![]() |
1. Tôi cho rằng đây là cách “xưng danh” chưa chính danh. Lý do là vì trường đại học mới ấy có đạt đến đẳng cấp quốc tế hay không không phải do chúng ta tự phong, tự đặt mà là do quốc tế đánh giá và công nhận.Thông thường để được công nhận ở đẳng cấp quốc tế, một trường đại học có thể phải mất hàng chục, thậm chí là hàng trăm năm vì đẳng cấp quốc tế không hệ tại ở 100ha đất hay 100 triệu USD đầu tư mà là ở trình độ khoa học của đội ngũ giáo sư và sinh viên của trường.
Trong tiêu chí xếp hạng các trường đại học trên thế giới năm 2005 của Trường ĐH Shanghai Jiao Tong (Trung Quốc), thì ba tiêu chí đầu tiên trong tổng số sáu tiêu chí là: 1) Số cựu sinh viên của trường đoạt giải Nobel hoặc thành tích đặc biệt trong ngành. 2) Số nhà nghiên cứu tại trường có chỉ số trích dẫn (citation index) cao nhất. 3) Số bài nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí Nature và Science. Chúng ta nên gọi là trường đại học “theo chuẩn quốc tế” hay “định hướng đẳng cấp quốc tế” thì ổn hơn chăng?
2. Việc xây dựng trường đại học mới này phải có lộ trình rõ ràng chứ không thể mơ hồ được. Cụ thể chúng ta nên xác định sau 5-10 năm sẽ phải đạt được đẳng cấp khu vực, sau 15-20 năm đạt đẳng cấp châu lục và sau 25-30 năm đạt đẳng cấp quốc tế. Sau mỗi giai đoạn này phải tiến hành lượng giá nghiêm túc xem có đạt được mục tiêu hay không, và nếu xét thấy không thể “đi xa” hơn được nữa thì phải dừng lại để khỏi phải tiêu tốn tiền bạc một cách vô ích.
3. Việc tranh cãi xem đại học mới này là đào tạo hay nghiên cứu là chuyện thừa vì chắc chắn nó phải là đại học nghiên cứu bởi sinh viên được tuyển chọn là những sinh viên “tinh hoa”, mà tinh hoa thì có bao giờ nhiều như sản phẩm công nghiệp đâu. Vì nếu không chú tâm nghiên cứu cho “ngon lành” thì đừng hòng được thừa nhận ở đẳng cấp quốc tế.
4. Theo tôi, những lý luận ủng hộ hay phản đối một trong hai phương án “nâng cấp” và “xây mới” đều mang tính lý thuyết và ít thuyết phục. Tôi cho rằng chúng ta cần tiến hành song song cả hai phương án, tức là vừa xây một đại học mới, vừa nâng cấp đại học hiện tại nhưng chỉ chọn một trường hàng đầu hiện tại để thí điểm nâng cấp thôi vì nguồn lực chúng ta có hạn.
5. Về ý kiến đề nghị cần xây đại học mới theo mô hình đại học của Hoa Kỳ, tôi không nghi ngờ gì về hiệu quả của mô hình này. Nhưng nếu chúng ta trao cho các đại học hiện tại khoảng 50% tính tự chủ của đại học Hoa Kỳ, thì có lẽ yêu cầu xây mới một đại học theo chuẩn quốc tế đã không quá bức xúc như bây giờ, và nền giáo dục đại học của Việt Nam đã không ì ạch như bấy lâu nay.
6. Cuối cùng tôi cho rằng nền giáo dục đại học Việt Nam có tiến lên hay không phụ thuộc nhiều vào việc có tiến hành hay không tiến hành đề án xây mới trường đại học định hướng đẳng cấp quốc tế, mà phụ thuộc nhiều ở cách nhìn nhận và đối xử của Đảng, Chính phủ và Bộ GD-ĐT đối với nền giáo dục đại học hiện tại.
Tức là nếu chúng ta vẫn cứ không chịu nhìn nhận và đối xử với đại học như đối xử với một người đã trưởng thành có thể tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về những vấn đề liên quan đến “cuộc sống” của mình, vẫn cứ xem đại học như một “cậu bé” chưa trưởng thành nên luôn “được” cha mẹ giám sát, làm gì cũng phải xin phép bố mẹ và chỉ khi bố mẹ cho phép thì mới được làm, thì có lẽ nền giáo dục đại học của chúng ta sẽ mãi là “cậu bé” so với thế giới mà thôi, cho dù có hay không có trường đại học mới theo chuẩn quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận