05/03/2006 06:47 GMT+7

Đằng sau âm mưu đảo chính ở Philippines

HỮU NGHỊ
HỮU NGHỊ

TTCN - Cuộc khủng hoảng bắt đầu hôm 24-2 khi quân đội loan báo đã phanh phui một kế hoạch đảo chính, một thiếu tướng bộ binh, Danilo Lim, đã bị bắt giữ vì những cáo buộc là chủ mưu. Ngay sau đó, Tổng thống Arroyo ban bố tình trạng khẩn cấp.

dGWvCbHt.jpgPhóng to
Ban bố tình trạng khẩn cấp ở Philippines
TTCN - Cuộc khủng hoảng bắt đầu hôm 24-2 khi quân đội loan báo đã phanh phui một kế hoạch đảo chính, một thiếu tướng bộ binh, Danilo Lim, đã bị bắt giữ vì những cáo buộc là chủ mưu. Ngay sau đó, Tổng thống Arroyo ban bố tình trạng khẩn cấp.

Động thái từ Manila

Đến 28-2-2006, tổng giám đốc cảnh sát quốc gia Arturo Lomibao họp báo cho biết chi tiết về âm mưu đảo chính: các đơn vị cảnh sát đặc biệt (CSĐB), thủy quân lục chiến (TQLC) và biệt động quân (BĐQ) đã liên kết với nhau cùng với các phe phái cánh tả và cánh hữu nhằm lật đổ Tổng thống Arroyo.

Ông cũng cho biết ngay từ đầu tháng 12-2005, ông đã được báo cáo rằng CSĐB đã bị phe đảo chính “chiêu mộ”. Tướng cảnh sát Marcelino Franco cùng ba sĩ quan dưới quyền đã chủ mưu vụ phản loạn và lực lượng CSĐB đã đánh chiếm tổng nha cảnh sát từ 18-2. Tướng Franco bị quản thúc. Cũng thế, thiếu tướng Danilo Lim, chỉ huy lữ đoàn 1 BĐQ, cũng bị giam cùng với đại tá TQLC Ariel Querubin.

Buổi chiều cùng ngày, tổ hợp truyền thông INQ7Net loan tin 1.200 binh sĩ tinh nhuệ “được Mỹ huấn luyện” (nguyên văn), gồm lực lượng đặc biệt, lực lượng cơ động phản ứng nhanh cùng một phân đội gồm tám xe thiêt giáp được tăng cường vào thủ đô Manila, đồn trú trong trại Bonifacio, dưới quyền đại tá Arturo Ortiz. Ông này cho biết lực lượng đặc nhiệm của ông có sứ mạng bảo vệ Tổng thống Arroyo.

Sự thiếu vắng của TQLC trong thành phần lực lượng đặc nhiệm này là dễ hiểu: hôm 26-2, tổng hành dinh của TQLC trong doanh trại Bonifacio đã là một “pháo lũy” chống chính phủ trong suốt năm giờ sau khi có lệnh bãi chức tướng tư lệnh TQLC Renarto Miranda, bị cáo buộc là đã tìm cách thuyết phục tướng tổng tham mưu trưởng Generoso Senga chấm dứt ủng hộ Tổng thống Arroyo.

Vụ việc đã xảy ra sau khi có nhiều tin đồn đảo chính trước đó và nhất là sau khi Bộ Tư pháp nước này vừa loan báo sẽ thụ lý một vụ án nhằm xét xử cựu nghị sĩ Gregorio Honasan cùng sáu nhân vật khác vì đã tham gia vụ 200 binh sĩ và sĩ quan chiếm đóng tòa nhà trung tâm thương mại Oakwood ở Makati city (một quận nội thành, thủ phủ tài chính trong thủ đô Manila) vào tháng 7-2003. Honasan nguyên là một đại tá, từng được mô tả là “người hùng đảo chính” trong 20 năm qua ở Philippines. Nếu ra tòa lần này, Honasan sẽ có nguy cơ bị tù giam. Có thể để tránh viễn tượng này, ông Honasan đã đi nước cờ trước.

Động thái từ Washington

Sau khi nội vụ xảy ra ở Manila được hơn nửa ngày, ở Washington, cuộc họp báo hằng ngày hôm 28-2 tại Bộ Ngoại giao (BNG) Hoa Kỳ mở đầu bằng các câu hỏi về tình hình Philippines:

* Chắc là BNG đã kết luận rằng đã có một âm mưu đảo chính ở Philippines?

- Phát ngôn viên Adam Ereli: Chúng tôi dành việc đánh giá tình hình 24 giờ qua cho Chính phủ Philippines. Nhất định là chúng tôi đang chăm chú theo dõi tình hình. Chính phủ Philippines đang tiếp tục điều tra. Quan điểm của chúng tôi là: hiến pháp Philippines và chế độ pháp quyền phải được tuân thủ, bạo lực phải bị loại bỏ. Chúng tôi hi vọng tình hình sẽ trở lại bình thường.

* Thế tòa đại sứ chúng ta báo cáo gì?

- Tòa đại sứ báo cáo những gì Chính phủ Philippines đã loan báo về các hành động của mình.

Các câu trả lời của phát ngôn viên Ereli đã rõ. “Dành việc đánh giá tình hình cho Chính phủ Philippines...” chính là một tái khẳng định uy quyền hiện tại của chính phủ này, nhất là qua nhắc nhở “hiến pháp Philippines và chế độ pháp quyền phải được tuân thủ”, với hàm ý Tổng thống Arroyo đã đắc cử tổng thống theo đúng hiến pháp. Và bạo lực phải bị loại bỏ chính là một răn đe cho bất cứ phe đảo chính nào.

Càng có thể khẳng định như thế khi đọc trên INQ7 sáng 1-3 một tin loan báo trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, Christopher R. Hill, đã đến Manila hôm qua trong khuôn khổ một chuyến công du ba ngày tại Philippines. Tòa đại sứ Hoa Kỳ cho biết ngoài BNG Philippines, Thứ trưởng Hill còn gặp các cơ quan chính phủ khác.

Một tin khác của INQ7 vào buổi chiều cùng ngày cho biết Christopher R. Hill đã gặp Tổng thống Arroyo và ông này đã nhấn mạnh rằng “đây là chuyện của người Philippines”, và rằng ông “cảm thấy thoải mái trước tình hình chính trị hiện tại ở đây do lẽ các thân hữu và lợi ích của Hoa Kỳ không bị ảnh hưởng gì”. Quả thật, đối với trợ lý ngoại trưởng Christopher R. Hill, tình hình “vẫn thoải mái” đến nỗi hôm 1-3 ông vẫn đi thăm một dự án ở đây theo như đã dự trù.

Cũng thế, cuộc tập trận “Balikatan 2006” hỗn hợp Philippines - Mỹ vẫn đã được khởi động hôm 20-2 và kết thúc vào ngày 5-3 như dự trù, bất chấp tình hình có đảo chính hay không. Những cuộc tập trận này giải thích hàm ý của tin “1.200 binh sĩ tinh nhuệ được Mỹ huấn luyện” về thủ đô Manila bảo vệ chính phủ...

Trong nội bộ “những kẻ không bằng lòng”

Một bài báo cũ của Luis V.Teodoro đăng trên tờ The Philippines, 29-7-2003 giải thích cuộc nổi loạn hôm 27-7-2003 đó như sau: “Trung úy hải quân Antonio Trillanes, phát ngôn viên của phe nổi loạn, nói với các phóng viên rằng nhóm của họ không có ý định chiếm quyền hành mà chỉ muốn bày tỏ những bất mãn trước sự tham nhũng trong chính phủ và quân đội; rằng Tổng thống Arroyo và bộ trưởng quốc phòng cùng giám đốc tình báo đã dàn cảnh vụ đánh bom hôm 3-4-2003 ở Davao nhằm đổ tội cho người Hồi giáo và hòng nhận thêm viện trợ nữa từ Hoa Kỳ để chống khủng bố...”. Tác giả kết luận: “Trung úy Trillanes và các đồng sự đã mở đường cho một vụ chính biến khác lần tới nếu như chẳng ai coi trọng vụ này”.

Mới đây, đúng 24-2-2006, ngày nổ ra âm mưu đảo chính ở Manila, tuần báo Time trên mạng công bố một bài mang tựa đề “Trong nội bộ âm mưu đảo chính”, do Bryan Walsh viết lại từ bài tường trình ban đầu của Nelly Sindayen từ Manila: “Một phóng viên của Time đã là chứng nhân của một cuộc họp ở nhà người em trai của cựu tổng thống Aquino, ông Jose Cojuangco, bàn về các kế hoạch gọi là “rút lại sự hậu thuẫn” dành cho Tông thống Arroyo.

Hơn một tá quan chức trung cấp và nhà kinh doanh có mặt. Pastor Saycon, một nhà doanh nghiệp mà từ lâu chỉ trích bà Arroyo, lên kế hoạch cho một chính phủ mới. Trong khi Saycon nói chuyện qua điện thoại với một người mà theo nhận dạng của Saycon là một quan chức ở Washington, mọi người đều im lặng lắng nghe. Saycon cam đoan với người kia rằng chế độ mới sau đảo chính sẽ vẫn thân hữu với Hoa Kỳ.

Saycon nói: “Quí vị vẫn sẽ là bạn chúng tôi, chứ không phải Trung Quốc”. Sau đó, Saycon gọi điện thoại cho một người mang bí danh là “Delta” mà Saycon cho biết đó là tướng Lim. Qua loa điện thoại, Lim khẳng định “mọi việc trơn tru” cho kế hoạch chống bà Arroyo. Theo Saycon, một đơn vị quân đội sẽ tiến vào đài tưởng niệm cuộc cách mạng năm 1986 lật đổ nhà độc tài Marcos, sáng thứ sáu. Tại đó, một tướng TQLC sẽ đọc một tuyên ngôn rút lại sự hậu thuẫn dành cho chính phủ Arroyo”.

Bài báo “viết lại” đăng lên mạng đề ngày 24-2-2006. Điều gì xảy ra trong đêm thứ năm 23-2 rạng sáng thứ sáu 24-2 đó sau khi phóng viên Nelly Sindayen gửi về Washington? Chỉ biết sáng hôm sau hai viên tướng trên đều bị bắt. Càng khó hiểu khi qua đến 1-3, “tội lỗi” của cả chủ nhà Jose Cojuangco lẫn nhà kinh doanh Saycon, người “liên lạc” với Washington và tướng Lim, đều đã được tướng tư lệnh CSQG Lomibao “hóa giải” bằng phát biểu: cuộc họp đó chẳng có gì là phản loạn cả.

“Gringo” Honasan

1qAaGtBi.jpgPhóng to
Cái biệt danh “Gringo” đầy vẻ “cao bồi Mễ” có lẽ phản ánh “tiếng tăm” của viên cựu đại tá năm nay đã bước qua tuổi 58 này. Honasan đã từng mấy lần đảo chính nhằm lật đổ nữ tổng thống Corazon Aquino vào tháng 8-1987 và tháng 12-1989, song vẫn cứ “yên thân”, hai lần ra tranh cử nghị sĩ và đắc cử vào các năm 1995 và 2001, trong khi vẫn còn trên danh sách khủng bố của Hoa Kỳ, thậm chí năm 2004 còn ra tranh cử tổng thống.

“Thành tích” đảo chính của “Gringo” Honasan bắt đầu từ khi viên đại tá trẻ này tham gia cuộc nổi dậy “Quyền lực nhân dân 1” chống độc tài Marcos. Sau khi “Quyền lực nhân dân 1” giành thắng lợi, bà Aquino lên làm tổng thống, “Gringo” Honasan lập tức mưu phản. Vụ đảo chính tháng 12-1989 suýt nữa đã thành công. Dinh tổng thống Malacanang đã bị đe dọa ném bom, may mà không quân Mỹ tung chiến đấu cơ phản lực F4 từ căn cứ không quân Clark ngay sát Manila lên xua đuổi hai chiếc máy bay cánh quạt T28 của không quân Philippines. Lần đó, tổng thống Hoa Kỳ là ông George Bush “bố”.

17 năm sau, một nữ tổng thống khác của Philippines lại bị “người hùng” “Gringo” Honasan cùng một số sĩ quan quân đội “làm phiền”. Lần này, ở Washington là Tổng thống George W.Bush “con”. Quan hệ giữa Tổng thống Arroyo và Tổng thống George W.Bush có thể được tóm tắt qua phát biểu sau của ông Bush trong buổi tiếp Tổng thống Arroyo tại Tòa Bạch Ốc hôm 19-3-2003: “Tổng thống Arroyo đã nồng nhiệt đón binh sĩ Hoa Kỳ đến huấn luyện và cố vấn binh sĩ Philippines trong các cuộc hành quân chống khủng bố. Thưa bà tổng thống, Hoa Kỳ xin cảm ơn bà vì tất cả những gì bà đã làm để cho thế giới chúng ta an toàn hơn”.

HỮU NGHỊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên