05/02/2019 12:33 GMT+7

Dân châu Á thích chơi hàng xịn

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Thị trường hàng cao cấp trước đây chủ yếu dành cho dân Mỹ và châu Âu. Từ thập niên 1980, người Nhật bắt đầu lấn lướt, sau đó dân Brazil và Trung Quốc nổi lên từ thập niên 2000. Hiện nay, dân châu Á đang chiếm số đông.

Dân châu Á thích chơi hàng xịn - Ảnh 1.

Dự báo đến năm 2025, thị trường hàng cao cấp ngày càng trẻ hóa - Ảnh: AFP

"Henry" là chữ viết tắt của "high earner not rich yet", dịch nôm na là "người có thu nhập cao nhưng chưa giàu". Giới tiếp thị hàng cao cấp chế ra chữ viết tắt "Henry" từ năm 2016 dùng để chỉ tầng lớp có thu nhập thoải mái nhưng chưa trở thành tỉ phú.

Giáo sư Pháp Christel de Lassus Pháp giải thích: "Trước đây 'Henry' là tầng lớp xã hội giữa trung lưu và người giàu, chủ yếu là công dân Mỹ khoảng 30 tuổi, thường là dân công nghệ ở Thung lũng Silicon có thu nhập hàng năm từ 250.000 USD đến 500.000 USD. Còn bây giờ, tầng lớp 'Henry' chủ yếu sống ở các nước mới nổi".

Hàng cao cấp chạy về châu Á

Trong 415 triệu khách hàng mua hàng cao cấp trên thế giới (gồm hàng cao cấp cá nhân và các sản phẩm/dịch vụ trải nghiệm), dân châu Á chiếm đến 51% so với 23% dân Mỹ và 19% dân châu Âu.

Trong báo cáo thường niên công bố vào trung tuần tháng 11-2018, Công ty tư vấn chiến lược Bain & Company (Mỹ) phối hợp với Quỹ Altagamma (Ý) đánh giá thị trường hàng cao cấp tuy phát triển chậm lại trong năm 2018 nhưng vẫn giữ mức tăng trưởng tốt 5%.

Năm 2018, khách hàng Trung Quốc chiếm 33% mức chi tiêu hàng cao cấp trên thế giới so với 32% năm 2017. Sức mua từ Nhật có giảm nhẹ nhưng doanh số bán lẻ hàng cao cấp vẫn tăng 3%, một phần do du khách đến Nhật tiêu xài.

Ở các nước châu Á khác, doanh số bán lẻ tăng 7% nhờ người sử dụng hàng cao cấp ở Hàn Quốc mạnh tay mua sắm và sức mua duy trì ổn định ở Singapore, Thái Lan và lãnh thổ Đài Loan.

Trên thị trường châu Mỹ, sức mua hàng cao cấp tăng 5%. Do kinh tế Mỹ khởi sắc, dân có tiền ở Mỹ mua sắm nhiều hơn trong khi du khách đến từ châu Á và Mỹ La-tinh lại bóp hầu bao. Canada và Mexico vẫn là hai nước tiêu thụ hàng cao cấp đáng kể trong khu vực.

Tại châu Âu, sức mua hàng cao cấp nằm ì tại chỗ. Du khách nước ngoài không xài tiền bạo như trước nhưng do sức mua trong nước vẫn ổn định nên mức tăng trưởng đạt 1%.

Đối với các khu vực còn lại trên thế giới, mức tăng trưởng hàng cao cấp đạt con số tròn trĩnh 0%, chủ yếu do tình hình hạn chế chi tiêu ở Trung Đông.

Năm 2018, hai thế hệ Y và Z đã thúc đẩy tăng trưởng 100% thị trường hàng cao cấp so với 85% năm 2017

Báo cáo của Công ty Bain & Company

Dân châu Á thích chơi hàng xịn - Ảnh 3.

Khách hàng Trung Quốc chiếm 33% tổng chi tiêu mua hàng cao cấp trên thế giới trong năm 2018 - Ảnh: AFP

7 xu hướng xài hàng cao cấp năm 2025

Báo cáo thường niên của Công ty Bain & Company dự báo đến năm 2025, thị trường hàng cao cấp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng từ 3%-5%/năm, riêng hàng cao cấp cá nhân đạt tăng trưởng nhỉnh hơn (6%).

Đến năm 2025 dự kiến sẽ hình thành 7 xu hướng:

1. Dân Trung Quốc gia tăng sức mua trong nước: Người tiêu dùng Trung Quốc sẽ chiếm tối thiểu 45% thị trường hàng cao cấp và 50% mặt hàng sẽ được tiêu thụ trong nước. Từ năm 2015-2018, sức mua nội địa của dân Trung Quốc đại lục đã tăng gấp đôi so với sức mua ở nước ngoài.

2. Thương mại điện tử và kỹ thuật số: Mua hàng trên mạng sẽ chiếm ¼ doanh số thị trường hàng cao cấp so với 10% hiện nay. Mạng Internet sẽ tác động đến 100% sức mua hàng cao cấp trong khi công nghệ số như thực tế ảo hoặc thanh toán di động sẽ ảnh hưởng đến 50% sức mua.

3. Giảm các điểm bán hàng: Do doanh số bán hàng qua mạng phát triển, số cửa hàng thực tế sẽ giảm. Từ đó, vai trò của điểm bán hàng cũng sẽ chuyển đổi từ điểm bán hàng thông thường trở thành điểm tiếp xúc khách hàng.

4. Thị trường sẽ trẻ hóa: Thế hệ trẻ sẽ trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng hàng cao cấp. Thế hệ Z (sinh sau năm 1995) và thế hệ Y (sinh từ năm 1981-1995) sẽ chiếm 55% thị phần năm 2025.

5. Văn hóa và văn hóa nhóm: Văn hóa (tôn giáo, dân tộc) và văn hóa nhóm (cộng đồng thiểu số) sẽ quyết định xu hướng tiêu dùng đối với thời trang và hàng cao cấp. 

6. Biên giới của cạnh tranh đan xen với nhau: Các thương hiệu hàng cao cấp sẽ thử nghiệm các mặt hàng mới vốn dĩ đã từng cạnh tranh với nhau chứ không còn ôm một mặt hàng truyền thống.

7. Tính năng động trở thành tiêu chuẩn mới: Kỹ thuật số sẽ làm thay đổi cách thức chi tiêu và doanh số bán hàng cao cấp. Khả năng sinh lãi sẽ ổn định nếu các thương hiệu hàng cao cấp áp dụng cách thức tiếp cận năng động hơn.

Dân châu Á thích chơi hàng xịn - Ảnh 4.

Dân châu Á chiếm 51% trong 415 triệu khách mua hàng cao cấp trên thế giới. Trong ảnh là một cửa hàng quần áo thời trang H & M ở Singapore - Ảnh: singaporetravelhub.com

Trong năm 2018, giày dép và đồ trang sức cao cấp tăng trưởng mạnh (7%), kế đến là túi xách và mỹ phẩm.

Mặt hàng đồng hồ đeo tay cao cấp giữ ổn định trong khi trong lĩnh vực thời trang, quần áo may sẵn nam giới sút giảm.

Năm 2018, hàng cao cấp giá rẻ tăng doanh số do người dân châu Âu tiêu thụ mạnh, trong đó hai mặt hàng hút khách hơn hết là đồ trang sức và đồng hồ đeo tay.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên