09/08/2007 06:22 GMT+7

Đại sứ Mỹ Michael Marine: 8 tỉ USD đang chờ khởi động

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Là người tham gia thúc đẩy và chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục kim ngạch thương mại hai chiều cũng như đầu tư của Mỹ tại VN, đại sứ Mỹ Michael Marine (ảnh) cho rằng sức tăng trưởng trong thời gian tới sẽ còn lớn hơn. Trước khi kết thúc nhiệm kỳ, đại sứ Marine đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn.

08BBXe6I.jpgPhóng to
Ảnh: M.Nhật
TT - Là người tham gia thúc đẩy và chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục kim ngạch thương mại hai chiều cũng như đầu tư của Mỹ tại VN, đại sứ Mỹ Michael Marine (ảnh) cho rằng sức tăng trưởng trong thời gian tới sẽ còn lớn hơn. Trước khi kết thúc nhiệm kỳ, đại sứ Marine đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

* Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) đã được áp dụng năm năm qua, theo ông, đâu là điểm thành công nhất?

- Hãy nhìn những gì chúng ta làm được qua các con số và mức tăng trưởng kể từ khi BTA có hiệu lực tháng 12-2001. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 7-8 lần. Tôi nghĩ con số 10 tỉ USD trong năm nay là điều có thể và chúng ta cần hướng tới mục tiêu 15 tỉ USD. Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN. Và điều quan trọng là tôi không thấy có dấu hiệu nào cho thấy chiều hướng này sẽ thay đổi.

Tôi tin thương mại VN và Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng. Nhưng quả thật tôi có hơi suy nghĩ khi mức tăng trưởng xuất khẩu từ Mỹ vào VN còn chậm dù hàng hóa Mỹ muốn có chỗ đứng ở VN. Sự tăng trưởng này chậm hơn so với những gì tôi mong muốn. Có nhiều lý do. Nhưng lý do có thể nhận thấy là vì thị trường VN chưa lớn, chưa mua được những mặt hàng mà các công ty Mỹ có thể bán.

* Nhiều người dự đoán đầu tư của Mỹ vào VN sẽ tăng đột biến nhưng thực tế điều này đã không xảy ra, ông nghĩ thế nào?

- Tôi nghĩ nói như vậy là không công bằng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào VN đang nhảy vọt, trong đó rất nhiều từ Mỹ. Nếu đầu tư nước ngoài cùng đổ vào nhiều cùng một lúc, tôi nghĩ điều đó là vô cùng lãng phí, chẳng ích lợi gì cả. Tôi nghĩ khả năng hấp thu đầu tư nước ngoài của VN đang có chiều hướng mạnh lên.

Trên bàn làm việc của tôi ở Hà Nội hiện có 6-7 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư khoảng 7-8 tỉ USD mà tôi nghĩ VN sẽ cấp phép trong nay mai. Tôi không thể nói chi tiết về những dự án đó, nhưng chúng thuộc các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng…

VN cần có nhiều điện hơn cho nền kinh tế. Tôi thấy ngay cả ở TP.HCM đôi khi phải cúp điện, điều đó thật nguy hiểm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế. Có nhiều công ty Mỹ đang rất quan tâm đến việc cung cấp tài chính, kỹ thuật cho việc xây dựng nhà máy điện. Tôi nghĩ những cuộc đàm phán này đang tiến triển tốt.

Một số nhà đầu tư Mỹ khác đã hoạt động trong lĩnh vực cảng biển - một lĩnh vực vô cùng quan trọng khác để phát triển kinh tế - sẵn sàng tăng đầu tư mở rộng qui mô trong lĩnh vực này. Tôi biết có một công ty Mỹ khá lớn trong lĩnh vực này đang muốn tăng đầu tư, mở rộng sự hoạt động của mình tại VN.

Những dự án đầu tư của các công ty Mỹ hiện đang trong tình trạng sẵn sàng, rất nhiều dự án lớn có thể đưa mức đầu tư của Mỹ ở đây lên 4-8 tỉ USD. Việc xác định nhà đầu tư thuộc quốc tịch nào cũng là vấn đề cần xem xét. Ngay Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng phải thừa nhận cách thống kê của họ hiện tại không phản ánh đúng thực tế. Ví dụ: tất cả đều biết Intel là công ty Mỹ chứ, nhưng Bộ Kế hoạch - đầu tư lại xếp nó là dự án từ Hong Kong vì tiền đầu tư đến từ một công ty con của Intel ở Hong Kong.

Tôi dự đoán trong năm năm nữa Mỹ sẽ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại VN. Nhưng phải nói là dự đoán của tôi phụ thuộc nhiều vào việc VN cải cách kinh tế như thế nào. Nếu VN không tiếp tục tiến trình cải cách kinh tế theo những gì đã cam kết trong BTA và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì dự đoán của tôi sẽ thay đổi. Điều quan trọng nữa cho dự đoán của tôi là VN cần tiếp tục mở cửa thị trường cho lĩnh vực dịch vụ của Mỹ.

Tân đại sứ Mỹ ở VN Michael Michalak đã được Thượng viện Mỹ chấp thuận hôm 2-8. Ngày 10-8, ông sẽ chính thức nhận ủy nhiệm thư từ Thứ trưởng Ngoại giao John Negroponte. Tin từ sứ quán Mỹ cho biết ông sẽ sang VN vào cuối tháng tám này.

Ông Michalak nguyên là đại sứ Mỹ tại APEC, có bằng thạc sĩ của ĐH Harvard và là một chuyên gia về Trung Quốc và Nhật Bản.

* Ông từng làm việc ở Trung Quốc khi nước này mới gia nhập WTO và vừa qua là VN. Có kinh nghiệm nào đó của Trung Quốc, theo ông, VN có thể chia sẻ?

- Tôi không chắc VN nên học gì từ Trung Quốc. Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng nhất VN phải làm là tận dụng chiếc thẻ thành viên WTO để làm lợi cho mình bằng cách thúc đẩy áp dụng nhanh hơn những cam kết WTO. Khuynh hướng tự nhiên là cố gắng bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất trong nước, nhưng tôi nghĩ việc VN mở cửa thị trường sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho đất nước các bạn.

Như các bạn đã biết, các doanh nghiệp nhà nước hiện giữ vai trò kém quan trọng hơn mười năm trước. Nhưng những công ty đó vẫn cản trở sự phát triển của nền kinh tế vì sức cạnh tranh kém. Nhà nước vẫn còn bảo hộ chúng nhiều quá. Nền kinh tế VN trở nên có sức cạnh tranh chừng nào thì tương lai VN tốt hơn chừng đó. Vì vậy, tôi nghĩ những gì VN cần làm là cải cách nhanh hơn.

Một trong những điều chúng tôi nghe được khi VN chuẩn bị gia nhập WTO là sự lo lắng đối với lĩnh vực nông nghiệp và về việc nông dân bị tổn thương vì WTO. Có ai đó có thể cho tôi bằng chứng rằng người nông dân đã bị tác động vì WTO. Điều thực tế tôi thấy là lĩnh vực nông nghiệp đã hưởng lợi từ WTO qua việc mở rộng thị trường, thay đổi cách thức canh tác truyền thống. Vấn đề cốt lõi trong lĩnh vực nông nghiệp là đảm bảo được chất lượng sản phẩm tốt nhất. Thế giới đang lo ngại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. VN có thể tận dụng cơ hội của WTO để tăng cường chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm của mình. Tôi nghĩ đó là giá trị thực tế đem lại cho VN.

* Xin cảm ơn đại sứ.

Mỹ hỗ trợ 65 triệu USD chống HIV/AIDS tại VN

Đó là thông tin từ đại sứ Michael Marine trong chuyến thăm văn phòng trợ giúp pháp lý HIV/AIDS tại TP.HCM sáng 8-8. Trọng tâm của chương trình sẽ chú trọng vào những nhiệm vụ chính: ngăn chặn sự lây lan HIV trong cộng đồng; cung cấp thuốc men đặc trị cho những người bị nhiễm HIV/AIDS nhằm giúp họ mau chóng trở lại cuộc sống bình thường; hỗ trợ chăm sóc những người bị nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt là các trẻ em mồ côi bị nhiễm HIV.

Trong năm 2007-2008, Mỹ sẽ cung cấp trên 180.000 USD để hỗ trợ việc thành lập thêm các trung tâm pháp lý, huấn luyện pháp lý và nâng cao nhận thức tại các tỉnh thành trọng điểm.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên