Bộ trưởng Thương mại Nhật Akira Amari kêu gọi Mỹ nhượng bộ về vấn đề bản quyền thuốc sinh học - Ảnh: Reuters |
Cuộc đàm phán của bộ trưởng kinh tế và thương mại 12 quốc gia vành đai Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, bắt đầu từ ngày 30-9 tại Atlanta (Mỹ) và dự kiến kết thúc ngày 1-10, nhưng liên tục bị kéo dài thêm cho đến ngày 4-10 (ngày 4 và 5-10 giờ Việt Nam). Đây là cơ hội cuối cùng trong vòng đàm phán này để các bộ trưởng đạt thỏa thuận về TPP.
Hồi tháng 7, các bộ trưởng cũng đàm phán rất căng thẳng ở Hawaii với hi vọng đạt được thỏa thuận TPP nhưng phải ra về tay trắng. AFP dẫn lời một quan chức châu Á cho biết tính đến đêm qua, bất đồng về ngành ôtô giữa Nhật, Mỹ, Mexico và Canada đã được giải quyết. Vấn đề lớn nhất hiện là tranh cãi về mặt hàng dược phẩm giữa Mỹ và Úc, và sản phẩm bơ sữa giữa Mỹ, Canada và New Zealand.
Nút thắt bản quyền thuốc
Bất đồng sâu sắc nhất tại cuộc đàm phán ở Atlanta là bản quyền bảo hộ thuốc sinh học (thuốc thế hệ mới sản xuất từ công nghệ sinh học). Các công ty dược phẩm Mỹ muốn đảm bảo thời gian bảo hộ bản quyền lên đến 12 năm, và đại diện Mỹ sẵn sàng giảm xuống còn tám năm. Tuy nhiên phần lớn các quốc gia trên thế giới chỉ duy trì thời gian bảo hộ trong năm năm.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Akira Amari cho biết tranh chấp về vấn đề bản quyền thuốc sinh học chủ yếu diễn ra giữa Mỹ và Úc. Phía Úc quyết đạt mức năm năm. Đến 23g30 đêm qua, có tin Mỹ và Úc đã vượt qua được bất đồng.
Trước đó, bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb cảnh báo việc không đạt được thỏa thuận về thuốc sinh học có thể đe dọa toàn bộ TPP. Dù vậy, ông Robb lạc quan: “Chúng tôi đang đạt được bước tiến và tin tưởng sẽ hoàn tất đàm phán”.
Dư luận cho rằng việc bảo hộ bản quyền thuốc quá lâu sẽ dẫn đến tình trạng giá thuốc tăng cao đối với người tiêu dùng ở các quốc gia TPP và những chương trình y tế công cộng như của Úc. Tổ chức Thầy thuốc không biên giới (MSF) chỉ trích quy định của Mỹ giúp các đại gia dược duy trì thế độc quyền kinh doanh thuốc sinh học, cản trở các công ty khác sản xuất thuốc phiên bản giá rẻ hơn cho bệnh nhân các nước nghèo.
Bộ trưởng Nhật Amari kêu gọi Mỹ nhượng bộ về vấn đề này để đảm bảo TPP được thông qua. Bộ trưởng Úc Robb tiết lộ cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã thảo luận với nhau qua điện thoại về vấn đề này. Tuy nhiên, các tập đoàn dược phẩm Mỹ đã vận động dữ dội quốc hội nước này để đảm bảo thời gian bảo hộ dài.
Tuần trước, thượng nghị sĩ Mỹ Orrin Hatch thuộc Đảng Cộng hòa đã cảnh báo đội ngũ đàm phán của Mỹ ở Atlanta rằng: “Không ai, ít nhất trong nhóm đàm phán của chúng ta, được phép vội vã. Nếu thỏa thuận không đạt yêu cầu, chúng tôi sẽ không ủng hộ nó”. Dù vậy, thượng nghị sĩ Dân chủ Bernie Sanders cho rằng việc đảm bảo người dân các nước nghèo có thể mua thuốc giá rẻ là “nghĩa vụ đạo đức của chúng ta”.
Cuộc chiến ba bên
Bất đồng sâu sắc còn lại là về thị trường các sản phẩm bơ sữa giữa Mỹ, Canada và New Zealand. Mỹ muốn mở cửa thị trường các sản phẩm từ sữa của nước này, nhưng chỉ nhượng bộ nếu Canada chấp nhận bước đi tương tự. Hiện chính quyền Canada đang hạn chế nhập khẩu các mặt hàng bơ sữa để tăng thu nhập của nông dân nước này. Nhưng các nhà nhập khẩu muốn nhiều hơn là 10% thị phần ở Canada. New Zealand, quốc gia sản xuất sữa hàng đầu thế giới, đang gây sức ép buộc Canada nhượng bộ.
“Chúng tôi phải có được thỏa thuận tốt nhất chứ không phải là một thỏa thuận đẹp đẽ bên ngoài” - báo New Zealand Herald dẫn lời Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser. Đại sứ thương mại nông nghiệp New Zealand Mike Peterson cũng nhấn mạnh sữa là ngành công nghiệp chủ chốt của nước này. Thị trường bơ sữa là vấn đề đặc biệt nhạy cảm đối với Thủ tướng Canada Stephen Harper, người sẽ phải đối mặt với cuộc bầu cử cuối tháng này. Ông Harper cam kết sẽ thúc đẩy vai trò toàn cầu của Canada trong cuộc đàm phán TPP, đồng thời đảm bảo cuộc sống của giới nông dân ngành bơ sữa. Dù vậy ông vẫn vấp phải phản ứng của giới nông dân trong nước.
Từ Montreal, Thủ tướng Harper khẳng định đàm phán TPP tại Atlanta đang tiến triển tốt. Bộ trưởng New Zealand cảnh báo việc không sớm đạt được thỏa thuận sẽ có ảnh hưởng chiến lược về lâu dài đối với Mỹ và các nước đối tác.
Giải quyết các vấn đề thương mại thế kỷ 21 TPP là sáng kiến của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama với mục tiêu xây dựng một vùng thương mại tự do chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu, có thể “giải quyết các vấn đề thương mại của thế kỷ 21”. Đàm phán TPP diễn ra trong bí mật từ vài năm qua. Washington hi vọng Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sẽ buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn của TPP sau khi các quốc gia khác, ví dụ như Hàn Quốc, gia nhập TPP. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận