12/04/2008 06:04 GMT+7

Đàn ông và "chữ trinh"

 TS HUỲNH VĂN SƠN
 TS HUỲNH VĂN SƠN

TT - Sau bài báo "Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường" (Tuổi Trẻ 5-4-2008), chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi khác nhau của bạn đọc...

s5MVuyRM.jpgPhóng to
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Từ xa xưa, trinh tiết được xem là cái "ngàn vàng". Đã là ngàn vàng thì không ai không muốn có. Suy nghĩ này được mặc định một cách rất sâu sắc thông qua giáo dục từ gia đình, từ định kiến xã hội... Thay đổi điều này thật khó khi quan niệm hay sự đồng hóa giữa trinh tiết và đạo đức vẫn còn được nhiều người khư khư ôm chặt...

Kẻ chiếm đoạt và người sở hữu!

Khi yêu, nhiều người đàn ông muốn đòi hỏi, muốn tấn công; nhưng khi cưới lại muốn mình là người đầu tiên "tỏ thông nguồn lạch". Sao có điều nghịch lý như thế? Nhu cầu tìm hiểu, khám phá "trái cấm" vốn là nhu cầu rất bản năng của đàn ông. Sẽ thật bất thường nếu như khi yêu mà người đàn ông không đòi hỏi...

Không ít đàn ông bắt đầu cuộc chinh phục từ rất sớm. Với quan điểm yêu để khám phá nên phần nào làm suy nghĩ của người đàn ông trở nên nhỏ nhen. Vì để chinh phục, để chiếm đoạt nên điểm đến của không ít đàn ông lại là chuyện gối chăn, và như vậy trinh tiết lại trở thành phần quan trọng và đầy sức hút...

Cũng không ít đàn ông vì cái tôi ích kỷ của mình nên luôn nhìn vấn đề trinh tiết một cách rất cứng nhắc, đầy mâu thuẫn và rất bất công với phụ nữ! Khi cưới hay thậm chí lúc ra yêu sách bắt người yêu dâng hiến, người đàn ông luôn đòi hỏi "đối tác" phải vẹn nguyên. Thế nhưng bản thân người đàn ông liệu có còn nguyên vẹn? Nhiều cuộc nói chuyện của chúng tôi tại một số trường ĐH cho thấy đa số nam SV vẫn ngớ người khi bị đặt câu hỏi: Liệu bạn có còn trong trắng hay không mà buộc người yêu, người vợ mình không được có "tì vết"? Họ không trả lời thẳng câu hỏi mà cười "huề vốn" hoặc gãi đầu bối rối cho thấy khó có thể thay đổi được nhận thức của những người đàn ông trong cuộc, nếu như sự thông thoáng trong nghĩ suy bình đẳng giới chưa được giải quyết.

Với nhiều đàn ông khác, không hẳn yêu để yêu mà là yêu để cưới. Đó là người sẽ là vợ mình, sẽ là mẹ của con mình; vì vậy sự căng thẳng trong nhận thức về trinh tiết sẽ xuất hiện. Họ đồng hóa chữ trinh là phẩm giá, là đức hạnh của người phụ nữ, và vô tình ép lòng mình trở thành người ích kỷ. Những người chồng này không thoát được khỏi quán tính của suy nghĩ, không vượt qua được sức "ì” của những yếu tố thuộc về luân lý trong suy nghĩ của nhiều thế hệ trước... nên lối hành xử cả trong suy nghĩ và thực tiễn trở nên cảm tính và đôi khi là tàn nhẫn, thiếu nhân văn!

Vì sao chính kẻ "chiếm đoạt" lại không có trách nhiệm với hành vi của mình? Tại sao nhiều người đàn ông khi yêu thiếu sự kiềm chế, nhưng chính họ cũng không thể cho qua những gì mình đã tạo ra? Vấn đề sâu sắc là ở đây. Có nhiều lý do khác nhau, nhưng chính lối tư duy phong kiến đã cho người đàn ông cái quyền được nhìn người phụ nữ theo kiểu: "làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu...".

Hãy tách bạch "cái ngàn vàng" và đạo đức!

Có thể thấy ngay ở những quốc gia khá phát triển thì tỉ lệ đàn ông chấp nhận và cảm thấy thoải mái khi lấy một phụ nữ đã từng có gia đình vẫn rất cao. Những số liệu công bố về quan niệm hôn nhân của giới trẻ Thái Lan (năm 2006) cho thấy: sự đồng điệu về tâm hồn, sự tương thích về quan điểm sống, biết chăm sóc nhau, biết hi sinh... là những yếu tố ở các thứ hạng cao nhất. Trinh tiết đã không còn chỗ đứng trong 10 thứ hạng của những tiêu chí hướng đến người bạn đời. Điều này chứng tỏ hơi thở của đời sống hiện đại, màu sắc của bình đẳng giới thật rõ ràng và sắc nét ở nước bạn.

Quan niệm về "cái ngàn vàng" không hẳn sai, nhưng vấn đề đừng hiểu tiết hạnh là chữ trinh khô cứng và vô cảm. Cũng đừng nhìn từ góc độ săm soi cái sự còn hay mất "cái màng trinh" của một nhà giải phẫu học! Chúng ta đang yêu hay đang ở trong một tiết học về... trinh tiết học hoặc một cuộc điều tra có tính hình sự?

Làn sóng thay đổi về quan niệm trinh tiết đang diễn ra một cách rất nhân văn ở một số quốc gia hiện đại. Không hẳn là khuyên các cô gái thoải mái, vô tư "cho không biếu không", mà chính là sự điều chỉnh suy nghĩ chủ quan của những người đàn ông vẫn còn nặng nề về chữ trinh hiểu theo nghĩa đen của nó.

Còn ở nước ta? Cuộc phỏng vấn hơn 300 bạn trẻ trong một buổi nói chuyện về giáo dục giới tính tại NVH Thanh niên TP.HCM vào cuối năm 2007 cho thấy chỉ hơn 30% bạn nam không quan trọng chuyện trinh tiết của người yêu và vợ. Còn lại xấp xỉ 70% đàn ông không thể chấp nhận hay chấp nhận miễn cưỡng và đau đớn, trong sự day dứt và xót xa... Chính điều này làm người cùng cảnh khổ hơn bao giờ hết. Và cũng chính điều này làm tăng phần "thô ráp" khi đánh giá về phẩm hạnh người phụ nữ...

Hãy tách bạch chữ trinh và đạo đức, nhân phẩm người phụ nữ. Đằng sau sự mất hay còn ấy là gì? Là tình yêu mãnh liệt, là khao khát rất con người, là sự dâng tặng... Song hành với sự mất hay còn ấy là những gì? Là sự dại dột của tuổi trẻ, một tai nạn, một oan ức... Hãy phân biệt giá trị đích thực của một con người với những gì thuộc về trị giá. Đừng định lượng "cái ngàn vàng" của người phụ nữ như một con buôn ở chợ. Điều ấy hoàn toàn không xứng với một người đàn ông chân chính.

 TS HUỲNH VĂN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên