20/04/2019 16:11 GMT+7

Dân Sa Pa đang bị 'chém' 500.000 đồng/m3 nước sinh hoạt

CHÍ TUỆ
CHÍ TUỆ

TTO - Ngày 20-4, một cơ sở kinh doanh trên địa bàn thị trấn Sa Pa, Lào Cai phản ánh tới Tuổi Trẻ Online về tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng chưa từng có ở thị trấn du lịch này.

Dân Sa Pa đang bị chém 500.000 đồng/m3 nước sinh hoạt - Ảnh 1.

Các hộ gia đình, khách sạn ở Sa Pa phải tự tìm mua nguồn nước từ khu vực khác với giá lên đến 300.000-500.000 đồng một mét khối- Ảnh do người dân cung cấp

Theo cơ sở kinh doanh này, tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở Sa Pa đã xuất hiện khoảng một tháng nay. Khoảng hơn một tuần gần đây, chi nhánh cấp nước Sa Pa (Công ty Cổ phần cấp nước Lào Cai) cũng chỉ cung cấp "nhỏ giọt" cho người dân khoảng 2-3 tiếng mỗi ngày tùy khu vực.

Còn hôm nay đã là ngày thứ ba không thấy chi nhánh cấp nước Sa Pa bơm nước.

"Các hộ gia đình, khách sạn gần một tuần nay phải tự tìm mua nguồn nước từ khu vực khác, có người bỏ ra 300.000 đồng, 500.000 đồng để mua một mét khối nước, thậm chí có người có tiền cũng chẳng mua được vì nguồn nước rất hạn chế", đại diện cơ sở kinh doanh này nói.

Cũng theo nguồn tin này, chi nhánh cấp nước Sa Pa thông báo tình trạng thiếu nước sẽ tạm thời chấm dứt khi trời đổ mưa. nhưng từ giờ đến dịp nghỉ lễ 30-4 theo dự báo thời tiết sẽ không có cơn mưa nào ở thị trấn Sa Pa.

"Cao điểm ngày lễ sắp đến gần, phòng nghỉ ở Sa Pa đã kín khách đặt chỗ, mà hầu hết khách sạn, nhà nghỉ đều thiếu nước trầm trọng. Nếu tình trạng này kéo dài và diễn ra trong dịp nghỉ lễ thì sợ rằng sẽ 'vỡ trận'", đại diện cơ sở kinh doanh lo lắng

Dân Sa Pa đang bị chém 500.000 đồng/m3 nước sinh hoạt - Ảnh 2.

Thiếu nước trầm trọng, người dân thị trấn Sa Pa phải mua nước sinh hoạt từ các vùng lân cận - Ảnh do người dân cung cấp

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Tân Phong - chủ tịch UBND huyện Sa Pa - cho biết hiện tượng thiếu nước sinh hoạt đã bắt đầu ngay từ mùa khô năm nay. Từ lúc đó huyện đã yêu cầu chi nhánh cấp nước Sa Pa xây dựng kế hoạch và thông báo cho người dân biết lịch cắt nước luân phiên theo từng khu vực và khuyến cáo người dân có dụng cụ dự phòng, dự trữ nước.

"Tuy nhiên, nhiều nhà hàng, khách sạn thường chỉ làm bể chứa 3-4mmà không đầu tư xây dựng bể lớn ngầm theo khuyến cáo của huyện để vẫn có nước dùng khi nhà máy nước cấp nước theo lịch", ông Phong nói

Nguyên nhân thiếu nước, theo ông Phong, ngoài nguồn nước ở hồ Thác Bạc hiện đã xuống mực nước chết thì nguồn nước ở Suối Hồ, được UBND tỉnh Lào Cai cho phép chi nhánh cấp nước Sa Pa khai thác để đảm bảo công suất, còn phải sẻ chia cho 60ha lúa chứ không dành hoàn toàn cho cấp nước đô thị.

Từ đầu năm đến nay, ở Sa Pa cũng hầu như không có mưa nên các nguồn cung cấp nước bị thiếu trầm trọng.

Trước lo ngại đối với dịp nghỉ lễ 30-4 đang tới gần, chủ tịch UBND huyện Sa Pa nói huyện sẽ cố gắng hết sức tìm giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Trước mắt là tiếp tục cấp nước luân phiên theo lịch để các cơ sở kinh doanh, lưu trú, người dân dự trữ.

Cùng với đó là vận động người dân chuyển đổi cây trồng khác, không trồng lúa, để ưu tiên nước sinh hoạt cho đô thị.

Huyện cũng sẽ khuyến cáo khách du lịch, người dân sử dụng tiết kiệm nước tối đa, thậm chí sử dụng lại nguồn nước để tưới tiêu.

Về lâu dài, tỉnh Lào Cai và huyện Sa Pa đã chủ trương đến năm 2020 có một nhà máy khai thác nước từ trong vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn, hứa hẹn đáp ứng cho cả thị trấn và khu đô thị Sa Pa mở rộng, cũng như nhu cầu phát triển sau này.

Về thông tin người dân, hộ kinh doanh nhà hàng, khách sạn trên địa bàn phải mua nước sạch từ vùng khác với giá lên đến 500.000 đồng/m3, ông Phong cho biết chưa nhận được thông tin và ánh từ cơ sở.

Dân Sa Pa đang bị chém 500.000 đồng/m3 nước sinh hoạt - Ảnh 3.

Người dân thị trấn Sa Pa phản ánh là đã 3 ngày nay không được cung cấp nước sinh hoạt - Ảnh do người dân cung cấp

Xây dựng chưa phải là nỗi lo lớn nhất! Xây dựng chưa phải là nỗi lo lớn nhất!

TTCT - Không chỉ nuối tiếc về một Sa Pa yên bình, thơ mộng, nhiều bạn đọc khi đọc và xem hình ảnh trong bài “Sa Pa trước ngã ba đường” và “Choáng váng Sa Pa” trên TTCT số 41 còn lo ngại cho tương lai của Sa Pa. TTCT xin cung cấp thêm các góc nhìn khác từ các nhà chuyên môn, nhà quản lý và “người trong cuộc”...

CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên