13/08/2011 08:22 GMT+7

Dang dở sân khấu học đường

H.HƯƠNG
H.HƯƠNG

TT - Sau mười năm dự án sân khấu học đường được triển khai tại 14 tỉnh thành trong cả nước, hầu như sau khi dự án ở một trường kết thúc, mọi việc lại rơi vào... ký ức đẹp!

de0ub2se.jpgPhóng to

Học sinh Đồng Tháp trong trích đoạn Hoa sen trắng - Ảnh: H.Điệp

Nhận định đó của NSND Phạm Thị Thành cũng là thực trạng được nhiều người gắn bó với dự án này chia sẻ tại hội nghị tổng kết dự án sân khấu học đường diễn ra ở Hà Nội sáng 12-8. Theo NSND Phạm Thị Thành, "do sự đầu tư của chúng ta chưa trúng", việc truyền dạy đã khá thành công khi sau dự án có nhiều em múa, hát, diễn rất giỏi, nhưng kinh phí dành cho nhạc công, đạo cụ, trang phục... của mỗi chương trình biểu diễn của mỗi trường lại khiêm tốn, hết tiền thì sân khấu đành ngừng hoạt động.

Đừng bắt các em diễn như người lớn

Sau vài năm, dự án sân khấu học đường lại có một lần báo cáo biểu diễn các tiết mục tại Hà Nội hoặc TP.HCM. Ðêm 11-8, khán giả đến thưởng thức các tiết mục báo cáo tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã bật cười khi hơn hàng chục học sinh Trường THCS Lê Chân (Hải Phòng) đã đồng ca câu vọng cổ tập thể. Ðây có lẽ là sự "sáng tạo" duy nhất đối với nghệ thuật cải lương khi được học sinh Trường THCS Lê Chân tiếp nhận và tiếp biến!

Dự án sân khấu học đường do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT&DL phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tổ chức nhằm giáo dục về lối sống, truyền thống dân tộc cho học sinh thông qua các hình tượng nghệ thuật sân khấu, tạo nên một lớp trẻ yêu thích và giữ gìn nghệ thuật cổ. Năm 1999 dự án này đã được khởi động từ ý tưởng của NSND Phạm Thị Thành và sự hỗ trợ của Quỹ Ford. Đến năm 2001, dự án được triển khai trên diện rộng đưa tuồng, chèo, cải lương... đến với học sinh khối THCS. Sau mười năm, dự án đã có mặt ở 90 trường của cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Với hơn chục tiết mục đơn ca, song ca và các trích đoạn sân khấu cổ được biểu diễn, chỉ trừ trích đoạn Trần Quốc Toản ra quân (trích trong vở Trần Hưng Ðạo bình Nguyên) có nhân vật phù hợp với tuổi thiếu niên, các nhân vật trong các vở diễn còn lại hầu hết đều là vai các bà mẹ, bộ đội, người vợ... khiến các em không thể bộc lộ hết được khả năng cũng như tình cảm chân thực.

Trong khi đó, chiếm đến gần nửa số tiết mục được diễn báo cáo là những trích đoạn trong các vở kịch của người lớn như trích đoạn Chị Minh Khai gửi con đi hoạt động cách mạng (Nghệ An), trích đoạn Kim Lân biệt mẹ (Ðà Nẵng), trích đoạn Mẹ Thuận (Quảng Nam), Hoa sen trắng (Ðồng Tháp)... Thực tế đó đã đặt ra câu hỏi: Kịch bản sân khấu dành cho học đường đang thiếu và không được chú trọng trong dự án này?

Có lẽ vì vậy, tại hội nghị, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái (Bộ VH-TT&DL) đã nêu một ý kiến đáng quan tâm: đừng bắt các em diễn như người lớn. Ông Ái cho rằng trước thực trạng giới trẻ không mặn mà với nghệ thuật truyền thống, việc tiếp tục dự án đưa sân khấu vào trường học là cần thiết.

"Tuy nhiên, chúng ta phải có lộ trình rõ ràng, đi sâu về cái gì, loại hình nào, phải tổ chức trại sáng tác để có những tác phẩm, tiết mục phù hợp với lứa tuổi các em. Ðừng bắt các em hóa trang và diễn như người lớn" - ông Ái nói. Ngoài ra, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đề nghị nên đưa những sản phẩm tốt của sân khấu học đường đến với công chúng để các diễn viên nhí và tác giả có chỗ đứng thật sự trong làng sân khấu.

NSƯT Mai Tư (phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa - một trong những địa phương thực hiện dự án sân khấu học đường sớm nhất) tỏ ra khá bức xúc: "Có những vai nghệ sĩ 15 năm trong nghề diễn còn chưa ra được thì sao bắt các em diễn. Ðưa những kịch bản quá sức vào sân khấu học đường chỉ phản tác dụng. Chúng ta nên nghiên cứu có một trại sáng tác cho các em để các em có được những vở diễn phù hợp lứa tuổi, nói lên được những vấn đề hiện tại các em đang trải qua".

Có nên tiếp tục dự án?

Trước con số 90 trường thí điểm so với hàng ngàn trường học khác chưa có sân khấu học đường, GS Hoàng Chương (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc) tỏ ra lo lắng nỗ lực của dự án chỉ như "muối bỏ bể" mà thôi. Cũng theo ông Chương, việc duy trì các câu lạc bộ tại các trường khi dự án kết thúc là không thực hiện được. Nhưng ông Chương cũng cho biết: "Chúng tôi vẫn đang xin Chính phủ cho tiếp tục dự án này".

Một cách học sử

Tuy còn nhiều câu hỏi đặt ra về kịch bản, đánh giá lại mười năm thực hiện sân khấu học đường, nhiều ý kiến đồng thuận rằng với những vở diễn về nỏ thần của An Dương Vương, Trần Quốc Toản, Hai Bà Trưng, Triệu Thị Trinh...; học sinh trong nhà trường không chỉ hiểu nghệ thuật truyền thống mà còn hiểu hơn về lịch sử cha ông. “Với những cách học lịch sử đang được dư luận coi là “đánh đố trí nhớ” học sinh thì việc học sử thông qua tuồng, cải lương là một cách nên khuyến khích” - một đại biểu khẳng định.

Trong khi đó, NSND Hoàng Khiềm cho rằng: không cần thiết đào tạo các em học sinh làm diễn viên. Ông cho biết: dự án này mang tính nhất thời chứ không lâu bền. Nên chăng, nguồn kinh phí đầu tư của dự án chuyển sang cho Bộ Giáo dục - đào tạo và giao trách nhiệm cho bộ này trong việc làm thế nào để giáo dục học sinh hiểu và từ đó khơi gợi tình yêu, niềm ham mê sân khấu dân tộc theo đặc trưng của từng vùng, miền.

Ông nói: "Chẳng phải ở mỗi vùng, miền, hầu như ai sinh ra và lớn lên đều được nuôi dưỡng tâm hồn bằng văn hóa của vùng miền đó. Vì thế khi đi vào mỗi bài học, nó sẽ dễ dàng được các em tiếp nhận một cách tự nhiên. Sự tiếp nhận này sẽ bền lâu chứ không gượng ép như một phong trào được khơi lên rồi tắt lịm".

NSND Phạm Thị Thành khẳng định: "Tôi được biết tới đây dự án sẽ tiếp tục được thực hiện với khoản kinh phí không nhỏ (những năm qua mỗi trường được cấp kinh phí 100 triệu đồng để thực hiện - PV). Tôi mong rằng mặt hạn chế cần được khắc phục. Có như thế mới mong sân khấu truyền thống được lưu giữ thật sự và bài bản ở ngay học đường. Cạnh đó, tôi đề nghị dự án sắp tới cần được triển khai ở những trường học vùng sâu vùng xa như Tây nguyên, Tây Bắc - nơi có vốn văn hóa truyền thống vô cùng phong phú và đặc sắc".

H.HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên