản phẩm thịt, thủy hải sản.

Sau khi ra trường, sinh viên có thể làm việc tại các xí nghiệp chế biến thủy sản, công ty thủy sản, các trang trại..., các cơ sở kiểm nghiệm sản phẩm thủy sản, làm cán bộ quản lý thủy sản ở các cơ quan ban ngành thuộc tỉnh (sở NN & PTNT, sở thủy sản, công ty nuôi thủy sản...).

2. Ngành công nghệ vật liệu

Ngành công nghệ vật liệu trang bị cho sinh viên ba khối kiến thức chính là đại cương (gồm những kiến thức cơ bản về toán, lý, hóa lý, cơ học và nhiệt học), kỹ thuật cơ sở (gồm các kiến thức về cơ lưu chất, sức bền, kỹ thuật nhiệt, mối quan hệ giữa cấu trúc và tính chất vật liệu) và kiến thức chuyên ngành (chủ yếu là phương pháp chế tạo gia công và ứng dụng những vật liệu cụ thể). Ngành công nghệ vật liệu bao gồm các chuyên ngành nhỏ như vật liệu kim loại, vật liệu silicat, vật liệu polymer.

Tốt nghiệp ngành này, sinh viên có khả năng làm các công việc như vận hành dây chuyền sản xuất, thiết kế, gia công chế tạo và ứng dụng các sản phẩm trên cơ sở các loại vật liệu khác nhau, tham gia nghiên cứu cải tiến công nghệ và chuyển giao công nghệ. Nhờ vậy, sinh viên có thể tìm việc tại các cơ sở sản xuất thuộc những lĩnh vực về vật liệu kim loại như luyện, cán thép, luyện kim màu, gia công chế biến nhôm; vật liệu silicat như ximăng, gốm sứ, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất... và vật liệu polymer như chế biến nhựa, cao su, sơn, composite...

3. Ngành công nghệ cắt may

Đào tạo kỹ sư ngành công nghệ cắt may, nắm vững công nghệ sản xuất may công nghiệp trên toàn bộ dây chuyền, nắm vững phương pháp tổ chức và quản lý chuyền, có khả năng thiết kế lập quy trình sản xuất sản phẩm may trên chuyền, biết kiểm tra chất lượng sản phẩm may. Tùy mục tiêu đào tạo của từng trường, các môn học ở giai đoạn chuyên ngành sẽ khác nhau.

Kỹ sư ngành công nghệ cắt may có thể đảm đương các công việc tại các doanh nghiệp may hoặc cơ sở đào tạo nghề, việc nghiên cứu khoa học...

4. Ngành công nghệ sản xuất giấy và bột giấy

Đào tạo kỹ sư có kiến thức và kỹ năng về nguyên liệu sản xuất giấy và bột giấy; các quá trình công nghệ sản xuất giấy các loại; các thiết bị và an toàn thiết bị, vệ sinh môi trường trong sản xuất giấy, quản lý và điều hành quá trình sản xuất giấy và bột giấy; nghiên cứu ứng dụng công nghệ hóa học trong việc sản xuất giấy - bột giấy.

Kỹ sư ngành công nghệ sản xuất giấy và bột giấy có thể làm việc tại các nhà máy sản xuất giấy - bột giấy; các cơ sở bảo quản nguyên liệu và sơ chế giấy, các công ty, xí nghiệp nguyên liệu giấy, các xí nghiệp sản xuất ván sợi, các viện hoặc trung tâm nghiên cứu chuyên ngành giấy, sợi, bột giấy...

5. Ngành công nghệ thực phẩm

Trang bị những kiến thức liên quan đến việc vận hành dây chuyền công nghệ sản xuất, tham gia thiết kế chế tạo thiết bị công nghệ, tạo nguyên liệu mới trong lĩnh vực công nghệ hóa học, thực phẩm, dược phẩm... sinh viên ngành này có thể chọn chuyên ngành theo hướng công nghệ hóa học gồm các chuyên ngành: công nghệ hóa vô cơ, công nghệ hóa lý - phân tích, công nghệ hóa hữu cơ, công nghệ chế biến dầu khí, quá trình và thiết bị công nghệ hóa học hoặc công nghệ thực phẩm.

Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở các công ty sản xuất hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu; vật liệu xây dựng; khai thác chế biến dầu mỏ và khí đốt, xăng dầu, nhớt; sản xuất giấy, dệt nhuộm, hương liệu, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, xử lý chất thải, dược phẩm... hoặc ở các nhà máy sản xuất, chế biến trà, cà phê, nông thủy hải sản, đường sữa, nước giải khát...

6. Ngành chế biến lâm sản

Đào tạo kỹ sư có chuyên môn sâu thuộc hai chuyên ngành kỹ nghệ gỗ và thiết kế đồ gỗ cho trang trí nội thất, có hiểu biết về sử dụng bảo quản, chế biến các mặt hàng lâm sản; có khả năng nghiên cứu các kỹ thuật bảo quản và chế biến lâm sản.

Kỹ sư ngành chế biến lâm sản có thể làm việc trong các lĩnh vực sử dụng, bảo quản, chế biến các mặt hàng lâm sản: chế biến gỗ, gỗ mỹ nghệ, keo dán gỗ, sấy gỗ, trang trí nội thất...

7. Ngành bảo quản và chế biến nông sản thực phẩm

Đào tạo kỹ sư có chuyên môn thuộc hai lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản thực phẩm - công nghệ thực phẩm, được trang bị những kiến thức cơ bản của ngành, có khả năng hoạt động độc lập cũng như công tác tốt trong các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các thành phần kinh tế...

Kiến thức ngành học này có thể ứng dụng nghiên cứu và phát triển kỹ thuật bảo quản, chế biến các sản phẩm từ thịt, cá; nghiên cứu và phát triển kỹ thuật bảo quản, chế biến các loại rau và trái cây; nghiên cứu các kỹ thuật bảo quản nông sản; nghiên cứu kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Kỹ sư ngành bảo quản chế biến nông sản thực phẩm có thể làm việc trong các doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh, cơ sở sản xuất chế biến nông sản - thực phẩm.

8. Ngành bảo quản chế biến nông sản thực phẩm dinh dưỡng người

Chuyên ngành bảo quản chế biến nông sản thực phẩm và dinh dưỡng người sẽ đào tạo kỹ sư vừa am tường về công nghệ thực phẩm ở trình độ đại học mà còn là chuyên gia đáp ứng được nhu cầu xã hội về nhận thức thực phẩm và dinh dưỡng.

Trong quá trình đào tạo, sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng về sản phẩm động vật và thực vật, khoa học thực phẩm và bảo quản thực phẩm, về vệ sinh an toàn thực phẩm, và chuyên sâu về khoa dinh dưỡng học, đặc biệt là dinh dưỡng người, liên quan mật thiết với công nghệ thực phẩm để có thể kiểm tra đánh giá chất lượng nông sản thực phẩm, đánh giá tình hình dinh dưỡng và lập kế hoạch can thiệp dinh dưỡng cộng đồng.

Kỹ sư ngành bảo quản chế biến nông sản thực phẩm chuyên ngành dinh dưỡng người có thể làm việc trong các doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh, cơ sở sản xuất chế biến nông sản - thực phẩm, các viện hay trung tâm nghiên cứu về dinh dưỡng người, các trung tâm tư vấn về dinh dưỡng và sức khỏe cộng đồng...

9. Ngành công nghệ sau thu hoạch

Trang bị các kiến thức lý thuyết và thực hành các khâu kiểm tra, bảo quản và chế biến nông hải sản thực phẩm đạt chất lượng cao, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ngành này đào tạo những kỹ sư nắm vững lý thuyết và thực hành các khâu giám định và kiểm tra chất lượng nông hải sản thực phẩm sau thu hoạch, bảo quản tồn trữ lâu bền, chống thất thoát và chế biến làm đa dạng hóa sản phẩm...

Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các cơ sở sau: các công ty xí nghiệp chế biến lương thực và thực phẩm (LTTP); các công ty và trạm, cửa khẩu kiểm tra xuất nhập khẩu LTTP, các xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc, các kho, tổng kho bảo quản LTTP; các phòng kiểm nghiệm phân tích vi sinh, độc tố LTTP của các viện nghiên cứu, các công ty trạm trại có liên quan; các sở nông nghiệp, công nghiệp, các cơ sở bảo quản và chế biến nông hải sản, thực phẩm.

UKYuAcCY.jpgPhóng to

Áo Trắng số 14 (ra ngày 1-8-2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

NHÓM PV GIÁO DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên