90% đám cưới có quy định về trang phục để tiệc thêm đẹp
Việc lên ý tưởng cho một đám cưới ngoài trời với ý tưởng xuyên suốt về chủ đề, màu sắc… hầu hết đều cần đến bàn tay của các wedding planner - những người thiết kế tiệc cưới chuyên nghiệp.
Theo các chuyên gia thiết kế tiệc cưới, quy định về trang phục cho khách mời là một phần không hẳn là không thể thiếu, nhưng đã trở nên một điều rất bình thường trong đám cưới của các cặp đôi ngày nay.
Chị Thanh Phương - một người thiết kế tiệc cưới chuyên nghiệp - cho biết có đến 90% cặp đôi là khách hàng của chị có yêu cầu về trang phục (dress code) cho khách mời. Hoặc nếu cặp đôi không đưa yêu cầu, những người như chị cũng có thể đưa ra gợi ý.
"Quy định về trang phục thường sẽ là màu sắc yêu thích của cặp đôi và có sự hài hòa, đẹp mắt với khung cảnh của đám cưới chứ, cũng không phải vì "không muốn khách mời nổi hơn cô dâu". Để khách mời dễ chuẩn bị, họ thường chọn dress code là những màu sắc trung tính, dễ mặc", chị Phương chia sẻ.
Chị Thanh Xuân - người sáng lập của Meraki wedding planner - cũng cho biết việc đưa ra quy định dress code cho khách mời đã phổ biến ở Việt Nam từ 5-6 năm trước. Mục đích thường là làm cho hình ảnh của đám cưới đẹp hơn, thể hiện cá tính của cặp đôi.
"Mọi người đã ngày càng quen thuộc với quy định về trang phục khi dự tiêc cưới. Các cặp đôi cũng có xu hướng tổ chức tiệc cưới nhỏ, ấm cúng với khách mời đa số là người thân thiết. Vì vậy khách hầu hết đều vui vẻ. Nói theo một cách nào đó, họ cũng tận hưởng việc mặc cùng tông màu với các khách khác.
Việc mặc theo yêu cầu trang phục cũng thể hiện sự tôn trọng, yêu quý của những người đến dự tiệc dành cho cô dâu chú rể", chị nói thêm.
Vui nhưng cầu kỳ, mất công
Từng tham dự tiệc đám cưới có yêu cầu về trang phục, Trần Thùy Linh (28 tuổi) cho biết cô hoàn toàn tôn trọng và cố gắng để mặc đúng quy định nếu thư mời có yêu cầu. Nhưng cô nói thêm rằng sẽ thoải mái hơn nếu không phải mặc theo đề nghị của gia chủ.
"Nhiều buổi tiệc cuối năm của công ty tôi cũng yêu cầu mặc dress code để tạo không khí gắn kết, tinh thần đồng đội. Đám cưới bạn thân tổ chức ở một khu sân vườn cũng có dress code, lên hình tập thể đúng là nhìn đẹp mắt hơn. Nhưng ngoài điều đó ra thì không còn lợi ích nào nữa cả.
Trong khi đó, việc quy định dress code có thể làm khó nhiều người. Chẳng hạn như tôi không thích tông màu vàng, nên tủ đồ không có màu vàng. Tôi cũng là người theo phong cách minimalism - phong cách tối giản - nên không thích mua quần áo chỉ để mặc cho một dịp rồi bỏ", Linh chia sẻ.
Cũng giống như đồng phục công ty, mặc đồng phục nhóm, nhiều người thích được tự do ăn mặc và không muốn bị gò bó, mất nhiều thời gian chuẩn bị khi dự tiệc đám cưới.
"Tiệc đám cưới quy định màu sắc khiến khách dự tiệc phải mất công chuẩn bị nhiều hơn. Bình thường tôi tìm được bộ váy áo đúng ý mình đã khó rồi, mà giờ còn phải đúng quy định của bữa tiệc nữa thì lại còn mất công hơn nữa", Bảo Ngọc - 31 tuổi - nêu quan điểm.
Tuy nhiên, phần đông các bạn trẻ vẫn cho rằng dress code cho đám cưới chẳng phải là điều gì xa lạ hay quá lố.
"Dress code cũng bình thường chứ đâu có gì đáng để bị lên án. Nó cũng giống như có một nhóm bạn thân thích mặc đồ giống nhau chụp ảnh làm kỷ niệm, hay gia đình mặc đồ cùng tông chụp ảnh để tạo ra một kỷ niệm đặc biệt.
Nhiều người bây giờ thích tiệc đám cưới nhỏ nhỏ, xinh xinh và chỉ mời những người thật sự thân thiết. Cô dâu chú rể đã tìm chuyên gia thiết kế tiệc cưới, tất nhiên họ mong muốn mọi thứ đẹp nhất, lưu lại những hình ảnh đẹp cho cả họ và khách mời", Bảo Ngọc chia sẻ thêm.
Bạn nghĩ sao về việc cô dâu chú rể đưa ra yêu cầu về màu sắc trang phục cho khách dự lễ cưới? Theo bạn như vậy là bình thường, cầu kỳ, hay làm quá? Mời bạn chia sẻ ý kiến về hòm thư hongtuoi@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận