07/12/2011 07:50 GMT+7

Dân gửi đơn "tố" chủ đầu tư Keangnam

X.LONG  - M.QUANG
X.LONG  - M.QUANG

TT - Ngày 6-12 ông Trần Xuân Trạch, tổ trưởng tổ dân phố lâm thời, phó trưởng ban đại diện cư dân tòa nhà Keangnam (Hà Nội), cho biết vừa ký đơn tố cáo Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina gửi lên UBND TP Hà Nội vì công ty này vi phạm mức trần phí quản lý nhà chung cư, cản trở người dân sử dụng thang máy.

iytUy6Fp.jpgPhóng to
Cư dân Keangnam nhóm bếp than tổ ong nấu cơm nước ngay sảnh tòa nhà - Ảnh: MINH QUANG

Chủ đầu tư Keangnam khôi phục thẻ từBị cắt điện, dân Keangnam nấu cơm bằng thanYêu cầu Keangnam công khai phí dịch vụ

Tìm hiểu thêm những khu chung cư cao cấp khác tại Hà Nội, mới thấy những chuyện tương tự đã xảy ra với cách ứng xử của chủ đầu tư khiến nhiều người được tiếng ở “nhà giàu” mà luôn cảm thấy đau đầu.

Người giàu cũng... khóc ròng

Ông Trần Xuân Trạch cho hay mong muốn tìm được một khu nhà có chất lượng tốt, không gian nghỉ ngơi hợp tuổi già, gia đình ông gom góp được gần 10 tỉ đồng mua căn hộ số A1609 Keangnam diện tích 180m2, giá mua 60 triệu đồng/m2. Với giá mua cao ngất ngưởng này, ông tin sẽ được hưởng chất lượng, không gian sống như ý gia đình mong đợi...

Theo ông Trạch, nếu xét theo các tiêu chí và mức đầu tư của người dân lên tới hàng chục tỉ đồng cho mỗi căn hộ, cách ứng xử của chủ đầu tư Keangnam như vừa qua đã đánh mất niềm tin đối với khách hàng. “Nhiều hộ dân trong tòa nhà thất vọng khi thấy chủ đầu tư ứng xử như vừa rồi. Quan điểm của người dân là đơn vị cung cấp dịch vụ ít nhất phải cầu thị, bản thân người dân cũng không yêu cầu giá dịch vụ phải theo đúng mức giá trần 4.000 đồng/m2 như theo quy định của thành phố nếu các dịch vụ của Keangnam tốt hơn. Còn việc Keangnam áp đặt giá dịch vụ tới 18.700 đồng/m2 mà không công khai giá các loại dịch vụ, không có thỏa thuận với người dân thì đương nhiên chúng tôi không chấp nhận, thậm chí sẵn sàng yêu cầu Keangnam chỉ cung cấp các dịch vụ thiết yếu và thu đúng theo giá trần của thành phố” - ông Trạch nói.

Tương tự, tại khu nhà The Manor, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm (Hà Nội), mặc dù người dân nhận nhà về ở tại đây từ năm 2007, nhưng theo bà Nguyễn Nhung Hạnh, tổ trưởng tổ dân phố số 3, xã Mễ Trì, phó ban quản trị lâm thời khu The Manor, trong suốt năm năm về ở tại khu nhà thì có tới bốn năm người dân cảm thấy luôn căng thẳng với chủ đầu tư.

Bà Hạnh cho biết vào thời điểm năm 2004 giá bán căn hộ tại The Manor là 1.000 USD/m2. Với giá bán này, nhiều người mua trông mong sẽ được ở một căn hộ khang trang, được hưởng văn hóa ứng xử và không gian sống văn minh, thân thiện. “Chuyện gây sức ép không cho người dân mang xe vào hầm cũng đã xảy ra. Vậy là từ chỗ chọn một nơi nghỉ ngơi lại trở thành phải làm việc, đấu tranh cật lực. Đến giờ chúng tôi đã tính toán và chỉ đồng ý trả phí dịch vụ theo mức 7.000 đồng/m2, chủ đầu tư cũng phải đồng ý mức này, nhưng rõ ràng nếu cứ ứng xử theo kiểu áp đặt, ngăn sông cấm chợ thì chủ đầu tư tự sẽ “giết” thương hiệu của mình” - bà Hạnh than phiền.

Cần lập ban quản trị chung cư

Theo bà Hạnh, để “bùng phát” những mâu thuẫn giữa chủ đầu tư các khu chung cư và người dân hiện nay là do các quy định quản lý của Nhà nước về nhà chung cư còn thiếu, cơ sở pháp lý còn kẽ hở, đồng thời cũng do văn hóa doanh nhân của các chủ đầu tư nặng chạy theo lợi nhuận mà đánh mất chữ tín.

Keangnam Vina và cư dân chưa đạt được thỏa thuận

Chiều tối qua (6-12), ông Lê Văn Thư, chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, đã chủ trì cuộc làm việc với Keangnam Vina và cư dân sinh sống tại tòa nhà Keangnam với sự có mặt của đại diện các sở, ngành liên quan sau sự cố Keangnam Vina cắt dịch vụ hôm 3-12. Tuy nhiên, buổi làm việc vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào về mức phí dịch vụ đối với cư dân sinh sống trong tòa nhà này mà tiếp tục để hai bên đàm phán với nhau.

“Liên minh chung cư của chúng tôi hiện đã liên kết được sáu khu chung cư được cho là cao cấp, hiện đại. Các khu đã thống nhất nếu được hưởng dịch vụ tốt, người dân sẵn sàng trả cao hơn giá trần, nhưng giá phí dịch vụ phải đúng đồng tiền bát gạo, phải công khai, minh bạch. Đồng thời tới đây liên minh chung cư sẽ đề nghị thành phố Hà Nội ban hành hướng dẫn về việc lập ban quản trị, tiêu chí là mỗi khu chung cư phải có một ban đại diện cho quyền lợi của người dân và triệt tiêu tình trạng lạm quyền của chủ đầu tư” - bà Hạnh nói.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc thành lập được ban quản trị chung cư tại các khu nhà là yếu tố “cốt lõi” để giải quyết mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và người dân về phí dịch vụ. Ông Liêm cũng cho rằng khi có ban quản trị, việc thuê đơn vị nào cung cấp dịch vụ là do ban đại diện quyết định, việc này sẽ chống được sự độc quyền trong khai thác dịch vụ nhà chung cư khi đơn vị khai thác là “sân sau” của chủ đầu tư như hiện nay.

Cũng theo một số chuyên gia xây dựng, để giảm bớt mâu thuẫn phát sinh, Bộ Xây dựng cần có quy định về mẫu hợp đồng mua nhà, không để tình trạng mỗi chủ đầu tư tự soạn một kiểu hợp đồng bán nhà như hiện nay, trong đó không ít điều khoản thua thiệt được đẩy về phía người mua nhà.

X.LONG  - M.QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên