07/03/2012 04:30 GMT+7

Đăng ký kết hôn chỉ để làm khai sinh

Luật sư TRƯƠNG THỊ HÒA
Luật sư TRƯƠNG THỊ HÒA

TT - Người dân nông thôn miền Tây Nam bộ khi dựng vợ gả chồng cho con thường không quan tâm đến việc phải ĐKKH nhưng nhất thiết phải có đám hỏi, đám cưới. Dù đám cưới lớn mà không có đám hỏi thì nhà gái cũng không vui vì theo quan niệm thông thường, không có đám hỏi đồng nghĩa với việc nhà gái bị xem thường.

Hiện nay ở thôn quê, nhất là vùng sâu vùng xa, nhiều người dân vẫn còn chưa quan tâm đến việc đăng ký kết hôn (ĐKKH) mà chỉ chú trọng tổ chức đám cưới.

Vụ cô Nguyễn Đặng Xuân Thùy ở Cần Thơ (xem thêm bài “Làm gì khi bị “dính” vào clip sex” - Tuổi Trẻ 6-3-2012) là một ví dụ điển hình. Đám cưới dù rất rỡ ràng, mời quan khách rất đông, nhưng vì không ĐKKH nên cuộc hôn nhân của cô và chồng không được luật pháp công nhận. Chỉ một thời gian ngắn sau đám cưới, mâu thuẫn xảy ra, và chồng cô đã có thể... đàng hoàng làm đám cưới - lần này có ĐKKH - với người khác.

e52a1has.jpgPhóng to

Nếu vợ chồng sống với nhau có trục trặc thì giải quyết theo “lệ” chứ ít khi họ muốn nhờ đến “luật”. Vì vậy, tình trạng vợ chồng cưới nhau mà không ĐKKH là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Ông Nguyễn Văn Mến là cán bộ tư pháp của xã Vĩnh Thạnh Trung (huyện Châu Phú, An Giang) từ năm 1984-2010, hiện vẫn đang công tác tại UBND xã. Ông cho biết trước năm 2002 ở xã mỗi năm chỉ có khoảng 20 cặp ĐKKH.

Khi có nghị định 77/2001 ngày 22-10-2001, quy định chi tiết về ĐKKH theo nghị quyết số 35/2000 của Quốc hội, trong năm 2002 UBND xã đã triển khai đến từng ấp, từng nhà để làm giấy ĐKKH cho những cặp vợ chồng chưa có hôn thú (hôn nhân thực tế). Vì vậy, chỉ trong năm 2002 xã đã làm thủ tục ĐKKH cho 2.040 cặp vợ chồng.

Theo thống kê của bộ phận tư pháp xã Vĩnh Thạnh Trung, từ sau năm 2002 đến nay số lượng các cặp vợ chồng ĐKKH tăng lên rõ rệt. Sở dĩ số lượng tăng cao là vì sau nghị định 77, Nhà nước không còn công nhận tình trạng hôn nhân thực tế, cho nên khi làm khai sinh cho con, nếu không có giấy hôn thú thì phần tên cha phải bỏ trống!

Vì vậy các cặp vợ chồng khi có con buộc phải đi ĐKKH để làm khai sinh cho con. Thậm chí có người để đến khi con đi học cần có giấy khai sinh mới đi làm, rồi từ nhu cầu làm khai sinh cho con mới đi ĐKKH cho cha mẹ khi con đã 6-7 tuổi! Tuy vậy, theo ông Mến, cũng có một tỉ lệ nhỏ các cặp vợ chồng... sẵn sàng chọn cách khai sinh cho con để trống tên cha vì ngại đi ĐKKH!

Trước đây, thường mọi người đợi con đi học mới làm khai sinh nên cha mẹ “kết hôn” trễ. Hiện nay vì trẻ em dưới 6 tuổi được miễn viện phí nên phải làm khai sinh cho trẻ sớm để hưởng quyền lợi, vì vậy cha mẹ của trẻ “kết hôn” sớm hơn.

Trong năm 2011, số cặp vợ chồng ĐKKH ở xã Vĩnh Thạnh Trung là 381 cặp (theo số liệu trong sổ hộ tịch lưu ở UBND xã). Trong khi đó, theo chị Lê Thị An - nhân viên dịch vụ thợ nấu Hai Huệ (cung cấp tiệc cưới danh tiếng trong vùng), năm 2011 Hai Huệ đã nấu cho trên 1.000 đám cưới, trong đó ở xã Vĩnh Thạnh Trung trên 300 đám. Cả xã có khoảng năm dịch vụ thợ nấu nổi tiếng và nhiều thợ nấu nhỏ lẻ khác.

Từ đó suy ra có thể thấy số đám cưới ở xã Vĩnh Thạnh Trung lớn hơn con số 381 cặp ĐKKH nhiều.

PHƯƠNG TRINH

Tính xã hội đi sau tính pháp lý

Hội phụ nữ TP Cần Thơ đề nghị làm rõ nhân vật trong clip sex

Ngày 6-3, bà Phan Thị Hồng Nhung - chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP Cần Thơ - cùng cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ quận Cái Răng đã đến thăm hỏi, động viên cô Nguyễn Đặng Xuân Thùy vượt qua cú sốc trước mắt và quay lại tiếp tục học tập.

Trước đó, bà Nhung đã chỉ đạo Hội Liên hiệp phụ nữ quận Cái Răng làm việc với Công an quận Cái Răng, đề nghị công an làm rõ nhân vật nữ trong clip sex có phải là Xuân Thùy để sáng tỏ sự việc.

MINH TÂM

Dư luận mấy ngày qua xôn xao bàn tán về chuyện cô gái trẻ Nguyễn Đặng Xuân Thùy ở Cần Thơ gặp những bất lợi phũ phàng. Hậu quả đáng tiếc này, ngoài nguyên nhân khách quan bị nghi ngờ là nhân vật trong clip sex, còn có nguyên nhân chủ quan của người trong cuộc. Đó là hành vi bắt đầu cuộc sống vợ chồng của mình mà không tuân theo Luật hôn nhân và gia đình: không ĐKKH tại cơ quan nhà nước!

Xã hội ngày xưa, qua một thời gian dài dưới chế độ quân chủ phong kiến, thủ tục quan trọng xác lập quan hệ hôn nhân của đôi nam nữ là tổ chức cưới hỏi. Nghi thức cưới hỏi là thủ tục bắt buộc do pháp luật quy định. Cưới hỏi đúng cách đã là hợp pháp. Lâu dài cách thức đó đã trở thành phong tục tập quán được mọi người tự nguyện tôn trọng.

Thậm chí ngày nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ trong nhân dân, khi lập gia đình chỉ để ý đến việc làm đám cưới lớn nhỏ như thế nào mà quên rằng ĐKKH là việc bắt buộc phải có để được công nhận là vợ chồng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cũng phải kể đến có một thời gian Nhà nước đã linh động cho phép công nhận “hôn nhân thực tế” đối với những cặp vợ chồng không ĐKKH.

Từ hơn mười năm nay, với sự ra đời của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, pháp luật đã dứt khoát quy định: Mọi nghi thức kết hôn không theo quy định (tức phải qua thủ tục ĐKKH với UBND cơ sở) đều không có giá trị. Nam nữ không ĐKKH mà chung sống với nhau thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng (điều 11 Luật hôn nhân và gia đình). Nghĩa là về nguyên tắc, họ chỉ là người dưng, không có quyền, nghĩa vụ đối với nhau với tư cách là chồng, là vợ của nhau. Dù đang chung sống với nhau, mỗi người đều có quyền đi lấy chồng, lấy vợ khác mà pháp luật không có cách nào ngăn cản, bảo vệ. Về mặt tài sản, dù hai người có tạo dựng được gì cũng chỉ là tài sản riêng do công sức, vốn liếng của mỗi người làm ra, của ai nấy hưởng, chứ không thể có tài sản chung vợ chồng.

Trước sự việc của Thùy, có người cảm thấy xót xa, muốn chia sẻ cùng gia đình cô và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cô, để vụ việc được giải quyết một cách công bằng, hợp đạo đức, tình người hơn. Nhưng đâu còn cách nào khác hơn là phải... theo pháp luật! Theo điều 63 Hiến pháp, Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình. Nhưng muốn được bảo hộ thì hôn nhân phải là hôn nhân hợp pháp. Vì Nhà nước VN là nhà nước pháp quyền. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật (điều 12 Hiến pháp).

Đây là bài học thấm thía mà có lẽ ai cũng thấy trách nhiệm xã hội của mình là phải cùng nhau tìm hiểu nắm rõ pháp luật và giúp nhau hiểu biết pháp luật. Đây cũng là công việc của chính quyền và các đoàn thể ở địa phương. Mỗi người có ý thức sống theo pháp luật thì khi có việc xảy ra, pháp luật mới có thể bảo vệ quyền lợi cho mình.

Điều trăn trở ở đây là ĐKKH là tính pháp lý, lễ cưới là tính xã hội của hôn nhân. Tính xã hội đi sau tính pháp lý vì trong mọi trường hợp đều phải tôn trọng pháp luật. Không có cơ sở pháp lý về hôn nhân nên quyền lợi của Thùy không thể xem xét và bảo vệ theo Luật hôn nhân và gia đình. Do đó, sự thiệt hại của cô Thùy (nếu có) làm mọi người cảm thấy ngậm ngùi.

Con 9 tuổi mới đăng ký kết hôn

Bà Đỗ Thị Vân (ảnh) 40 tuổi, ngụ tại ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Thạnh Trung, là người đã được làm ĐKKH tận nơi theo nghị định 77/2001. Bà Vân kết hôn năm 1992 khi tròn 20 tuổi, cả hai vợ chồng đều làm nghề nông.

Cũng như nhiều cặp vợ chồng nông dân khác, vợ chồng bà không biết ĐKKH là gì, cứ thế sống với nhau. Đến năm 2002, khi con gái đầu lòng được 9 tuổi thì cán bộ tư pháp xã đến tận nhà mời bà đến văn phòng ấp (cách nhà chừng 50m) để làm giấy ĐKKH.

Thoạt tiên bà từ chối vì cho rằng không cần thiết, nhưng sau đó người chủ mà bà đang làm thuê khuyên bà nên làm ĐKKH, phân tích thiệt hơn cho bà nghe lợi ích của việc đăng ký, bà sẽ được bảo vệ quyền lợi cho bản thân và con cái nếu vợ chồng có trục trặc. Bà làm theo lời khuyên và cũng khuyên các bà em dâu trong gia đình, trong xóm ĐKKH như bà.

Theo lời bà Vân, hiện nay các cháu của bà khi cưới đều không ĐKKH. Chỉ khi làm khai sinh cho con thì cha mẹ mới đăng ký.

Luật sư TRƯƠNG THỊ HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên