12/04/2006 16:51 GMT+7

Đằng sau cánh đồng...

GS NGUYỄN VĂN TUẤN (Sydney, Australia)
GS NGUYỄN VĂN TUẤN (Sydney, Australia)

TTO - ... dĩ nhiên là những phận người. Nguyễn Ngọc Tư cho chúng ta biết cô không phải là công chức quanh quẩn trong phòng máy lạnh, mà là người đi nhiều, nhìn xa và có trí tưởng tượng không khoan nhượng.

jpN6K0v8.jpgPhóng to
Ảnh: Đoàn Đức Minh
TTO - ... dĩ nhiên là những phận người. Nguyễn Ngọc Tư cho chúng ta biết cô không phải là công chức quanh quẩn trong phòng máy lạnh, mà là người đi nhiều, nhìn xa và có trí tưởng tượng không khoan nhượng.

Tôi cho rằng Nguyễn Ngọc Tư đã thành công lớn trong Cánh đồng bất tận. Qua những dòng văn rất đẹp, rất đau chị đã mô tả thành công đời sống khó khăn của người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), và phác họa nên những mâu thuẫn và biến động xã hội trong vùng hiện nay.

Ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư còn cho chúng ta biết tác giả không phải là một công chức chỉ quanh quẩn trong phòng máy lạnh, mà là một người đi nhiều, nhìn xa và có trí tưởng tượng không khoan nhượng. Mô tả những mâu thuẫn, những cái ác, sự trâng tráo, viết ra những điều mà nhiều người ngại ngùng không dám nói, phác họa nên những nhân vật ngổ ngáo lạ lùng với một giọng văn bình thản như thế, ắt hẳn tác giả phải là một người có bản lĩnh sống rất cao.

Cách đây gần nửa thế kỉ, Nhà văn William Faulkner và Erskine Caldwell mô tả đời sống nông dân miền nam nước Mĩ với ngòi bút hiện thực và khách quan đến tàn nhẫn (tàn nhẫn hơn cả Nam Cao và Vũ Trọng Phụng). Tác phẩm của họ mô tả một số nông dân Mĩ sống đời sống như cầm thú, mà trong đó mối liên hệ giữa cha con, vợ chồng, anh em chẳng có ý nghĩa đạo đức gì cả, mà chỉ là đáp ứng theo những thúc đẩy của nhục dục. Ai cũng hiểu đó chỉ là hư cấu, và ai cũng biết cái ý nghĩa thật đằng sau của tác phẩm của họ là gióng lên một tiếng chuông báo động về sự sa đoạ xã hội. Đó là một thông điệp mang tính nhân bản.

Ngày nay, tình trạng sa đọa đạo đức và mâu thuẫn xã hội ở vùng ĐBSCL nói riêng, và cả nước nói chung, là có thật. Vùng đất được mệnh danh là “thừa gạo”, nhưng trớ trêu thay lại là vùng đất chịu nhiều thiệt thòi nhất trên đất nước ta.

Qua hai mươi năm đổi mới kinh tế, đời sống người dân trong vùng tính trung bình tuy có khá lên, nhưng đại đa số người dân vẫn còn nghèo khó. Cảnh sống nghèo khó sản sinh ra nhiều thảm cảnh là điều có thể dễ hiểu. Nhất là khi, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội đang ngày càng giãn rộng.

Một người nông dân với thu nhập trung bình 30.000 đồng một ngày, mắc bệnh suy thận, tiểu đường hay thấp khớp với toa thuốc 600.000 đồng/ tuần phải làm gì? Một cô gái học vấn lớp 7, 8, ngày ngày dấn đôi chân trắng tròn dưới ruộng, đêm đêm về căn phòng lợp lá, mơ giấc mơ tuổi 18, sẽ làm gì khi có người đến vẽ ra ảo mộng thị thành? Một gia đình với hai ông bà già đã suốt đời còng lưng trên ruộng, một bầy con mới lớn học hành lỡ dở sẽ làm gì với cục tiền được đền bù sau khi toàn bộ đất đai, vườn tược bị thu hồi?...

Văn chương, theo tôi nghĩ, phải phản ánh những mâu thuẫn xã hội như thế. Tác phẩm văn chương hay sẽ lay động được con người trước cái ác, cái xấu, và qua đó, cứu rỗi cái đẹp. Người ta có thể thảng thốt, giật mình nhìn lại bản thân mà không cần câu chuyện được kể phải giống y như cuộc sống mình đang sống.

Cách đây chưa đầy hai năm, một hội thảo bàn tròn gồm những người làm văn nghệ thuộc vùng ĐBSCL được tổ chức để phân tích tại sao văn học ĐBSCL, nhất là văn xuôi thiếu vắng những tác phẩm có tầm vóc. Hội thảo đưa ra một nhận định thẳng thắn rằng “Văn xuôi ở ĐBSCL chỉ ở mức làng nhàng, tác phẩm thường sa vào kể lể, miêu tả mà thiếu sức gợi cảm, thừa ngô nghê mà thiếu tự nhiên”.

Khoảng một năm sau, Nguyễn Ngọc Tư từ một nhà văn chỉ quen viết truyện ngắn đã tự đổi mới mình một cách ngoạn mục qua tác phẩm Cánh đồng bất tận. Có thể đó chưa phải là một tác phẩm lớn, nhưng chắc chắn nó đã gây ấn tượng lớn trong lòng người yêu văn chương.

Theo tôi, một người đọc thuộc vào loại trung bình, một tác phẩm hay không chỉ phải hư cấu tốt, mà còn phải có khả năng đánh thức và thách thức được người đọc. Một tác phẩm làng nhàng thì không thể thách thức được ai, và không thể là một tác phẩm hay được.

Cánh đồng bất tận đã thật sự làm tôi ngạc nhiên, thậm chí thoạt đầu mới đọc làm tôi tức tối, nhưng suy nghĩ về câu chuyện và những thông điệp có hậu của tác phẩm, tôi lại thấy cảm ơn Nguyễn Ngọc Tư đã góp phần đưa văn học trong vùng ra khỏi cái khuôn sáo “ngô nghê mà thiếu tự nhiên” vốn đã nhiễm quá lâu trong văn học ĐBSCL.

GS NGUYỄN VĂN TUẤN (Sydney, Australia)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên