30/04/2012 19:18 GMT+7

"Dân tin người thật tâm, thật tài"

PHẠM VŨ thực hiện
PHẠM VŨ thực hiện

TTO - Những ngày tháng 4 này, chúng tôi tìm gặp các nhân chứng lịch sử để nghe lại câu chuyện của 37 năm về trước và cũng được nghe họ bàn những chuyện của hôm nay.

Hai trong số đó là ông Nguyễn Văn Hàm - người từng giữ cương vị phó chủ tịch Ủy ban quân quản Sài Gòn và ông Đinh Văn Đệ từng làm chánh văn phòng tổng tham mưu trưởng Việt Nam cộng hòa.

* Làm thế nào mà ông, một thầy giáo, một giáo sư, một nhà thơ vốn không màng gì công danh, quyền lợi, tăm tiếng, vật chất lại trở thành một nhà hoạt động xã hội sôi nổi như ông đã làm những năm 1960 -1970?

- Ông Nguyễn Văn Hàm: Có sống vào thời của chúng tôi sẽ thấy mình không thể ngồi yên được. Là nhà thơ nhưng thơ tôi không bay khỏi đời sống, là giáo sư triết học nhưng tôi không chìm đắm trong những lý thuyết xa vời,. Là thầy giáo, tôi thấu hiểu từng hoàn cảnh, nỗi đau của học trò. Đất nước chúng ta những năm ấy ngập khói lửa, mỗi gia đình, mỗi con người đều phải chịu những thiệt hại, đau khổ, mất mát. Tôi quyết đứng lên, dốc hết sức mình để chống lại điều đó. Tôi biết rằng tôi sẽ được sự ủng hộ của quảng đại quần chúng và quả là như vậy.

* Ông đã đưa ra những khẩu hiệu tranh cử như thế nào để được bầu vào hạ viện Sài Gòn? Đã làm những gì để có được sự ủng hộ của hàng ngàn người trong tất cả những hoạt động mà ông tham gia và tổ chức?

- Không có khẩu hiệu nào, chỉ có một bài thơ. Về Quảng Ngãi họp cử tri, tôi đứng đọc bài thơ, ở dưới ai cũng khóc. (Ông đọc ngay như những năm nào: “…Gia đình nhà ta/ Tan tành tất cả… Bà nội lau nước mắt xa lũ dền muống thơ ngây…”). Những bài thơ tháng loạn ấy là tiếng lòng của người người. Mọi người bầu cho tôi vì tin tôi nghe được tiếng khóc trong lòng họ.

6HIHtMKv.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Hàm: “Dân sẽ tin người có thật tâm, thật tài…” - Ảnh: Tự Trung

Ở Sài Gòn này, có những chương trình tuần hành mà tôi và nhiều người nữa phải tổ chức công phu, cẩn thận như phong trào cứu đói, ký giả ăn mày nhưng cũng có những cuộc không cần tổ chức gì.

Đây, ngay cửa nhà tôi còn bức tượng con chim bồ câu sải cánh trên trái đất được đúc bằng ximăng đã 40 năm rồi. Ngày ấy chỉ cần đưa bức tượng lên trên chiếc xe ba gác, đẩy ra những khu dân cư đông đúc như Ngã Bảy, chợ Bàn Cờ, Vườn Chuối… là lập tức phía sau có hàng trăm, hàng ngàn người đi theo vì họ biết đó là biểu tượng khát khao hòa bình của chính họ.

Nhưng nói vậy cũng không có nghĩa là quần chúng ủng hộ mình một cách ngẫu nhiên, vô điều kiện. Suốt 10 năm dấn thân vào hoạt động xã hội, tôi đã đến những khu nhà trọ để trò chuyện với công nhân, đến chợ trò chuyện với tiểu thương, đến trường trò chuyện với học sinh, sinh viên, giáo chức...

* Hôm nay, Nhà nước vẫn kêu gọi mọi người, mọi giới cùng chung tay xây dựng đất nước, xã hội. Ông có nghĩ rằng điều đó là cần thiết không khi đó đương nhiên là ước vọng của mọi người?

- Ngày xưa chúng tôi phải vận động, giải thích, kêu gọi từng người, từng người để quy tụ họ về cùng một mục đích. Quần chúng ở các giới quy tụ xung quanh chúng tôi và được coi là lực lượng thứ ba. Ngày nay tất cả chúng ta chỉ có một lực lượng, có chung một mục đích “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Thiết nghĩ không còn gì hơn như thế nữa. Thế nhưng chính trong nội tại cái khối tưởng như thống nhất, bền vững ấy lại có những mầm mống để chia rẽ. Và nếu để những cái mầm ấy lớn lên, thành chia rẽ thật sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.

he5qBjYY.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Hàm - Ảnh: Tự Trung

Không phải hôm nay hết chiến tranh rồi thì không còn gì phải chống. Chống tiêu cực, chống tham nhũng còn khó khăn, phức tạp hơn nữa....

Vừa rồi Đảng có đưa ra những quyết tâm mạnh mẽ để phê và tự phê, kiểm điểm để đổi mới, tôi nghĩ rằng nhân dân nghe vậy cũng rất mừng, rất chờ đợi những hành động thực tiễn. Đã trải qua đau khổ, mất mát, lòng con người vẫn luôn hướng thiện, vẫn muốn được tin vào những gì trong sạch, những điều tốt đẹp. Người lãnh đạo có tâm thật, tài thật, lý tưởng đẹp thật thì không phải lo gì về việc quần chúng không theo.

Quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi, ông Nguyễn Văn Hàm làm thơ, viết báo, giảng dạy triết học và văn chương tại các trường trung học, đại học ở Quảng Trị, Huế, Quảng Ngãi, Sài Gòn. Ông tham gia Quốc hội Sài Gòn khóa 2 (1971), là một dân biểu đối lập nổi tiếng trong hạ viện Sài Gòn, thủ lĩnh các phong trào quần chúng và Phật giáo, từng tổ chức các cuộc biểu tình, tuần hành “đòi hòa bình” lớn giữa Sài Gòn. Sau 30-4-1975, ông giữ cương vị phó chủ tịch Ủy ban quân quản Sài Gòn. Hiện nghỉ hưu tại TP.HCM.

Ông Đinh Văn Đệ: “Cái nhà là nhà của ta…”

Cuộc đời ông Đinh Văn Đệ có nhiều điều kỳ lạ. Gia đình có truyền thống theo cách mạng nhưng ông lại bị động viên đi lính, rồi trở thành trung tá, chánh văn phòng tổng tham mưu trưởng Việt Nam cộng hòa (1954-1961). Từng được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức kiêm thị trưởng Đà Lạt (1963), rồi tỉnh trưởng Bình Thuận (1964-1967). Năm 1967, ông từ chức tỉnh trưởng để tranh cử vào Quốc hội khóa đầu tiên của Việt Nam cộng hòa. Không ai biết ngay lúc đó, ông cũng tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, trở thành một điệp báo chiến lược.

Tham gia hai khóa Quốc hội, làm chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, đầu tháng 4-1975 tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cử ông làm trưởng phái đoàn sang Mỹ thuyết phục Quốc hội Mỹ cho tăng viện. Kết quả chuyến đi ấy là ông Đinh Văn Đệ được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 1.

xgYJ9Tqg.jpgPhóng to
Ông Đinh Văn Đệ - Ảnh: Tự Trung

Những ngày tháng 4 này, nhắc về chuyện cũ, ông bảo mình chỉ đóng góp được một phần rất nhỏ vào núi công sức của toàn dân tộc. Giải thích những chặng đời kỳ lạ của mình, ông nói: “Là vì tôi đã được giáo dục từ nhỏ, mang sẵn trong lòng một lòng yêu nước thật sự, yêu con người thật sự, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt chính thể, cố gắng làm những việc có lợi cho nước, cho dân. Bị động viên, tôi đành phải đi lính và nguyện giữ cái tâm lành. Bao năm đeo lon, đeo súng không một lần sát sanh, làm tỉnh trưởng chỉ một lòng giúp dân, chính vậy là tôi đã được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam chiêu mộ và phục vụ được một vài việc có ích.

Tôi giờ đã xuất gia, giữ tâm trong để theo đạo của mình (đạo Cao Đài - NV), vẫn một lòng với dân tộc. Mới sáng nay (sáng 29-4 -NV) tôi được nghe anh đại diện đạo Cao Đài báo cáo lại chuyến đi Trường Sa với các đại diện tôn giáo, người Việt nước ngoài và lãnh đạo thành phố vừa rồi. Tôi nghe mừng, vui quá. Tất cả những người Việt Nam ở mọi nơi, mọi chỗ đang có bao nhiêu mối lo chung, mối quan tâm chung cần chung tay giải quyết, xây dựng. Và cũng chỉ có chung tay mới giải quyết, xây dựng được”.

Ông cười thật tươi trên giường bệnh và nhắc lại câu hát mà ông vừa được nghe báo cáo lại từ chuyến đi Trường Sa của người đồng đạo: “Cái nhà là nhà của ta/ Công khó ông cha làm ra/ Cháu con phải gìn giữ lấy/ Muôn năm với nước non nhà”…

PHẠM VŨ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên