26/05/2006 14:09 GMT+7

Đằng sau những chiếc áo (kỳ 2)

KHÁNH CHI
KHÁNH CHI

TTO - Ngay trước thềm World Cup 2006, Tổ chức từ thiện quốc tế Oxfam vừa rút “thẻ vàng” chỉ trích các hãng sản xuất đồ thể thao lớn đã bóc lột người lao động châu Á.

GMez7KvQ.jpgPhóng to
Cristiano Ronaldo trong một quảng cáo của Nike
TTO - Ngay trước thềm World Cup 2006, Tổ chức từ thiện quốc tế Oxfam vừa rút “thẻ vàng” chỉ trích các hãng sản xuất đồ thể thao lớn đã bóc lột người lao động châu Á.

Theo Oxfam, trong khi các hãng này sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu USD tài trợ cho một ngôi sao bóng đá thì công nhân của họ chỉ được nhận mức lương bèo bọt cùng các điều kiện làm việc tồi tệ.

Trong một báo cáo có tựa đề rất...bóng đá là “Việt vị”, Oxfam cho biết các công nhân dệt may, phần lớn là phụ nữ, sống ở những vùng nông thôn nghèo của các quốc gia châu Á như Indonesia và Sri Lanka, thường phải đối mặt với tình trạng bị đối xử tàn tệ trong khi sản phẩm họ làm ra lại được bán với giá cắt cổ cho người hâm mộ. Oxfam còn lập cả một bảng tổng sắp xếp hạng 12 hãng sản xuất đồ thể thao dựa trên điều kiện lao động của công nhân.

Tuy nhiên, theo Oxfam thì không hãng nào đạt những yêu cầu tối thiểu. Tim Connor, tác giả báo cáo trên, bình luận: “Nếu trên sân cỏ, tất cả bọn họ phải nhận thẻ đỏ rồi. Còn nếu có một World Cup cho những hãng tôn trọng quyền lợi của công nhân thì bọn họ thậm chí không vượt qua nổi vòng loại”.

Dạo qua một shop thể thao, bạn sẽ thấy những chiếc áo đấu của các ĐT dự World Cup 2006 được bán với giá ngất trời. Thế nhưng đằng sau màu sắc đẹp đẽ, đường kim mũi chỉ chắc chắn và một thương hiệu “bảo chứng” đính kèm làm oai đó là những công nhân chỉ có mức lương cơ bản là 60 cent Mỹ mỗi ngày (khoảng 9.000 đồng). Chừng đó chưa đủ cho những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu và để cải thiện thu nhập, nhiều công nhân phải trần mình làm quần quật 16 tiếng mỗi ngày.

Theo đánh giá của Oxfam, Reebok là hãng thể thao “thân thiện” với công nhân nhất ở châu Á trong khi các thương hiệu lớn như Nike, Adidas, Puma, Umbro và Asics đều đã có những cải thiện đáng kể điều kiện lao động cho công nhân trong thời gian qua.

Đứng bét bảng đạo đức doanh nghiệp này là FILA với sự kiện năm ngoái một nhà máy gia công ở Indonesia đóng cửa mà không hề bồi thường cho người lao động. Ngoài ra, các nữ công nhân ở nhà máy này cũng tố cáo họ thường xuyên bị quấy rối tình dục.

Trong vòng 20 năm qua, các hãng sản xuất đồ thể thao lớn trên thế giới đã đồng loạt xây dựng các nhà “thầu phụ” ở châu Á để tận dụng nguồn lao động dồi dào, mức lương rẻ và điều kiện làm việc không bị quy định khắt khe như ở châu Âu hay Mỹ.

Tuy nhiên, dưới sức ép của dư luận, các nha máy vắt kiệt mồ hôi này đang dần phải cải thiện cuộc sống cho công nhân. Ngoài ra, Oxfam cũng cho rằng các ngôi sao được trả lương ngất ngưởng cũng có một phần trách nhiệm đạo đức trong vấn đề này.

Connor kêu gọi: “Trong khi các hãng rõ ràng là phải giải quyết tình trạng trên, chúng tôi hy vọng các cầu thủ bóng đá cũng lên tiếng ủng hộ cho những người tạo ra chiếc áo họ đang mặc”.

KHÁNH CHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên