![]() |
Bởi vậy các ông rỉ tai nhau ra quán thịt dê ăn món ngọc dương hầm thuốc Bắc vì nghe nói là bổ “cái đó” dữ lắm. Vì thế giá 1 con dê đực đắt gần gấp 2 con dê cái, mà lấy đâu ra lắm dê đực? Thói thường của hiếm là của quý, có cầu là có cung. Mới đây công ty X ở Tân Bình nhập từ Australia về 1,5 tấn ngọc dương.
Điều nguy hiểm là khi kiểm tra bất ngờ thì đoàn kiểm tra Vệ sinh an toàn thực phẩm phát hiện trên các thùng hàng ghi rõ sản phẩm từ động vật không ăn được (Declaration and Certificate for shipments of inedible animal products), nhưng gần 2/3 cái sản phẩm này đã được tung ra thị trường. Đây quả là một cú sốc đối với quý ông, bởi chả biết sắp tới đây có “xác phàm” nào bị "thần khẩu" hại do cái món ngọc dê phế thải từ nước Úc xa xôi kia không? <?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Bổ hay không còn tùy
Dê là một con vật được xếp vào hàng “Lục súc tranh công” (ngựa, trâu, dê, lợn, chó, gà). Dê núi ăn lá, vỏ cây và khi “muốn” thì từ bộ phận sinh dục tiết ra một mùi hấp dẫn dê cái đến “làm ăn”. Có lẽ vì vậy “của quý” của chúng mới gọi là “ngọc dương”.
Chúng “làm” không lâu như chú cẩu, nhưng lại có khả năng “làm bàn” với hàng chục nàng dê cái. Cha ông ta quan sát và cho rằng “kho vũ khí” của chúng thuộc hàng hiện đại và mạnh đến mức “bắn liên thanh” mà vẫn leo núi khỏe re, nên theo thuyết “ăn gì bổ nấy” thì ngọc dương trở thành món ăn nâng cao bản lĩnh. Theo sách của giáo sư Đỗ Tất Lợi thì ngọc dương hầm thuốc Bắc có tác dụng bổ dương, kiện tì vị, thích hợp với quý ông đau lưng, mỏi gối, dương sự yếu...
Tuy nhiên, từ ông tổ danh y Tuệ Tĩnh đến Hải Thượng Lãn Ông đều đưa ra những bài thuốc hầm chung với ngọc dương chứ không phải cứ nuốt riêng cái “khẩu súng liên thanh” ấy. Sự phối hợp còn tùy vào mỗi cơ thể, chứ không có chuyện tốt đại trà. Đó là chưa kể “ngọc” phải là của chú dê đang sung mãn, chứ không phải là “dê cụ”.
Ở người này thì ngâm rượu uống, người khác thì hấp rượu và phải đựng trong thố bằng sành, người kia lại nấu lẩu “ngọc” với hạt và củ sen bởi hạt và củ sen có tác dụng cố tinh. Có người thì phải dùng nguyên bộ ngọc dương nấu chung với nhân sâm, kỷ tử, hoài sơn, nhục quế, đại táo. Ông nọ được thầy cho thang thuốc chứa dâm dương thảo, kỷ tử, phụ tử chế, ông kia lại được gia giảm thêm những vị khác...
Trong khi vô quán ăn ngọc dương, quý anh được thưởng thức duy nhất một công thức. Tuy nhiên, với một chút Testosterone dê, một chút L-arginin là chất sinh ra NO (Nitric oxide) và một chút alcool (thường món này hay kèm theo rượu) lại thêm sự tin tưởng vào “xuân dược” (ở Trung Quốc những gì liên quan đến tình dục gọi là “xuân”, chẳng hạn “xuân tửu” hay “xuân dược”, chuyên ân ái gọi là “xuân sự”) thì về nhà tình hình có khá hơn chút đỉnh. Vì vậy có anh lý luận với vợ rằng “ăn lâu mới ngấm” để lấy cớ trở thành mối ruột của quán.
Ăn ngọc dương phế thải liệu có sao không?
Có lẽ vì cái sự đồn thổi món ăn này nên công ty X nhận ra phi vụ béo bở mới nhập về. Chuyện nhập khẩu thịt bò Úc không có gì mới, nhưng nhập “ngọc dương” từ Úc về lại được khuyến cáo là không ăn được, thì quả là gan cùng mình.
L-arginin là một acid amine, để lâu nó phân hủy không thành được Nitric oxide (NO) mà thành những chất độc thì có mà nguy to. Mong là quý ông muốn “xuân sự” diễn ra tốt đẹp cũng nên cảnh giác, kẻo xơi phải cái món “ngọc phế thải” coi chừng “cơ quan chủ quản” có nguy cơ hóa “bún”. Đó là chưa kể rải rác ở một số tỉnh miền Tây Nam bộ ít hôm lại nghe tin mấy anh “ra đi” sau chầu nhậu.
E rằng món ngọc dương hiếm hoi đã bị “bốc thơm” để đến nỗi hầu bao thì teo mà coi chừng “cái đó” cũng teo luôn.
Tuổi Trẻ Cười số 3854 (ra ngày 1-8-2009) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận