![]() |
Hàng trăm sinh viên Trường cao đẳng Đông Á (Đà Nẵng) tham gia đối thoại với Chủ tịch nước - Ảnh: V.Hùng |
Lấy đối thoại thay cho độc thoại là một bước tiến trên tiến trình dân chủ hóa xã hội. Chính vì thế, dư luận đã hết sức hoan nghênh và đón chờ cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ trước đây cũng như hoan nghênh và chờ đón cuộc đối thoại của Chủ tịch nước với thanh niên diễn ra một ngày trước lễ kỷ niệm thành lập Đoàn 26-3-2007. Có thể nói đây là một cuộc thực hành dân chủ có ý nghĩa vượt ra khỏi phạm vi một buổi đối thoại. Như kết luận của Chủ tịch nước: “Buổi đối thoại đến đây kết thúc, nhưng chỉ kết thúc ở hội trường này, còn việc đối thoại giữa các bạn trẻ với chúng tôi thì sẽ không bao giờ kết thúc. Chúng tôi mong muốn bằng nhiều hình thức khác nhau - kể cả việc đối thoại trực tiếp như hôm nay - sẽ được tiếp tục”.
Ngược lại với độc thoại, với thói quen chỉ biết ban phát ý kiến dẫn dắt, soi đường chỉ lối mà không quen lắng nghe và tiếp nhận thông tin từ cuộc sống: tác phong đối thoại được xác lập từ nhận thức rằng chân lý đến từ quá trình tìm tòi, suy ngẫm, phân tích và tiếp nhận trong dòng chảy miệt mài liên tục của cuộc sống. Bởi lẽ,“hàng nghìn hạt bụi mới tạo thành phù sa và chính từ phù sa ấy, những tư tưởng mới nẩy mầm”.
Nói dân chủ là đối thoại là từ cái lẽ như Voltaire, “người phát ngôn của tự do công dân” của “thế kỷ ánh sáng”, khẳng định: “Tôi có thể không đồng ý với điều anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ cho đến chết quyền của anh được nói điều đó”. Cũng trên tinh thần đó, Hồ Chí Minh nói đơn giản: “Dân chủ là để cho dân mở miệng ra”.
Chính vì thế mà nói rằng ý nghĩa cuộc đối thoại của Chủ tịch nước và của Thủ tướng Chính phủ vượt ra khỏi phạm vi một buổi gặp gỡ và trao đổi với thanh niên, với dân, để khởi động một tiến trình dân chủ nhằm tạo động lực cho sự phát triển đất nước trong bối cảnh mới, trong cảm nhận về vận nước đã đến, thế nước đang lên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận