Nhóm chị Ánh gửi suất cơm ấm lòng đến lao động nghèo - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Mình giúp người khó qua khúc ngặt mà. Tinh thần người Đà Nẵng tương thân tương ái xưa giờ, nên dù khó khăn đến đâu thì tình người vẫn tiếp diễn.
John Hoang khiêm tốn nói.
Họ đem gạo, cơm, mắm muối... đi gõ cửa từng phòng trọ, các khu phong tỏa. Những suất cơm yêu thương trên các nẻo đường vẫn được phát đi giữa ngày hè miền Trung bỏng rát.
Từ những suất "cơm chan"
"Anh bạn tôi bán cơm, trưa nào cũng có các cô vé số và người già vào nói bán cho đĩa cơm 10.000 đồng chan chút nước và rau. Thế là chúng tôi cùng làm cơm yêu thương phục vụ miễn phí cho cô chú..." - lời chia sẻ của anh Lê Phương chỉ ngắn gọn như thế trên mạng xã hội để nhờ mọi người thông tin đến những hoàn cảnh khó khăn, đã khiến nhiều người xúc động.
Những đợt dịch nối tiếp nhau bùng phát, gọi là đợt dịch thứ 5 là do Đà Nẵng đã có một khoảng thời gian "yên ổn" sau những ca mắc cùng thời điểm dịch bùng phát ở Bắc Giang, Bắc Ninh đến cuối tuần trước.
Anh Lê Phương cùng hai người bạn của mình là Tôn Thất Tuấn Anh và Nguyễn Trần Quân đã hợp lực cùng một số người nữa để người đi chợ, người nấu nướng, người chuẩn bị trái cây...
Nhờ anh Quân là chủ quán cơm nên những phần cơm được tính toán làm sao cho vừa phải ngon vừa đảm bảo chi phí và chất lượng.
Vậy là mỗi tháng hai lần vào chủ nhật đầu và giữa tháng, tại quán cơm trên đường Yên Khê 2, những người lao động khó khăn lại tìm đến nhận suất cơm ấm lòng giữa mùa dịch.
Ba người đàn ông tính toán phải làm sao kêu gọi được nhiều sự góp sức thì mới bền được những suất ăn, chí ít là trong khoảng một năm đợi ngày bà con ổn định cuộc sống.
Cũng như cơm yêu thương, hai điểm phát nhận cơm ở đường Nguyễn Chí Thanh và Ông Ích Khiêm vẫn đón những khách hàng thân quen vào mỗi trưa thứ bảy.
Bắt đầu từ tháng 3 năm ngoái đến nay, điểm nhận cơm 0 đồng này vẫn đang hoạt động. Chiếc bàn rộng đặt trước cửa hàng thực phẩm hữu cơ vẫn còn những suất ăn ngon và đảm bảo được bày sẵn để ai cần thì ghé lấy.
Giữa trưa nắng, bà Hồ Thị Lợi (72 tuổi) bán vé số đứng giãn cách đợi, rồi cẩn thận sát khuẩn để nhận một phần mì. "Bình thường tụi tui hay mua hộp cơm chan nước kho, hay rau ráng cho qua bữa, nay thứ bảy thì ghé lại đây nhận một phần ăn.
Những người bán vé số như tui chẳng mấy khi được ăn hộp mì nhiều thịt như ri, giữa mùa dịch giã lại càng quý" - bà Lợi xúc động nói.
Người dân khó khăn trong khu cách ly tam giác đường Lý Thái Tổ được tiếp tế thực phẩm - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Đi từng ngõ, gõ từng phòng trọ
Hai điểm phát nhận cơm nói trên là từ tấm lòng của chị Dương Thị Ngọc Ánh (34 tuổi, quản lý của một hệ thống thực phẩm hữu cơ).
Đều đặn 100 - 300 suất ăn mỗi tuần được nấu từ nguyên liệu tươi sống của cửa hàng, nhân viên tại bếp ăn ở cửa hàng là những tình nguyện viên đảm nhận hết việc nấu nướng, gửi các suất ăn đến tay bà con khó khăn.
Chị Ánh chia sẻ: "Thời điểm dịch căng thẳng, mọi người tuân thủ giãn cách là lúc những người lao động phải chạy ăn từng bữa vốn đã khó nay càng khó hơn. Mình giúp một miếng khi đói bằng một gói khi no vậy".
Theo chị Ánh, cũng như hầu hết doanh nghiệp, việc kinh doanh của chị cũng gặp không ít khó khăn vì dịch nhưng "mình khó vẫn có người khó hơn mình".
Không chỉ nấu những suất ăn phát tại chỗ, khi nghe tin có khu vực phong tỏa nào nhiều hộ gia đình khó khăn, chị lại cấp tốc liên hệ để chuyển hàng trăm phần ăn đến tận nơi và lên kế hoạch tặng những suất thực phẩm hỗ trợ bà con. Nhiều khách hàng thấy được việc làm bền bỉ của chị trong thời gian dài, đã hỗ trợ thêm chi phí để chị tiếp tục giúp đỡ người khó.
Khác với đợt dịch đầu tiên, người yếu thế nhận được nhiều sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, đến đợt dịch thứ 5 thì nhiều nơi, nhiều người sức lực cũng cạn dần. Nhưng sâu trong những con hẻm, vẫn có những tình nguyện viên lặn lội đi từng ngõ, gõ từng phòng trọ để xác minh hoàn cảnh những người khó khăn.
Anh John Hoang, một người trẻ hằng ngày vẫn kiên nhẫn đăng những dòng tin kêu gọi trên trang cá nhân để xin hỗ trợ cho người yếu thế và nhận thông tin gửi về ở đâu đó có hoàn cảnh khó khăn. Ngay sau đó, anh cùng các cộng sự lại mang nào gạo, mắm muối, mì gói, rau củ... lên đường.
Jonh Hoang nói anh và nhóm của mình không giúp ồ ạt vì xác định dịch hãy còn dài, sau dịch người dân vẫn khó. Anh dự trữ kinh phí và lương thực quyên góp được đợi xác minh chính xác các hoàn cảnh rồi mới đưa đến tận tay...
Anh khiêm tốn nói mình chỉ là cầu nối, là "kẻ đi xin". John Hoang nói thế nhưng nhờ những người tình nguyện đi xin như anh, đã có rất nhiều mảnh đời có được điều cơ bản: những bữa cơm đủ chất qua mùa dịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận