13/11/2007 07:08 GMT+7

Đại hồng thủy 2007

NHÓM PV TUỔI TRẺ
NHÓM PV TUỔI TRẺ

TT - Hàng ngàn ngôi nhà chỉ còn thấy mái, hàng ngàn con người được cứu thoát khỏi những nóc nhà trong lũ, rất nhiều người còn đứng trên những nóc nhà chới với kêu cứu... Nước ngập ngút ngàn miền Trung. Những hình ảnh phóng viên Tuổi Trẻ từ các “rốn lũ” gửi về làm chúng ta không thể kìm được nước mắt.

* Miền Trung ngập chìm trong biển lũ * 25 người chết và mất tích* 5 trận lũ chồng lên nhau* Hàng chục ngàn ngôi nhà ngập sâu trong nước* Báo Tuổi Trẻ cứu trợ khẩn cấp

6vMRAvka.jpgPhóng to TxpSQbUB.jpg
Nước lũ dâng cao nhấn chìm phố cổ Hội An (ảnh chụp lúc 13g ngày 12-11) - Ảnh: Việ t Hùng Nước lũ đã tràn qua danh thắng chùa Cầu (Hội An) trưa 12-11 - Ảnh: Việt Hùng
Ex5vnW2f.jpgPhóng to rK0pwEiz.jpg
Bé Đỗ Thành Anh Khương (An Hội, Hội An, Quảng Nam) 4 tháng tuổi được các chiến sĩ biên phòng sơ tán bằng cách gỡ ngói nóc nhà - Ảnh: Việt Hùng Người dân Bình Sơn (Quảng Ngãi) chạy lũ bằng bè là những thân cây chuối ghép lại - Ảnh: T.Minh
MQlFuVZ2.jpgPhóng to
Một gia đình ở An Hội (Hội An) “rút” lên trần nhà mở cửa sổ để được sơ tán - Ảnh: V.Hùng
Nghe đọc nội dung toàn bài:

* Ngày 12-11, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện ngay một số việc cấp bách. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nội dung công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương và các ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ trong chuyến đi kiểm tra việc chống lũ và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các địa phương; lưu ý chỉ đạo đồng thời công tác chống lũ và khắc phục hậu quả.

* Thông tin từ văn phòng đại diện miền Trung của Cục Quản lý đê điều và phòng chống bão lụt, đến 18g ngày 12-11 đã có 25 người chết và mất tích vì mưa lũ tại các tỉnh miền Trung. Trong đó Quảng Ngãi có bảy người, Bình Định bảy người, Quảng Nam ba người, Huế hai người và Khánh Hòa hai người.

* Ít nhất 100 tàu thuyền bị lũ cuốn trôi. Mưa to gió lớn làm đứt dây neo khiến 65 tàu đang neo đậu tại bến Hồng Triều, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) trôi ra biển. Tại Cửa Đại có khoảng 60 ghe thuyền của ngư dân hai xã Bình Minh và Bình Dương đã bị lũ cuốn trôi.

Mưa lũ đã làm tuyến đường sắt đoạn qua địa phận Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam tê liệt hoàn toàn. Tuyến đường sắt đi qua đèo Hải Vân bị sạt lở nghiêm trọng với hơn 18 điểm, nhiều đoạn đường sắt bị đất đá chôn vùi và có dấu hiệu sạt lở tiếp tục nên chưa thể biết được khi nào tuyến đường sắt Bắc - Nam sẽ thông trở lại. Đường sắt tê liệt khiến việc lưu thông của 18 đoàn tàu trên toàn tuyến bị ách tắc hoàn toàn với số khách ước trên 6.000 người.

-----------------

Quảng Nam - Đà Nẵng: tính mạng dân mong manh

hoYNH8MG.jpgPhóng to
Cụ Đỗ Thành Mít (74 tuổi, Đồng Hiệp, Hội An) được đưa ra khỏi nhà ngập nước bằng cách dỡ mái ngói - Ảnh: V.Hùng
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Hàng ngàn căn nhà ngập sâu trong màn nước bạc suốt nhiều ngày qua. Chưa bao giờ người dân nghèo Quảng Nam - Đà Nẵng lại lâm vào cảnh khốn đốn hơn thế.

Phố cổ Hội An: nước lũ “liếm” mái nhà

Chiều 12-11, ba phần tư địa bàn Hội An ngập trong làn nước lũ đỏ ngầu. Phố cổ Hội An như một “ốc đảo” trong nước lũ. Nước dâng mỗi giờ mỗi cao “liếm” gần đến những mái ngói âm dương các ngôi nhà cổ trên đường Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Trần Phú... Mặt nước sông Hoài bình thường cách sàn chùa Cầu khoảng 4m nhưng nay “liếm” gần hết mái.

Cả ngày 12-11, tại trụ sở UBND thị xã Hội An, điện thoại liên tục đổ chuông bởi chính quyền các địa phương, người dân liên tục kêu cứu nạn, cứu hộ. Toàn bộ canô, thuyền của dân đều được trưng dụng vào việc cứu nạn. Các vùng Đồng Hội, An Hiệp... nước ngập hết nhà, mỗi khi canô chạy qua đều nghe tiếng người dân kêu cứu. Cụ Đỗ Thành Mít (74 tuổi, khối phố Đồng Hiệp, phường Minh An) cùng cả gia đình phải dỡ ngói nhà để sơ tán lên canô. Cụ Mít run rẩy nói: “Mưa lớn thảy bong bóng, lại không ngớt nữa nên con nước lên quá nhanh. Cơn lũ đợt thứ tư này lớn hơn cơn lũ lịch sử năm 1999. Nước lên trong đêm, trở tay không kịp nên trong nhà không cứu được thứ gì”. Đến 15g chiều, vẫn còn hàng ngàn ngôi nhà ven sông Hoài ngập trong lũ, một số hộ dân đứng trên nóc nhà dùng áo mưa, dù vẫy lực lượng cứu nạn.

Một số ngôi nhà bị các đồ vật trôi đánh vào, vỡ từng mảng tường. Chủ tịch UBND thị xã Hội An Lê Văn Giảng đã ban bố lệnh phong tỏa không cho thuyền bè đi vào khu vực ngập lũ từ chiều 11-11. 200 du khách nước ngoài ở các khách sạn nằm trong khu vực thấp lũ như Vĩnh Hưng 4, Vạn Lợi, Thùy Dương 2... đã được canô đưa vào các chỗ nghỉ khô ráo.

Nghiêm trọng nhất là các xã Cẩm Kim, Cẩm Hà, Cẩm Nam, Đồng Hiệp, An Hội..., ngập nặng từ lũ đợt trước (3-11) chưa rút hết nay lại thêm đợt lũ mới, nhiều nhà chỉ còn trơ nóc. Khó khăn ở những khu vực này là xóm nhỏ, vướng cây cối, cột điện, dây điện... nên thuyền, canô cứu nạn không tiếp cận được. Mãi đến 13g, bí thư Thị ủy Hội An Nguyễn Sự ra lệnh dùng canô, thuyền máy lớn kéo các ghe nhỏ để vào được các thôn, xóm, sau đó di chuyển người dân ra thuyền lớn.

Đà Nẵng: dân kêu cứu trong lũ ngút trời

Dọc theo các tuyến phố cổ trong khu vực 1, gần 150 trong tổng số 500 ngôi nhà cổ ở Hội An chìm trong nước lũ.

Theo thống kê sơ bộ, toàn TP Đà Nẵng có đến 22.000 hộ dân với 98.000 nhân khẩu bị ngập chìm trong nước.

Phải đến gần 13g ngày 12-11, lực lượng cứu hộ của TP Đà Nẵng mới tìm cách tiếp cận được với vùng lũ Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) - “rốn lũ” trong trận lũ lịch sử này. Như vậy chỉ tính từ đầu tháng mười đến nay, người dân nơi đây đã phải gánh chịu liên tục ba đợt lũ nặng và bây giờ mới chính là trận lũ gây hậu quả nặng nề nhất. Hàng ngàn ngôi nhà ở phường Hòa Xuân đã bị nhấn chìm trong dòng nước xoáy của lũ dữ.

Tối 12-11, nước từ thượng nguồn vẫn cuồn cuộn đổ về, khiến tính mạng của người dân trong thời khắc này là vô cùng mong manh. Các lực lượng cứu hộ của TP Đà Nẵng đã huy động hàng chục tàu, ca nô cao tốc trực chỉ rốn lũ Hòa Xuân để tiếp tế lương thực và cứu người. Trong vòng xoáy đỏ của dòng nước lũ, thỉnh thoảng lại nghe tiếng người í ới kêu cứu trong lũ ngút trời, những tiếng kêu cứu lẩn khuất sau những rặng tre làng ngập nước đến thảm thương. Tại thôn Liên Lạc, bà Võ Thị Sương khóc than: “Từ sáng đến chừ mở cửa kêu cứu nhưng không thấy ai qua lại để nhờ cả, giờ mới thuê được chiếc xuồng nan để chở mấy đứa nhỏ đi”. Có quá nhiều người nơi đây cùng tình cảnh như bà Sương. Tại thôn Cổ Mân, sau gần 30 phút xoay xở, chiếc thuyền dài của lực lượng cứu hộ quận Cẩm Lệ mới tiếp cận, phá cửa và đưa được bốn mẹ con bà Hoàng Thị Ánh đến nơi an toàn. “Nước lên quá nhanh, ngập đến cả nóc nên không di chuyển được. May mà có mấy anh đến cứu. Nếu không chắc chết quá” - bà Ánh thất thần nói. Đến chiều tối, hầu hết các hộ dân nơi đây đã được sơ tán lên trụ sở ủy ban phường và các trường học trong khu vực.

Tại xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang), đến 15g ngày 12-11 đã có 1.500 ngôi nhà bị ngập sâu khoảng 2m nước. Riêng thôn Tây An, có nhiều nhà bị ngập lút mái, dân phải dắt díu nhau chạy lũ bỏ lại hết của cải, tài sản. Chị Lê Thị Đàn, 43 tuổi (thôn Tây An), ngồi ôm cháu bé Lê Thanh Tâm (2 tuổi) trước mái hiên một ngôi nhà trên quốc lộ 1A tại cầu Đỏ thẫn thờ: “Mới chưa được một tháng mà có tới bốn trận lũ ập vào nhà. Nhưng trận này là nặng nhất. Không biết ít bữa nữa lấy chi mà sống”.

--------------

Thừa Thiên - Huế: 5 trận lũ chồng lên nhau

* Sơ tán hơn 5.000 hộ dân

Mưa đầu nguồn tiếp tục xối xả cùng với triều cường đã làm lũ dâng nhanh và cao nhất kể từ sau cơn “đại hồng thủy” năm 1999.

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Ngày 12-11, toàn bộ các huyện và TP trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập rất sâu trong nước, nghiêm trọng nhất là các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền và Hương Trà, phần lớn ngập sâu 2-2,5m.

Tính đến 16g chiều qua, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế di dời, sơ tán trên 5.000 hộ dân, hàng chục ngàn người, trong đó TP Huế có số dân phải sơ tán nhiều nhất với gần 2.500 hộ, gần 9.000 nhân khẩu. Bí thư Thành ủy Huế Nguyễn Kim Dũng cho biết 24/27 phường xã của TP Huế đã bị ngập, có nơi ngập sâu trên 2m, ba phường còn lại thuộc loại cao của TP cũng có một bộ phận bị ngập sâu. Tổng số nhà bị ngập toàn TP gần 46.000 nhà.

Quân đội cứu hộ, cứu nạn

Lực lượng quân đội, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4, Quân khu 5 đã tích cực giúp dân sơ tán khỏi vùng ngập lụt và cứu dân trong các tình huống khẩn cấp.

Bộ đội biên phòng các tỉnh thành: Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi huy động 858 cán bộ, chiến sĩ, 25 tàu thuyền tham gia cứu dân trong mưa lũ, di dời 1.000 hộ dân với 4.319 nhân khẩu ở xã Cẩm Kim về trung tâm Hội An (Quảng Nam) để tránh lũ. Quân khu 4 và Quân khu 5 đã huy động hàng trăm sĩ quan, chiến sĩ cùng với nhiều xuồng, canô, xe tải, phương tiện thông tin, phối hợp với bộ chỉ huy quân sự các tỉnh giúp dân chống lũ lụt, cứu hộ, cứu nạn.

Hầu hết tuyến đường giao thông tại các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc... đều bị ngập sâu, có nơi đến 2m nên việc đi lại hoàn toàn bị chia cắt. Đặc biệt, hơn 70% số nhà dân ở các xã vùng trũng như Quảng An, Quảng Phước, Quảng Thanh (huyện Quảng Điền), Phú Thanh, Phú Mậu (huyện Phú Vang) và Hương Phóng (huyện Hương Trà) đều ngập sâu 0,5-1m, thậm chí tại xã Phú Mậu ngay trung tâm hành chính xã đến chiều qua đã bị ngập đến 2m, có nơi ngập đến 3m. Mực nước trên sông Hương dâng nhanh, chảy xiết.

Bí thư tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn chỉ đạo một trong những giải pháp hạn chế tối đa thiệt hại của trận lũ này là việc nghiêm cấm đi lại bằng ghe, thuyền từ nay đến ngày 14-11. Với việc “cấm người dân đi lại”, người dân TP Huế cũng như các vùng nông thôn vốn bị cô lập càng trong tình trạng “nội bất xuất ngoại bất nhập”.

Điều đáng lo ngại là chỉ trong rạng sáng 12-11, trên chiều dài bờ biển Thuận An (huyện Phú Vang) biển đã xâm thực sâu vào đất liền đến 25m, dài gần 200m, đe dọa trực tiếp đến ba hộ dân với 17 nhân khẩu chưa kịp sơ tán. Tại hồ Truồi - hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh với 50 triệu m3 nước - lúc 13g chiều qua mực nước dâng cao đến 42,5m khiến nước qua tràn ở mức 6,5m; trong khi đó đường lên hồ chứa nước này đã bị tê liệt do sạt lở và ngập nước.

Tại thôn Thuận Hòa B, xã Hương Phong, huyện Hương Trà, hơn 200 hộ nơi đây sống chủ yếu trong những ngôi nhà chồ lợp tôn cũ tạm bợ oằn mình trong dòng nước chảy xiết, tất cả chìm sâu trong nước 1-2m. Bà Đặng Thị Lê, 62 tuổi, người địa phương, cho hay: “Lụt lần ni lên nhanh và to khủng khiếp đến mức không ai ngờ nên nhiều đồ đạc làm ăn cũng bị trôi đi. Trời làm dữ quá, chưa đầy một tháng mà nước lên lần ni là lần thứ năm luôn, không ai chịu được!”. Ông Nguyễn Ngọc Côi, 67 tuổi, nói: “Nước lũ thông thường lên cao là hạ xuống, trận lũ ni thì quá cao một cách bất ngờ, nước lại có xu hướng ngâm lâu ngày nên chúng tôi không chuẩn bị được nhiều thức ăn và chất đốt! Nếu ngâm lâu ngày kiểu ni dễ đói quá”.

-------------

dPczUnp4.jpgPhóng to

Các em thiếu nhi xã Hải Thiện nhận quà cứu trợ của bạn đọc Tuổi Trẻ Ảnh: L.Đ.D.

Đêm 11 rạng ngày 12-11, mưa mịt mù trên khắp địa bàn Quảng Trị, nước các sông lên cao. đoàn công tác xã hội của báo Tuổi Trẻ vẫn quyết định mở đợt cứu trợ khẩn cấp.

1.000 bao gạo, 1.000 thùng mì, 200 triệu đồng cộng với ý chí vượt lũ. Đường về xã Hải Thiện ngập sâu 1m. Xe chạy dò dẫm, men theo mấy bóng cây lờ mờ ven đường mà đi.

Từ Hải Thiện về Hải Thành mới thật kinh khủng. Không còn dấu vết con đường vào xã. Chưa đầy hai cây số phải đi gần một giờ.Trụ sở UBND xã Hải Thành cũng ngập, dời địa điểm nhận quà cứu trợ ra trường trung học cơ sở của xã. Chưa đến nơi đã thấy một bến thuyền đông nghịt. Bà con từ các thôn bị lụt chèo thuyền ra trường nhận hàng cứu trợ. Anh Trà - chủ tịch xã - giọng rưng rưng: “Không ngờ anh em về được khi lũ dâng thế này, trận lũ ni là trận thứ tư trong ba tuần qua, mà cũng là lụt to nhất từ mấy năm nay, xấp xỉ lụt năm 1999!”.

Lúc đi nước chỉ hơn 0,7m, chưa đầy một giờ nước dâng thêm hơn một tấc nữa. Đường về lại huyện lỵ không đi được. Kẹt cứng.

Tranh thủ về Hải Tân, trao 100 suất quà xong thì đường về Hải Hòa đã hoàn toàn cô lập bởi sông Ô Lâu đang dâng cao chưa từng thấy. Về lại Triệu Thượng, Triệu Thành, Triệu Long của huyện Triệu Phong trao xong đã 18g. Vậy là đúng 12 giờ đồng hồ chạy đua với lũ, 700 suất quà của bạn đọc Tuổi Trẻ đã đến tận tay 700 hộ dân vùng lũ, còn 300 suất nữa của ba xã Hải Hòa, Triệu Hòa, Triệu Giang sẽ cố gắng trao kịp trong hôm nay 13-11.

Tối 12-11 mưa vẫn xối xả, nước các sông Hiếu Giang, Thạch Hãn, Ô Lâu vẫn dâng nhanh nhưng thấy an tâm phần nào khi số quà nhỏ của bạn đọc Tuổi Trẻ sẽ giúp bà con vùng rốn lũ ở Hải Lăng, Triệu Phong cầm cự qua trận lũ thứ tư trong tháng và chưa biết còn thêm bao cơn lũ nữa trước mắt. Ông Nguyễn Đăng Quang, bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị, nói: “Lụt to nhưng mình đưa gạo, mì về cho bà con lúc này mới ý nghĩa, mới thật là một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

* Nước ở thượng nguồn đổ về rất mạnh đã làm vỡ cầu phao ở xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Nước lũ cũng đã nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà ở đây. Đến chiều 12-11, hàng chục tuyến đường giao thông trên toàn tỉnh bị tê liệt hoàn toàn do bị ngập nặng và sạt lở nghiêm trọng. Tỉnh lộ 68 - Triệu Phong, tỉnh lộ 8 - Hải Lăng, tỉnh lộ 7 - Đakrông bị ngập sâu 1-1,5m, không đi lại được.

* Mưa lũ trong hai ngày qua tại Quảng Ngãi đã làm cho 60.500 nhà dân bị ngập, cuốn trôi, gây sập hoàn toàn 26 ngôi nhà; 140 ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng nặng. 68 xã ở các huyện đồng bằng bị chia cắt và gây cô lập huyện miền núi Tây Trà, tắc nghẽn giao thông hầu hết các tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã ở các huyện miền núi trong tỉnh.

* Lúc 20 giờ ngày 12-11, trên quốc lộ 1A có khoảng 15 xe khách với hơn 700 hành khách bị kẹt giữa dòng nước lũ ở khu vực Giếng Trời (huyện Quế Sơn, Quảng Nam). Nước lũ băng qua đường với tốc độ rất mạnh khiến mọi phương tiện cứu hộ không thể tiếp cận đến địa điểm các xe này, hàng trăm hành khách trên xe hỗn loạn, kêu cứu vì lo sợ lũ cuốn và đói...

NHÓM PV TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên