![]() |
Đại sứ Mỹ Michael Marine (Ảnh: T.Tuấn) |
Ông có cuộc trao đổi với báo giới tại TP HCM trước khi kết thúc nhiệm kì của mình:
* Báo Người lao động: Trong nhiệm kì của mình ở VN, ông thấy mình đã làm được gì và còn gì chưa làm được? Nếu được tiếp tục công việc ở VN ông còn muốn làm gì nữa?
- Tôi không muốn nói về những gì đã làm được - những điều đã được dư luận nhìn nhận rồi. Tuy vậy, có rất nhiều thứ tôi đã làm nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh và cần phải tiếp tục theo đuổi. Thực tế, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước có nhiều phức tạp,…có nhiều vấn đề không thể bắt đầu và hoàn tất trong một ngày được.
Một trong những vấn đề quan trọng là về chất độc dioxin. Tôi rất vui với những tiến triển trong vấn đề đó, như bước đầu giải quyết điểm nóng tại Đà Nẵng, dù còn rất nhiều việc phải làm. Ngoài ra, công cuộc chống HIV/AIDS cũng cần nổ lực tiếp. Chúng ta đã xây dựng được một số cơ chế cho đối thoại nhưng giờ là lúc chúng ta cần đảm bảo là các chương trình này có thể thành công. Có nhiều tiền hỗ trợ VN trong lĩnh vực này và số tiền đó cần được sử dụng đúng và hợp lý.
Một trong những mục tiêu tôi đặt ra cho chính bản thân mình mà tôi không làm được là trong 64 tỉnh, thành phố của VN, tôi mới tới được 55 tỉnh và vẫn còn 9 tỉnh chưa tới được. Tôi luôn cố gắng tới từng tỉnh để tìm hiểu người dân ở khu vực, tìm hiểu các vấn đề của họ.
* Báo Sai Gon Times: Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước có thể đạt tới con số 10 tỉ USD trong năm nay. Theo ông đâu là những yếu tố giúp đẩy mạnh thương mại song phương?
- Yếu tố đầu tiên theo tôi chính là hiệp định thương mại song phương BTA được kí năm 2001. Hiệp định đó đã tạo ra bộ khung cho sự kết hợp giữa 2 nền kinh tế. Kể từ đó, thương mại song phương đã liên tục tăng với tốc độ khoảng 20-25%/năm nhờ nền tảng hiệp định đó. Ngoài ra, đó là những nỗ lực thay đổi của VN trong quá trình chuẩn bị vào WTO, mà Mỹ cũng là một đối tác có những tác động. Điều đó giúp phá bỏ những rào cản tồn tại giữa hai nước cho việc hội nhập, hợp tác lớn hơn.
Một trong những thông điệp tôi đã chuyển tới giới lãnh đạo VN là việc tăng dòng chảy thương mại giữa hai bên hiện vẫn chưa cân bằng. Nguồn hàng từ VN chảy sang Mỹ lớn hơn nhiều so với dòng chảy ngược lại. Đó là một điều có thể hiểu nếu xét trên góc độ phát triển giữa hai nền kinh tế.
Tuy vậy, cũng cần chú ý để dẹp bớt khoảng cách thương mại giữa hai bên. Tôi rất mong các doanh nghiệp, nhà lãnh đạo VN hãy nghĩ tới công nghệ, hàng hóa của Mỹ mỗi khi đưa ra quyết định mua sắm gì đó. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể cung cấp trong lĩnh vực dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, quản lý tài chính,…Tôi hi vọng những lĩnh vực đó sẽ sớm tiếp tục phát triển.
Tôi nghĩ mục tiêu 10 tỉ USD chỉ là mục tiêu quá thấp. Chúng ta cần hướng tới mốc 15 tỉ USD. Chúng ta cần tăng tốc kim ngạch thương mại giữa hai bên khi mà VN đang tăng tốc nền kinh tế của mình. Mỹ vẫn muốn là bạn hàng thương mại hàng đầu cho hàng hóa VN. Đó là một con đường hai chiều và hàng hóa Mỹ cũng mong muốn có chỗ đứng ở thị trường VN.
* Báo Tuổi trẻ: Thưa ông, ASEAN kỉ niệm 40 năm ngày thành lập của mình trong tháng 8 này. Ông đánh giá sao về vai trò của ASEAN đối với hòa bình và an ninh của khu vực. Đánh giá của ông về quan hệ giữa Mỹ và ASEAN?
- Rõ ràng ASEAN rất quan trọng đối với khu vực. ASEAN đã thiết lập một cơ chế để các nước ở ĐNA có tiếng nói thống nhất, thu hút được sự quan tâm của Mỹ và nhiều nước khác nữa trên thế giới. Bằng việc hợp tác, các nước ASEAN đã có nhiều trọng lượng hơn. Họ có tiếng nói lớn hơn khi ở trong khối so với khi là từng quốc gia riêng lẻ. ASEAN với tư cách là tổ chức kinh tế và chính trị đều thu hút được sự quan tâm của Mỹ.
Trong năm nay cũng tổ chức kỉ niệm 30 năm Diễn đàn đối thoại giữa Mỹ-ASEAN và chúng tôi cũng đánh giá rất cao cuộc đối thoại này. Mỹ mong muốn cuộc đối thoại rộng hơn và đi sâu hơn trên nhiều vấn đề. Thực tế Mỹ cũng thông báo sẽ tài trợ 2,3 triệu USD để hỗ trợ chương trình ASEAN – một điều cho thấy chúng tôi coi trọng quan hệ với ASEAN và có những đóng góp mang tính xây dựng với tổ chức.
VN là một trong những thành viên vào muộn nhất của tổ chức. Nếu nhìn và so sánh thời điểm VN trước khi vào và sau khi vào ASEAN thì có thấy VN đã có những phát triển tích cực. VN trở thành một thực thể chính trị mạnh mẽ hơn ở ASEAN và nền kinh tế ngày càng mạnh lên.
Chúng tôi hi vọng ASEAN sẽ sớm thông qua hiến chương ASEAN để cho phép tổ chức này có thể gây ảnh hưởng một cách trực tiếp hơn.
* Báo Tuổi trẻ: Tổng thống Mỹ và Quốc hội thường lâm vào thế bế tắc trong thời gian gần đây quanh rất nhiều vấn đề. Liệu thế bế tắc này có thể gây ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước hay không? Liệu có vấn đề gì có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ hai nước?
- Trước hết, hệ thống chính trị chúng tôi dựa trên sự chia sẻ giữa ba hệ thống quyền lực. Và nhánh lập pháp và hành pháp có những vai trò khác nhau. Hiện tại cơ quan lập pháp đang do Đảng Dân chủ điều khiển (không phải đảng của Tổng thống) và điều này gây ra căng thẳng giữa 2 hệ thống quyền lực.
Tuy vậy họ vẫn cần phải điều hành chính phủ, và đó là công việc của nhánh hành pháp trong khuôn khổ ngân sách do bên lập pháp cấp. Tôi tin rằng sẽ còn có căng thẳng giữa hai cơ quan này tuy vậy Nhà Trắng sẽ vẫn tiếp tục điều hành đất nước và đưa ra các chính sách của mình. Tôi không nghĩ sẽ có nhưng vấn đề liên quan tới VN mà khiến Quốc hội quan tâm (và cản trở).
* Báo Tuổi trẻ: Ông sẽ kết thúc nhiệm kì trong 1 tuần tới, cảm giác cá nhân của ông với VN là thế nào? Ông có nguyện vọng gì muốn gửi tới người dân ở đây?
- Tôi thấy rất vinh dự được làm đại điện của Mỹ tại VN. Làm đại diện đất nước ở đâu cũng đặc biệt nhưng làm tại đất nước đang phát triển rất nhanh và đúng hướng thì thật là tuyệt. Tôi bắt đầu với các vấn đề về VN từ những năm 1988 khi quan hệ chúng ta vẫn còn rất hẹp, có rất ít thứ để làm. Tôi không trở lại VN từ năm 1990 đến tận năm 2004 vì vậy tôi rất ngạc nhiên khi trở lại nhậm chức ở đây.
Ngạc nhiên bởi mức độ phát triển, ngạc nhiên bởi những hoạt động kinh tế và những triển vọng thành công ở đây. Đây là kết quả của đổi mới, của việc các nhà lãnh đạo đất nước nhận ra tầm quan trọng của nền kinh tế thị trường, thành tựu của sự mở cửa quan hệ với các nước trong đó có Mỹ. Tất cả những điều đó đều quan trọng.
Tuy vậy tôi nghĩ lý do thực sự của thành công là con người VN, nhiệt huyết và mong muốn thành công của họ là nguyên nhân chính. Khi được trao cho cơ hội họ biết năm bắt, tận dụng và thành công. Điều này thật ấn tượng.
Xin chân thành cảm ơn ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận