02/03/2006 20:25 GMT+7

Đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân, tại sao không?

TRẦN VĂN THỌ (Giáo sư Đại học Waseda, Tokyo)Theo Thanh Niên
TRẦN VĂN THỌ (Giáo sư Đại học Waseda, Tokyo)Theo Thanh Niên

Nếu là chế độ đa đảng, một đảng nào đó có thể có một cương lãnh hoạt động không đại diện hết lợi ích của mọi thành phần. Trong trường hợp đó, mỗi người dân có quyền chọn lựa những đảng phù hợp với lợi ích của riêng mình.

OIKnCSMu.jpgPhóng to
GS Trần Văn Thọ
Nếu là chế độ đa đảng, một đảng nào đó có thể có một cương lãnh hoạt động không đại diện hết lợi ích của mọi thành phần. Trong trường hợp đó, mỗi người dân có quyền chọn lựa những đảng phù hợp với lợi ích của riêng mình.

Nhưng trong chế độ một đảng, người dân không thể có một chọn lựa nào khác mà đảng đó lại đối xử phân biệt với một thành phần nào đó là bất công, là không hợp với đạo lý.

Ngoài ra, tại VN, sự lớn mạnh của kinh tế tư bản tư nhân, sự đóng góp ngày càng lớn của khu vực này vào việc phát triển của nền kinh tế, là kết quả của đổi mới. Nếu cho rằng đó là thành phần không đáng để đảng viên tham gia, thậm chí cho đó là thành phần thuộc giai cấp khác mà lý tưởng của người cộng sản là trước sau cũng phải xóa bỏ giai cấp đó, thì chẳng những mâu thuẫn với đường lối đổi mới, xóa bỏ thành quả của đổi mới mà nguy hiểm hơn, còn làm mất lòng tin của người dân trong nước và cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những nhà đầu tư nước ngoài.

Tư bản tư nhân ngày nay có phải tất yếu là bóc lột lao động?

Những người chủ trương đảng viên không được làm kinh tế tư bản tư nhân lấy lý do rằng đó là thành phần kinh tế bóc lột lao động bằng giá trị thặng dư mà lý tưởng của Đảng Cộng sản là xóa bỏ bóc lột.

Theo tôi, dù phân tích từ góc độ nào cũng phải đi đến một kết luận tối hậu là làm sao để người lao động ngày càng sung sướng, ngày càng có một mức sống cao hơn. Mọi tư tưởng và lý luận không đạt được mục đích này tự nó sẽ mâu thuẫn và không phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Giá trị thặng dư (GTTD) theo chủ nghĩa Marx là tổng sản phẩm xã hội trừ đi khấu hao tư bản và tiền lương trả cho lao động. GTTD này bao gồm tiền lãi ngân hàng, tiền vốn chia cho cổ đông, và lợi nhuận của xí nghiệp.

Trong thể chế xã hội chủ nghĩa (XHCN), các tư liệu sản xuất do nhà nước và tập thể nắm giữ nên tất cả GTTD thuộc về nhà nước, thuộc về tập thể, còn thể chế tư bản chủ nghĩa (TBCN) hoặc thể chế của một nền kinh tế nhiều thành phần, GTTD gồm ít nhất 3 phần: lợi nhuận sau khi trừ thuế của xí nghiệp tư nhân và xí nghiệp quốc doanh, thu nhập của nhà nước từ thuế lợi nhuận doanh nghiệp, và tiền lãi ngân hàng cộng với cổ tức (phần thứ ba này có nhiều chủ sở hữu, trong đó có cả người lao động vì họ có tiền để dành ở ngân hàng và có mua cổ phiếu của xí nghiệp).

Như vậy, cả thể chế XHCN và TBCN đều có GTTD, chỉ khác là nhà nước (và tập thể) trực tiếp nắm hết rồi phân phối lại hay là xí nghiệp tư nhân và cá nhân nắm phần lớn. Cần nói thêm rằng dù trong thể chế TBCN, GTTD vẫn chịu sự điều tiết của nhà nước qua chính sách tài chánh.

Đứng trên lập trường của người lao động, vì quyền lợi của người lao động, ta thấy cần đặt ra các vấn đề sau:

(1) Làm sao để ngày càng tăng hay ít nhất là không giảm tỷ lệ của phần được chia cho lao động trong thu nhập quốc dân. Nói khác đi là làm sao để ngày càng giảm hoặc ít nhất là giữ nguyên tỷ lệ của GTTD trong tổng thu nhập quốc dân.

(2) Làm sao để quy mô của thu nhập quốc dân ngày càng tăng. Giữa trường hợp người lao động được chia phần lớn với cái bánh lúc nào cũng nhỏ với trường hợp có ai đó với tài trí và tinh thần mạo hiểm, sẵn sàng đầu tư ứng dụng công nghệ, khám phá thị trường làm cho cái bánh ngày càng lớn thì dù tỷ lệ phần chia của người lao động có thấp hơn, người lao động sẽ chọn trường hợp thứ hai, vì giá trị tuyệt đối của phần họ được chia lớn hơn nhiều so với trường hợp thứ nhất.

Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy:

Thứ nhất, kinh tế Nhật phát triển nhanh, hầu như liên tục trong thời gian dài như mọi người đều biết. Từ năm 1900 đến năm 1973, thu nhập quốc dân bình quân đầu người trên thực chất (sau khi trừ ảnh hưởng của giá cả) đã tăng đến 10 lần.

Thứ hai, trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, phần chia cho người lao động có khuynh hướng giảm. Về từng người lao động cá biệt có thể có nhiều trường hợp bị bóc lột GTTD, với ý nghĩa là năng suất lao động của họ cao hơn tiền lương.

Nếu cho rằng kinh tế tư bản tư nhân là thành phần không đáng để đảng viên tham gia... thì chẳng những mâu thuẫn với đường lối đổi mới, xóa bỏ thành quả của đổi mới mà nguy hiểm hơn, còn làm mất lòng tin của người dân trong nước và cộng đồng quốc tế...

Tuy nhiên, trong trường hợp này, những người lao động đó bị bóc lột là để cứu những người lao động khác có công ăn việc làm trong một nền kinh tế còn dư thừa lao động (hoặc nói khác đi là để chia công việc, chia tiền lương giữa những người lao động), và điều này lại tự nhiên vì do quy luật thị trường quyết định. Một điểm cần lưu ý nữa là đối với những người lao động đó, được “bị bóc lột” như vậy vẫn sung sướng hơn sống trong cảnh cơ cực ở nông thôn.

Thứ ba, sau một quá trình phát triển, phần chia cho người lao động có khuynh hướng tăng. Không những cái bánh của Nhật ngày càng to ra mà tỷ lệ của người lao động được hưởng cũng lớn hơn. Chẳng hạn, từ năm 1965 đến 1989, tỷ lệ của tiền lương trả cho lao động trong tổng thu nhập quốc dân đã tăng từ 56% đến 68%. Ở đây chỉ kể tiền lương chứ thực ra thu nhập của người lao động còn bao gồm thu nhập từ tài sản cá nhân như bất động sản, tiền gửi tiết kiệm, cổ phiếu...

Thứ tư, tỷ lệ thu nhập ròng của doanh nghiệp pháp nhân trong tổng thu nhập quốc dân quá nhỏ, nhất là sau khi trừ thuế (chỉ có 5% vào năm 1965). Nếu kể cả phần lớn của cổ tức và một phần của tiền lãi ngân hàng thì tỷ lệ này cũng không lớn. Ngoài ra, những phần này cũng có thể gọi là thù lao chính đáng cho những nhà doanh nghiệp có khả năng khám phá công nghệ, tìm kiếm thị trường, cải tiến kinh doanh, sản xuất.

Thực tế cho thấy nếu không có tinh thần doanh nghiệp này, kinh tế không phát triển và cuộc sống của người lao động cũng không được cải thiện. Trong thời đại ngày nay, các yếu tố sản xuất truyền thống như tư bản, đất đai... không quan trọng mà các yếu tố mới như tri thức, trí tuệ, năng lực tổ chức, quản lý mới là động lực của sự tiến bộ. Ở nước ta, gần đây ai cũng nhấn mạnh sự quan trọng của kinh tế tri thức nhưng chẳng lẽ lại phủ nhận tri thức của nhà doanh nghiệp?

Ngoài những số liệu hùng hồn nói trên, kinh nghiệm Nhật Bản còn cho thấy nhiều câu chuyện lập nghiệp cảm động, nhiều câu chuyện thành công rất ngoạn mục của những công ty mà ngày nay người Nhật rất tự hào như Toyota, Honda, Sony, Canon...

Giữa cảnh hoang tàn, đổ nát ngay sau thế chiến thứ hai, Masaru Ibuka, người đồng sáng lập Sony, đã nói một câu rất cảm động trong bài diễn văn kỷ niệm ngày thành lập công ty năm 1946: "Phải ra sức dùng công nghệ, kỹ thuật góp phần vào sự phục hưng của tổ quốc chúng ta!". Ngày nay, được vào làm việc ở những công ty Sony, Honda, Toyota... là giấc mơ của hàng chục vạn sinh viên tốt nghiệp đại học. Họ muốn vào đấy để bị bóc lột chăng?

Đảng Cộng sản VN bây giờ đã đánh giá đúng mức vai trò của kinh tế tư bản tư nhân và cho phép đảng viên tham gia thành phần này. Đây là hướng đi đúng dù hơi trễ.

TRẦN VĂN THỌ (Giáo sư Đại học Waseda, Tokyo)Theo Thanh Niên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên